Xin được tóm tắt trải nghiệm DLUT 2022 của mình bằng 1 câu: Đường đua cự ly 45K quá khó, quá kinh!
Trong số các giải chạy trail mình đã tham gia cự ly 42 – 45K từ trước đến giờ, DLUT 2022 chắc chắn được xếp ở vị trí đầu bảng, xét cả về độ dốc và mức độ thử thách thần. Dưới đây là so sánh Elevation của các giải trail cự ly 42-45K mình đã tham gia trước đây
- Vietnam Mountain Marathon 2017 – 2018: ~ 1.500m
- Vietnam Jungle Marathon 2018: ~1.600m
- Vietnam Trail Marathon 2020: ~ 1.600m
- Dalat Ultra Trail 2018: ~ 1.300m
- Dalat Ultra Trail 2020: ~ 2.000m
- Dalat Ultra Trail 2022: ~ 2.300m
Có thể thấy rõ mức độ khó của Dalat Ultra Trail tăng cấp rõ rệt qua mỗi năm. Hồi 2018 khi mới ra mắt, DLUT được xem là giải chạy trail dễ nhất. Mình vừa chạy vừa ngắm hoa, ngắm gái mà hoàn thành dưới 8 tiếng. Qua năm 2019, đường đua đã thay đổi 100%, nghe đồn khó hơn nhiều nhưng mình không tham gia do tập trung cho IRONMAN 70.3 Vietnam.
Năm 2020, mình mới trở lại tham gia DLUT 2020 và đã thấm đòn với trải nghiệm leo Lang Biang trong mùa mưa bão. Vừa chạy vừa run, sợ trượt chân rớt xuống vực. Mất đến 8 tiếgn 45 phút mới lết được về đích.
Năm nay tham gia DLUT 2022, mình chủ quan không kiểm tra kỹ cung đường chạy, cứ nghĩ nó sẽ y hệt như DLUT 2020. Dự kiến sẽ về đích trong khoảng 8-9 tiếng.
Nhưng mình đã lầm to!
Cung đường nhìn thoáng qua có vẻ giống nhau: đều xuất phát và về đích ở Thung Lũng Tình Yêu, đều leo LangBiang. Nhưng trải nghiệm thực tế hoàn toàn khác biệt. Độ dốc được nâng cấp từ 2.000m lên 2.300m, tương đương với độ dốc của Laan Ultra Trail cự ly 55K mình đã tham gia hồi 2018 – 2019.
Nhìn vào biểu đồ độ dốc, có thể thấy rõ phần leo núi LangBiang của DLUT 2022 khác hẳn so với DLUT 2020. Dốc lên dựng đứng, lên đến mốc 2.100m. Dốc xuống còn kinh khủng hơn, thẳng đứng 1 đường từ trên đỉnh xuống chân núi.
Trên website của BTC đã có phần mô tả đường chạy rất chi tiết ở đây: DLUT 2022 Distances, nhưng mình nào có thèm quan tâm trước khi lên đường. Đến giờ ngồi viết blog mới tìm đọc, đúng là ngược đời!
Nếu như trước khi chạy mình chịu khó dành 5′ ngồi xem qua mô tả đường chạy thì đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn trước khi ra trận, không bị choáng váng khi nhìn thấy cảnh đu dây xuống núi LangBiang từ CP7 đến CP8.
Đây là bài học kinh nghiệm đáng giá cho những giải chạy trail sau: phải nghiên cứu kỹ đường chạy trước khi lên đường.
Nãy giờ vào đề dài dòng quá rồi, giờ chuyển sang phần chính: kể chuyện hành xác ở DLUT 2022 để mọi người hứng thú hơn tí nhé.
I. Chuẩn bị trước giờ G
Đồ nghề thi đấu đã được mình soạn sẵn 1 góc vào tối thứ sáu để bảo đảm không thiếu sót bất kỳ món nào. Tất cả được chia đều ra trên túi đeo hông và vest nước.
- Túi đeo hông: đựng Gel năng lượng / viên muối điện giải. BiB thi đấu và 1 cái khẩu trang dự phòng được cho vào bịch nylon và đính vào móc treo BIB có sẵn. Gậy leo núi khi không sử dụng sẽ được gắn trên đai giữ gậy tích hợp phía sau túi đeo hông.
- Vest nước: Bánh năng lượng Lecka được nhét vào ngăn nhỏ, áo khoác, chăn giữ nhiệt, khăn giấy ướt, nón che gáy được nhét vào ngăn lớn nhất. Hai bình nước dẻo 500ml được lắp ở 2 ngăn trước ngực của vest.
Ngoài ra không quên chuẩn bị kèm theo 1 túi đồ gửi BTC trước khi thi đấu. Trong đó đựng dép, khăn, áo sạch để gửi thay sau khi về đích.
Mọi người thức dậy lúc 4h15 sáng, chuẩn bị những công đoạn quen thuộc trước giờ thi đấu:
- Uống 1 ly nước ấm đầy và đi bộ loanh quanh trong nhà khoảng 5′ để kích hoạt ruột già.
- Chui vào toilet vệ sinh sạch sẽ.
- Thoa dầu bôi trơn Squirt Barrier Balm vào các vùng nhạy cảm dễ bị phồng rộp: háng, ngón chân, ngực,…
- Lên đồ: mặc quần áo, mang vớ, ống tay, headband…
Thay vì ăn bánh năng lượng RawBite, mình chuyển sang nạp năng lượng đầu ngày bằng món xôi mặn. Các hộp xôi đã được mua từ tối hôm trước, đến sáng cho vô lò vi sóng hâm lại là măm măm ngon lành. Lúc mới ăn cũng hơi lo lo, không biết lát nữa có biến gì không, nhưng xôi ngon quá, nên quất hết luôn.
5h15: anh em đón xe từ căn hộ thẳng tiến về Thung Lung Tình Yêu. Mọi người vào quầy gửi ba lô, tranh thủ chụp hình. Sẵn sàng cho chuyến hành quân xuất phát lúc 6h sáng.
II. Xuất phát → CP1 → CP2 → CP3: Dạo chơi vui vẻ
Năm nay nhóm mình tham gia 45K gồm 4 mạng. Toàn là cọp beo hổ báo (trừ mình ra) nhưng ai cũng tỏ vẻ mình là “thỏ ngây thơ”:
- Anh yếu lắm, lát chạy phải chờ anh nha Thuận!
- Đứa nào bỏ nhóm chạy trước là con chó, về đích sủa gâu gâu!
Trên thực tế, ông nào cũng lo cắm đầu chạy, làm anh em phải dí theo gần chết. Có 1 đoạn mình mắc tè, mới tấp vào bụi giải quyết trong 20 giây, quay ra thì mấy con cọp biến mất không còn tung tích. Sau đó phải cắm mặt chạy pace 5 trong gần 10′ mới bắt kịp. Sau đó không dám đi tè luôn!
Khi xuất phát, mình cất 2 cặp gậy trên túi đeo hông. Mình muốn được tự do sải bước, đánh tay thoải mái trên những con dốc. Thật vui khi được tận hưởng trở lại không khí náo nhiệt của 1 giải chạy trail – cảm giác tưởng chừng như đã thiếu vắng cả ngàn năm qua.
Cặp gậy được mình lôi ra sử dụng từ sau CP1 để giúp giảm tải cho đôi chân trong những đoạn leo dốc. Ngoài ra nó còn là phụ kiện trang trí siêu nổi bật, giúp hút nhiếp ảnh gia rất hiệu quả. Mình gom được vô số hình đẹp trong giải lần này.
Cám ơn các nhiếp ảnh gia của BTC, Onways, Activ và IMSports đã không quản mưa nắng, mang đến những tấm ảnh đẹp cho mọi người sống ảo sau race.
20km đầu tiên của đường đua khá dễ dàng khi trời còn mát mẻ, mọi người còn sung sức. Nhóm mình lần lượt vượt qua CP1, CP2 và CP3 mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
III. CP3 → CP7: Đối mặt dốc đứng!
Thử thách bắt đầu từ sau CP3. Bắt đầu là 1 đoạn đổ dốc dài, sau đó tiến vào lãnh địa của LangBiang và đối mặt với những con dốc đứng.
Lúc này đã qua 9h sáng, mặt trời đã lên cao, nắng chói chang. Đôi chân bắt đầu có những dấu hiệu nhói nhói, có thể bị chuột rút bất kỳ lúc nào.
4 anh em trong nhóm lúc này vẫn còn đeo bám nhau như hình với bóng. Nhờ có mấy con cọp này mà mình mới có động lực chạy liên tục trong những đoạn đổ dốc và đường bằng. Chứ nếu đi 1 mình e là đã chuyển sang chế độ lười biếng từ lâu, lê lết không biết bao giờ mới về đích
Coros Apex 42 dẫn đường
Do vợ bị dính COVID-19 không thể tham gia nên mình ngay lập tức cướp em đồng hồ Coros Apex 42 của vợ để sử dụng trên đường đua. Apex 42 có tính năng tải bản đồ đường chạy, hữu ích hơn hẳn so với em Pace 2 của mình (Pace 2 không có tính năng bản đồ)
Trước khi lên đường, mình đã tải sẵn đường đua vào Coros Apex 42 để sử dụng khi thi đấu, và nó thực sự hữu ích. Đồng hồ giúp mình phân phối sức và nước uống hợp lý cho từng chặng (từ CP trước đến CP sau). Ngoài ra không ít lần nó phát hiện mình đi lạc đường, kêu tít tít báo động, giúp mình chủ động tìm kiếm dây marker đánh dấu để quay lại đúng cung đường đua.
Coi chừng lạc đường!
Trên thực tế, trên đường đua hôm đó đã có rất nhiều các vận động viên chạy sai hướng, sau đó phải quay ngược lại tìm đường đúng. Vừa mất thời gian, vừa mất sức, vừa mất tinh thần.
Nhóm mình đã suýt đi lạc chỉ sau khi xuất phát khoảng 5km. Do chủ quan cắm đầu chạy theo nhóm phía trước, nên không chú ý đến marker, không chú ý đến đồng hồ thông báo luôn. May mắn là sau 100m, nhóm phía trước phát hiện ra đi lạc nên thông báo cho mọi người quay lại tìm lối rẽ đúng.
Trên đường từ CP3 đến CP7, 1 anh cọp trong nhóm tiếp tục đi lạc lần 2. Anh ấy tăng ga vọt lên trước 3 anh em còn lại khoảng 1-2 phút. Đến 1 ngã ba sau khi quẹo trái, nhìn lên dốc xa không thấy bóng dáng anh ấy đâu, mọi người đã nghi nghi con cọp đó đã cắm đầu chạy thẳng, không chú ý quẹo trái rồi.
Khi được gọi điện thông báo “anh chạy sai hướng rồi anh ơi!”, anh ấy đã chạy được hơn 500m, phải quay đầu lại ngã ba để về lại cung đường đua. May quá, mọi người tranh thủ được chút thời gian đứng đợi để nạp năng lượng và ngồi thở. Trước đó phải dí theo bắt con cọp đó mệt quá!
Dốc quá má ơi!
Thử thách khó khăn đầu tiên trên đường đua là đoạn dốc thẳng đứng hướng lên đỉnh LangBiang. Dốc gì mà dốc thấy gớm, vừa leo vừa chửi thề $#!@#!&
Mình bị tụt lại phía sau, lê lết chậm như rùa. May mà mấy ông anh leo lên tới đỉnh cũng mệt nên ngồi lại đợi, chứ không là mình bị bỏ rơi rồi.
IV. CP7 → CP8: Lên khó, xuống còn khó hơn!
Đến được CP7 mừng khôn xiết. Mặc dù biết phía trước vẫn còn 2 đỉnh dốc kinh khủng hơn đoạn dốc vừa lết qua, nhưng ít nhất mình đã hoàn thành được thêm 1 chặng trên đường đua.
Một con cọp trong nhóm trước đó bị chuột rút sau khi leo núi quá xung. Đến CP7, con cọp này phải lăn ra nhờ đội ngũ y tế xoa bóp trước khi lên đường đến CP8.
Đúng như mô tả của BTC, chặng đường từ CP7 đến CP8 là khắc nghiệt nhất trong lộ trình của cự ly 70km và 45km. Các vận động viên phải leo dốc từ độ cao 1857m lên 2108m, rồi đổ dốc xuống 1554m, lên lại 1745m rồi xuống 1567m. Tất cả phải hoàn thành trong 3 tiếng 30 phút dành cho cự ly 45km và 3 tiếng với cự ly 70km.
Dù đã chuẩn bị tinh thần đoạn này sẽ rất căng, nhưng khi ra trận mình thật sự bị shock bởi mức độ khó khăn và nguy hiểm của đường đua. Phải cần đến 2 giờ 30 phút mình mới vượt qua được 6.5km kinh hoàng này để về đến CP8. Trong khi trước đó chỉ mất 5 tiếng 30 phút để hoàn thành 28.5km.
Leo dốc cầu thang quá khó!
Cứ tưởng đoạn dốc trước khi đến CP7 đã khủng khiếp rồi, nhưng nó chẳng là gì với những đoạn dốc từ sau CP7. Trong đó, đoạn leo dốc cầu thang lên đỉnh 2.100m là dã man nhất.
Đường đi lúc này là các bậc cầu thang đá xếp chồng liên tiếp với độ dốc gần như thẳng đứng. Mình không nhớ đã phải dừng lại hít oxy bao nhiêu lần, chờ nhịp tim giảm bớt rồi mới leo tiếp.
Bị bao vây giữa rừng dốc, mình cứ mong được lên đỉnh càng sớm càng tốt: “Cố lên, sắp lên đỉnh rồi. Sắp được down hill rồi, tha hồ bung lụa!”
Nhưng mình đã sai, sai quá sai!
Xuống dốc còn kinh hơn!
Cảm giác thở phào khi lên đến đỉnh cao nhất nhanh chóng biến thành hoảng sợ khi đối mặt với đường xuống núi: một cái vực sâu thăm thẳm, không phải đường downhill thoai thoải nghiêng như mình tưởng tượng.
Do đường xuống dốc thẳng đứng, cặp gậy trở nên vô dụng. Thậm chí nó còn vướng víu, gây ra nguy hiểm nhiều hơn. Mình phải xếp gọn cặp gậy và xếp vào đai treo của túi đeo hông để giải phóng đôi bàn tay.
Hai tay phải đu bám cây để xuống dốc từ từ. Những đoạn dốc quá, không có cây để bám, mình chuyển sang tuyệt chiêu xuống dốc bằng mông để bảo đảm an toàn.
Đến khi nhìn thấy sự xuất hiện của dây thừng, mình bị đứng hình mất vài giây: “WTF is this!”
Mình đã nghe nói đên cảnh đu dây thừng để leo Lang Biang hồi DLUT 2019, nhưng qua đến DLUT 2020 đã bị dẹp bỏ. Cứ tưởng tiết mục đu dây này sẽ biến mất vĩnh viễn. Không ngờ giờ nó xuất hiện trở lại. Mà lần này là đu dây xuống vực, chứ không phải leo lên như hồi 2019.
Một số anh em có kinh nghiệm leo núi quen với đu dây vượt qua đoạn rất nhanh. Thoắt cái đã biến mất khỏi tầm mắt. Còn mình vừa xuống vừa run, sợ trượt chân té đập đầu là toi. Bởi vậy đoạn xuống vực này, mình di chuyển với tốc độ siêu rùa bò.
Lúc này mình đã bị 3 con cọp kia bỏ lại phía sau. Khi kết thúc đoạn dây thừng, mình bắt kịp 1 con cọp đang bị đau gối. Còn 2 con cọp nữa không biết đã bỏ đi trước bao xa rồi.
Thoát ra khỏi hiểm địa Lang Biang, được về lại với đường dốc thoai thoải, cảm giác thật nhẹ nhõm, cứ như vừa vượt ngục thành công.
Đôi chân dù có dấu hiệu sắp bị chuột rút nhưng mình mặc kệ, chạy cho sướng chân, có chuột rút cũng chẳng sao!
Làm bạn với cơn đau, bạn sẽ không bao giờ đơn độc
Ken Chlouber, người kiến tạo ra giải đua Leadville Trail 100
V. CP8 đến CP9 và về đích
Mình tăng tốc để truy bắt 2 con cọp đã bỏ chạy trước và đã bắt kịp ở CP8. Mình vừa đến là hai con cọp đã sẵn sàng lên đường chạy tiếp, không quên dặn dò: “Thuận ở lại đợi a Khánh nha!” (a Khánh là con cọp bị đau gối đang chạy sau mình)
Đứng giữa 2 lựa chọn: dí theo 2 con kịp chạy phía trước hay ở lại đợi con ở phía sau, mình quyết định tăng tốc bám theo 2 con cọp chạy trước. Lúc này mình đã ăn sạch gel Maurten, điện giải chỉ còn 1 viên muối, nên muốn chạy về đích càng sớm càng tốt. Do đó, cố gắng dí theo hai con cọp kia là lựa chọn tối ưu nhất.
Lần đầu tắm mưa đá
Qua khỏi CP8 chưa được bao lâu, trời bắt đầu chuyển màu và nhanh chóng rớt hạt mưa. Mình ngay lập tức lấy áo khoác đã chuẩn bị sẵn trong vest nước ra mặc để giữ ấm.
May mà lúc này đường chạy không còn dốc đứng, trơn trợt nên mọi người có thể tăng tốc chạy nhanh hơn để giữ ấm cơ thể.
Ám ảnh đợt mua hồi DLUT 2020 ùa về: “Hy vọng không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra trên đường đua. Hy vọng BTC không huỷ bỏ cuộc thi như hồi 2020!”
Mưa càng lúc càng nặng hạt hơn, và kèm theo cả mưa đá. Những hạt đá nhỏ li ti rớt trên đường làm mình ngạc nhiên: “Sao tự nhiên có mấy hạt gạo trắng trắng bay nhảy trên đường?”
Sau đó đến CP9 nghe mọi người nói chuyện mình mới biết đó là mưa đá. Lần dầu tiên trong đời được nhìn thấy mưa đá, may mà toàn đá li ti, không thôi vỡ đầu rồi.
Về đích xinh tươi
Từ CP9, 3 anh em đu bám lấy nhau không rời cho đến khi về đích. Đoạn nào lên dốc thì dưỡng sức đi bộ, qua đoạn đổ dốc là bung lụa ngay. Khi còn cách đích gần 1km, nhóm nhập hội thêm 2 chiến sĩ 45K nữa và cả đoàn 5 người hạnh phúc nắm tay nhau về đích.
Chờ thêm 30 phút nữa, đến phiên con cọp cuối cùng trong nhóm về đích. Mọi người nhanh chóng thay áo sạch để giữ ấm, ăn vội tô súp do BTC cung cấp rồi đón taxi về nhà. Cả nhóm 21K đã về đích trước đó từ lâu và đang chờ đoàn 45K về nhà để đi ăn nhậu mừng chiến thắng.
Huy chương của tui đâu?
Sau các màn selfie tự sướng, chụp hình báo cáo vợ, mình sực nhớ: “Huy chương của tui đâu? Sao lúc nãy về đích không thấy ai trao huy chương?”
Mình đến khu vực đích đến hỏi lấy huy chương ở đâu thì nhận được phản hồi: “Huy chương sẽ được gửi về tận nhà sau 10-14 ngày. Anh về xem thông tin BTC đã gửi qua email nhé!”
WTF! Lần đầu tiên mình đi race mà gặp phải tình cảnh trớ trêu này luôn! Niềm vui về đích của hàng ngàn vận động viên tham gia bị ảnh hưởng đáng kể vì không có huy chương để chụp hình sống ảo.
BTC rõ ràng đã biết không thể có huy chương vào ngày thi đấu nhưng phải đợi đến sáng sớm ngày thi đấu buổi sáng mới gửi ra email với nội dung : “Xin lỗi, hàng về không kịp!”
Chẳng biết có phải là do huy chương được đặt làm ở Quảng Châu không ship về kịp do bên Trung Quốc lockdown hay không? Hay là BTC đợi thống kê số lượng VĐV về đích rồi mới bắt dầu làm huy chương sau cho tiết kiệm chi phí?
Chỉ biết là đến thời điểm hiện tại (ngày 12/04), sau hơn 2 tuần vẫn chẳng thấy tăm hơi cái huy chương đâu cả!
Huy chương của tui đang ở đâu? Không có huy chương sao báo cáo vợ? Sao xin visa đi các giải sau được!!!
VI. Ăn nhậu mừng chiến thắng
Tiết mục không thể thiếu sau race là màn ăn nhậu recovery bằng Tiger Beer. Cả đoàn nhậu tăng 1 ở Chu BBQ, tăng 2 qua 1 quán Karaoke trên đường 3 tháng 2, và kết thúc bằng tăng 3 ở 1 quán cocktail trên đường Hà Huy Tập.
Sáng hôm sau, ai ai đều thức dậy trong đau đớn. Mình phải dọn hết hành lý xách và xuống lầu luôn 1 lần. Không thể leo lên leo xuống cầu thang nhiều lần trong tình trạng thảm thương thế này được.
Mọi người đi bộ ra quán Thiên Trang 2 ăn Bún Bò Huế, rồi ghé quán cafe nhâm nhi chém gió. Đến 11h, cả đoàn tập kết ra bến xe Thành Bưởi, chuẩn bị tinh thần nằm xe 8-9 tiếng để về nhà.
Mình về đến nhà lúc 8h tối. Toàn thân ê ẩm, nhức mỏi vì phải nằm 1 chỗ quá lâu: 9 tiếng!!! Tui sẽ không bao giờ đi xe khách Đà Lạt – Sài Gòn nữa! Quá mệt, quá đuối!
VII. Bài học kinh nghiệm
Những bài học kinh nghiệm chạy trail mình đúc kết sau giải Dalat Ultra Trail lần này:
- Nghiên cứu kỹ cung đường chạy, tham khảo mô tả đường chạy của BTC để có cái nhìn tổng quát hơn về thử thách sắp phải đương đầu. Từ đó có sự chuẩn bị đồ nghề chu đáo hơn.
- Cặp gậy chạy trail là phụ kiện không thể thiếu. Và phải chuẩn bị sẵn phương án có thể xếp gọn gậy vào vest nước / túi đeo hông khi địa hình không cho phép sử dụng gậy (đu dây leo núi, leo dốc quá đứng,…)
- Luôn chuẩn bị dư gel / bánh năng lượng và điện giải ít nhất 2 tiếng so với thời gian dự kiến hoàn thành của bạn. Mình dự tính chỉ 8 tiếng về đích, chủ quan chỉ mang vừa đủ cho nhẹ thân. Nào ngờ gần 10 tiếng mới xong, 2 tiếng cuối chỉ chạy bằng niềm tin vì hết gel, hết muối.
- Phải đeo BIB phía trước để sau giải tìm hình cho dễ. Các giải pháp hiện đại bây giờ có thể tự phân loại hình theo số BIB giúp lọc ra rất nhanh. Ai đeo BIB sau lưng thì mò hình điên luôn.
Kí sự Dalat Ultra Trail 2022 đến đây xin hết. Hẹn gặp lại năm sau!
Xem tiếp các bài viết trong series: Kí sự Dalat Ultra Trail 2022
Các bài viết cùng từ khoá Dalat Ultra Trail
- Bài học về an toàn khi chạy trail địa hình sau bi kịch ở Dalat Ultra Trail 2020
- Bạn đã sẵn sàng cho Dalat Ultra Trail 2020?
- Chia sẻ trải nghiệm DLUT 2019, cơ hội nhận vé tham gia Laan Ultra Trail 2019
- Dalat Ultra Trail 2021 dời qua tháng 5, trùng ngày với IRONMAN 70.3 Vietnam. Bể hết kế hoạch!
- Đường đến Dalat Ultra Trail 2020: bị sốc chạy, tìm cách tăng động lực
Các bài viết cùng từ khoá Dalat Ultra Trail 2022
- Đường đến Dalat Ultra Trail 2022: Bạn đã chuẩn bị đồ nghề và tinh thần chiến đấu chưa?
- Kí sự Dalat Ultra Trail 2022 – [Phần 1] Niềm vui quay lại đường đua
- Kí sự Dalat Ultra Trail 2022 – [Phần 2] Đường đua quá khó, quá kinh!
Các bài viết cùng từ khoá chạy trail
- [Tổng kết tuần] Cảm xúc lẫn lộn – Bắt đầu hành trình VMM 2017
- [Tổng kết tuần] Tập đầu tiên tập luyện hướng đến VMM 2017
- [Tổng kết tuần] Tuần 2 tập luyện cho VMM 2017
- [Tổng kết tuần] Tuần 3 VMM 2017 – Cày Half-Marathon cuối tuần
- [Tổng kết tuần] Tuần 5 VMM 2017 – Hoàn thành 4 Half Marathon liên tiếp trong 1 tháng
Các bài viết cùng từ khoá kinh nghiệm chạy trail
- An toàn khi chạy trail địa hình, đi trekking: Coi chừng lạc đường!
- Bài học về an toàn khi chạy trail địa hình sau bi kịch ở Dalat Ultra Trail 2020
- Bạn đã sẵn sàng cho Dalat Ultra Trail 2020?
- Bạn đã sẵn sàng cho La An Ultra Trail 2019?
- Bạn đã sẵn sàng cho Vietnam Jungle Marathon 2018 chưa?
Các bài viết cùng từ khoá kí sự chạy giải
- [30/11/2014] HCMC Terry Fox Run 2014 – Đông vui như trảy hội
- Chinh phục HCMC RUN 2015 – Kỷ niệm tuyệt vời
- Chinh phục HCMC Run 2016 – Trên cả tuyệt vời!
- Kí sự 5150 Phú Quốc 2022 – [Phần 1] Mục tiêu thi đấu và công tác hậu cần
- Kí sự 5150 Phú Quốc 2022 – [Phần 2] Chuẩn bị trước ngày đua
Các bài viết cùng từ khoá Đà Lạt
- [2022 W13] [IM 70.3 2022] Tuần 15 – Nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, khai chân giày mới, brick cuối tuần
- [2022 W49] [WC 2022] Tập core cùng vợ, đăng ký Oceanman Vietnam, trúng gió ở Đà Lạt
- [2023 W45-46] Brick cuối tuần ở SHTP, lên Đà Lạt trốn nóng, ưu đãi Black Friday
- [2024 W27-28] Du lịch Đà Lạt – Phan Thiết, chạy bộ duy trì
- [24/12/2015] Một vòng khám phá thành phố Đà Lạt