Sau khởi đầu xui xẻo ở trong khoảng 10km đầu tiên, hành trình VMM 2017 của mình dần trở nên tươi đẹp hơn nhờ không khí thể thao nhộn nhịp hoà lẫn khung cảnh mây núi mờ ảo buổi sáng ở Sapa. Tinh thần nhờ đó cũng hưng phấn trở lại sau những cú sốc lúc xuất phát.

Phần 3 này mình sẽ tóm tắt hành trình từ CP3 (gần điểm xuất phát) đến CP7 (trước khi lên đỉnh Đá Bạc) để mọi người hiểu rõ hơn sự sung sướng (hoặc khổ ải, tùy theo góc nhìn của mỗi người) của VMM 2017. Chặng đường từ CP7 đến Topas Ecolodge (Đích đến) sẽ được dành cho phần 4.

Quảng Cáo
[extoc]

1. CP3 đến CP4: Trơn trợt dốc đứng

Từ CP3 (gần điểm xuất phát) đến CP4, địa hình đường chạy thay đổi liên tục. Mới vừa leo dốc đứng, liền sau đó phải xuống dốc, rồi lại tiếp tục hì hục leo dốc, cứ thế lập đi lập lại. Hai bắp đùi phải hoạt động hết công suất từ những phút đầu tiên.

Do không còn gậy trợ giúp sau 5km, mình phải tận dụng cả tứ chi để bám víu mỗi lần leo xuống các con dốc nguy hiểm. Đường sình trơn trợt nên chuyện tiếp đất bằng bằng mông, bằng lưng là không thể tránh khỏi.

Mặt cắt cao độ đường chạy 42K – VMM 2017

2.5 Lít nước mang theo trên người cạn dần nhưng đi mãi chẳng thấy Check Point 4 đâu. Nếu trước đó mình chỉ mang theo 1.5 L chắc chắn sẽ khát khô trước khi đến điểm tiếp tế.

Hơn 3 tiếng từ khi xuất phát, mình mới đến được CP4. Nhìn lại đồng hồ mới biết mình mới vượt qua 1/3 hành trình (15km). Quá khủng khiếp!

Dưới là clip hành trình mình ghi lại chặng đường từ CP3 đến CP4

2. CP4 đến CP5: cung đường chán nản

Nhanh chóng đổ đầy 3 bình nước và xơi vài miếng trái cây lấy sức, mình tiếp tục hành trình.

Đoạn đường từ CP4 đến CP5 được xem là nhẹ nhàng nhất trong suốt hành trình khi chênh lệch độ dốc không quá lớn.  Tuy nhiên đây lại là cung đường chán nản nhất của VMM 2017. Không còn mây trắng lập lờ, sương trắng mờ ảo. Thay vào đó là nhà gạch, đường bê tông và rác!

Chính vì thế đoạn này mình chẳng có hứng thú quay phim chụp hình gì nhiều, chỉ tóm gọm được bằng 1 clip ngắn 1 phút bên dưới

Đoạn này mình đánh giá nhẹ nhàng là so với đoạn đầu hay đoạn cuối Đá Bạc. Trên thực tế nó chẳng dễ xơi tí nào, nhất là với một thằng chỉ quen chạy ở đường bằng như mình.

Tốc độ di chuyển vì thế vẫn cứ lẹt đẹt. Mỗi lần muốn tăng tốc chạy là lại cảm giác nhói đau ở đùi mới sau vài chục mét, thế là đành phải quay lại đi bộ đến CP5.

3. CP5 đến CP6: dốc chồng dốc

Sau CP5, khung cảnh bắt đầu lung linh trở lại với mây núi xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó không thể thiếu món đặc sản của vùng núi Tây Bắc: dốc, dốc nữa, dốc mãi!

Phần lớn hành trình từ CP5 đến CP6 là những con dốc thẳng đứng dễ dàng đánh gục bất cứ runner yếu đuối nào (trong đó có mình). Hai bắp đùi của mình bắt đầu có dấu hiệu căng cơ nên mình thường xuyên ngồi nghỉ mỗi khi cảm thấy sắp bị “đàn chuột” lao tới cắn xé.

Cứ thế luân phiên đi bộ / chạy chậm 15 phút kết hợp ngồi nghỉ 2-3 phút, mình đã sống sót để lết về CP6 tầm khoảng 2:00 chiều, khá sớm so với thời gian cut-off 5:30.

4. CP6 đến CP7: điểm yếu phơi bày

Bên cạnh việc tiếp nước và ăn trái cây, ở CP6 mình tranh thủ thay áo và vớ để có thêm sự tự tin chinh phục 15km cuối cùng. Trời lúc này đang mưa lâm râm, thay áo mới cũng giúp đỡ lạnh hơn vì chiếc áo cũ đã ướt nhẹp vì mồ hôi.

Đoạn đường từ CP6 đến CP7 là lúc những điểm yếu của mình bắt đầu phơi bày: khả năng đổ dốc yếu kém do lười tập squat / leo cầu thang.

Phần đùi trước luôn trong trạng thái căng cứng. Còn phần cơ đùi sau tuy đỡ hơn nhưng cũng đang căng như dây đàn có thể biểu tình bất cứ lúc nào.

Đoạn đường lại toàn là xuống dốc khiến cho cơ đùi càng thêm mỏi mệt. May mắn là hai đầu gối của mình vẫn hợp tác tốt nên vẫn có thể đều bước hướng về CP7

5. Bài học kinh nghiệm

  • Chuẩn bị đầy đủ năng lượng (gel, chew, socola, bánh kẹo) và điện giải (viên sủi, bột hòa tan, thuốc uống) để tiếp tế trên đường chạy.
  • Chú ý uống nước và nạp năng lượng liên tục xuyên suốt hành trình vì khi mệt mỏi rất hay quên ăn uống.
  • Không nên bung sức sớm kẻo đuối ở đoạn cuối. Đường chạy dài lê thê và bạn cần phải phân phối sức hợp lý.
  • Luân phiên chạy / đi bộ nhanh kết hợp với đi chậm / ngồi nghỉ để hạn chế căng cơ, chuột rút.
  • Không nên ngồi nghỉ một chỗ quá 10 phút, cơ bắp bị lạnh sẽ khó quay lại trạng thái vận động trước đó.

Phần 3 xin tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn vào [Phần 4] Lê lết trên núi Đá Bạc

Quảng Cáo

Xem tiếp các bài viết trong series: Kí sự VMM 2017

Các bài viết cùng từ khoá VMM 2017

Các bài viết cùng từ khoá chinh phục 42K

Các bài viết cùng từ khoá chạy trail

Các bài viết cùng từ khoá kí sự chạy giải

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

One Comment

  1. Cảm giác mệt mỏi mà vẫn ngắm được mây trời lung linh thì quá đã rồi ạ.
    Tuyệt vời ông mặt trời luôn