Đạp xe trong nhà đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tập luyện tham gia IRONMAN 70.3. Nó cũng là cách vận động ra mồ hôi yêu thích của mình không thể bước chân ra khỏi nhà (vì trời nắng, vì ô nhiễm, vì phải ở nhà giữ con,…)

Loạt bài viết lựa chọn thiết bị đạp xe trong nhà cùng Zwift này mình sẽ tổng hợp lại kiến thức và kinh nghiệm xây dựng pain cave đạp xe mà mình đã nghiên cứu trong hơn 1 năm qua. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn chọn mua thiết bị phù hợp với nhu cầu và túi tiền.

Quảng Cáo

I. Yêu cầu thiết bị

Để chơi Zwift, bạn cần chuẩn bị các thiết bị tối thiểu như sau:

  • Xe đạp: Road / Tri / MTB (dĩ nhiên phải có)
  • Trainer (thiết bị đạp xe trong nhà): loại thường (dump trainer) hoặc loại thông minh (smart trainer)
    • Cảm biến tốc độ Speed Sensor hoặc Power Meter: để đo tốc độ đạp xe trong nhà (chỉ cần khi bạn sử dụng trainer loại thường)
  • Thiết bị chạy Zwift: Máy tính (PC / Mac) / Apple TV / iPad / iPhone / Android.
  • Cảm biến ANT+ hoặc Bluetooth 4.0: để kết nối với trainer, cadence sensor, speed sensor. (Trong trường hợp bạn sử dụng PC chưa có sẵn Bluetooth)
  • Tài khoản Zwift: dùng thử 7 ngày miễn phí, sau đó phí $15 / tháng

Chú ý ở mục 6, Zwift phải trả phí sử dụng $15 / tháng nhé. Số tiền chẳng đáng là bao nếu bạn đã thực sự đầu tư vào các mục từ 1 đến 5. Mình vẫn highlight nổi bật ở đây để tránh hiểu lầm Zwift là trò chơi miễn phí.

Bài viết [Phần 1] này mình sẽ giới thiệu về trainer trước, các bài viết phần 2 và 3 sẽ chia sẻ thêm về thiết bị chạy Zwift và kinh nghiệm xây dựng pain cave.

II. Phân loại trainer đạp xe

Thiết bị đạp xe Trainer là yêu cầu bắt buộc khi bạn muốn tập luyện đạp xe trong nhà, bất kể bạn có sử dụng Zwift hay không.

Đầu tiên, cần tìm hiểu đôi chút về các loại trainer đang có trên thị trường trước khi quyết định nên mua loại nào để chơi Zwift. Có thể chia các dòng trainer trên thị trường theo nhiều cách: phương pháp tạo lực cản, tính năng thông minh và cách lắp xe đạp

1. Phương pháp lực cản

Trainer đạp xe được vận hành dựa trên nhiều phương pháp tạo lực cản khác nhau, tạo ra mức độ nặng nhẹ khi đạp. Mỗi loại có ưu, nhược điểm riêng, lựa chọn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người.

Wind Trainers (Gió)

Hoạt động dựa trên lực cản của gió: cánh quạt quay tạo nên lực cản lên bánh xe. Càng đạp mạnh, quạt càng quay nhanh và càng tạo ra lực cản lớn hơn.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - cycleops wind indoor bicycle trainer

CycleOps Wind Indoor Bicycle Trainer
  • Ưu điểm: bền bỉ, giá rẻ nhất
  • Nhược điểm: ồn ào, không điều chỉnh được lực cản, cảm giác kém.

Fluid Trainers (Thủy lực)

Hoạt động dựa trên nguyên tắc thủy lực: tạo ra lực cản bằng cách quay các chân vịt trong dung dịch lỏng (thường là dầu tuabin). Càng đạp nhanh sẽ khiến lực cản càng nặng hơn, mô phỏng gần giống cảm giác đạp xe trên đường.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - cycleops fluid2 bicycle indoor trainer
CycleOps Fluid2 Bicycle Indoor Trainer
  • Ưu điểm: mô phỏng cảm giác đường tốt hơn, đỡ ồn.
  • Nhược điểm: dễ bị tình trạng quá nhiệt, to và nặng.

Magnetic Trainers (Từ tính)

Magnetic trainer sử dụng lực hút tự nhiên của nam châm khác cực để tạo nên lực cản cho thiết bị. Một dãy nam châm sẽ được gắn trên trục quay (flywheel), dãy nam châm còn lại sẽ nằm ở vị trí cố định. Lực hút giữa hai dãy nam châm sẽ tạo nên lực cản cho trainer khi đạp xe.

Giá trị của trainer nằm ở cách điều chỉnh lực cản nam châm. Các dòng bình dân sẽ yêu cầu bạn phải điều chỉnh lực cản bằng tay thông qua 1 cần gạt. Các dòng cao cấp sẽ dược điều chỉnh tự động bằng ứng dụng của hãng hoặc thông qua ứng dụng tập luyện. ví dụ Zwift, TrainerRoad,…

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - minoura classic trainer
Minoura Classic Trainer

Một yếu tố cần quan tâm khác là quán tính của trục quay. Trục quay nặng sẽ có quán tính tốt hơn, tiếp tục quay khi bạn ngưng đạp, mô phỏng cảm giác đạp ngoài đường tốt hơn. Với những trainer giá rẻ có trục quay quá nhẹ, nó sẽ ngưng quay ngay khi bạn ngưng đạp, khiến trải nghiệm “tụt hứng” ngay lập tức.

  • Ưu điểm: mắc rẻ đủ loại, tùy vào túi tiền của bạn. Tiền nào của đó!
  • Nhược điểm: đồ rẻ thì ồn, đạp chán – đồ xịn thì rất nặng, tốn tiền

Công nghệ tạo lực cản bằng từ tính này được sử dụng trên cả classic trainer và smart trainer. Chi tiết mời bạn xem tiếp bên dưới.


2. Tính năng

Xét về tính năng, trainer được chia làm 2 loại: Classic Trainer (loại thường) và Smart Trainer (thông minh).

Classic Trainer (loại thường)

Đây là các loại máy đạp thông dụng nhất với ưu điểm giá rẻ (khoảng 2 – 7 triệu). Classic trainer sử dụng cả 3 loại phương pháp tạo lực cản đã chia sẻ ở phần trên.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - cycleops magneto cycling trainer
CycleOps Magneto Cycling Trainer

Để chơi Zwift với loại này, bạn cần phải trang bị thêm cảm biến tốc độ (speed sensor) hoặc power meter.

Smart Trainer

Tên gọi chung của các loại máy đạp thế hệ mới được trang bị cảm biến Bluetooth / ANT+ có thể kết nối trực tiếp với thiết bị chạy Zwift để tự động thay đổi lực cản, sức nặng tùy thuộc vào địa hình trong trò chơi.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - gioi thieu wahoo kickr snap zwift 37
Wahoo KICKR Snap

Smart trainer thường sử dụng phương pháp tạo lực cản bằng trục quay từ tính (magnetic). Tuy nhiên, có một số loại đặc biệt sử dụng công nghệ hoàn toàn khác, ví dụ như trainer 4iii Fliiiight Smart Trainer tạo nên lực cản trực tiếp với vành nhôm của bánh xe mà không cần đến trục quay.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - fliiiight smart trainer
Fliiiight Smart Trainer

3. Cách lắp đặt

Bên cạnh tính năng, trainer còn được phân chia dựa theo cấu tạo và cách bạn gắn xe đạp lên trainer. Có hai loại phổ biến nhất: Wheel-On và Direct Drive

Wheel On

Sử dụng lực cản bởi ma sát với bánh sau. Bạn chỉ cần gác bánh sau của xe đạp lên thiết bị và gài chốt là xong.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - gioi thieu wahoo kickr snap zwift 43 1
  • Ưu Điểm: Giá mềm hơn loại Direct-Drive, tháo lắp nhanh chóng
  • Nhược Điểm: mòn bánh xe, không mô phỏng cảm giác đường tốt như loại Direct-Drive

Direct – Drive

Truyền động trực tiếp. Bạn cần phải tháo bánh xe sau và gắn cốt sau của xe trực tiếp lên thiết bị.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - wahoo kickr core bike
  • Ưu Điểm: chắc chắn, mô phỏng cảm giác đạp ngoài đường giống thật nhất, không lo mòn bánh xe
  • Nhược Điểm: giá cao, quy trình lắp ráp phức tạp

Ngoài ra còn có loại trainer đặc biệt khác gọi là con lăn Roller. Tuy nhiên loại này ít phổ biến và cũng khó xài, dễ té (thường chỉ dành cho dân pro), nên mình sẽ không nhắc đến trong bài này.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - tacx antares t1000 training rollers

III. Các thông số cần chú ý

Dưới đây là những thông số bạn cần chú ý khi lựa chọn mua trainer

1. Độ ồn

Tùy thuộc vào không gian tập luyện mà bạn cần cân nhắc đến độ ồn của trainer. Tất cả trainer đều sẽ tạo ra âm thanh gây ồn mặc dù một số được quảng cáo “silent trainer”. Tiếng ồn to nhỏ phụ thuộc vào công nghệ của trainer và tốc độ của bạn khi đạp.

Thông số tiếng ồn của trainer thường sẽ được ghi trên website của hãng hoặc ghi trực tiếp trên hộp sản phẩm. Nếu bạn không chắc, hãy tham khảo đánh giá trên mạng hoặc hỏi cửa hàng nơi bán sản phẩm.

Theo nghiên cứu của mình, các trainer dòng Direct-Drive thường là loại yên tĩnh nhất. Còn đối với dòng Wheel-On, Wahoo KICKR Snap được đánh giá là một trong những trainer đỡ ồn nhất.

Thường khi đạp xe, bạn sẽ còn mở thêm 1-2 cây quạt, mở nhạc, nên tiếng ồn của trainer thật ra không đáng kể lắm đâu. Trừ khi bạn phải đạp xe trong phòng ngủ và vợ nằm kế bên thì mới cần phải lo.

2. Kích thước

Trainer càng to càng tốn diện tích. Một số loại trông có vẻ nhỏ gọn (khi xếp lại), nhưng thực tế khi sử dụng lại cần phải xòe chân ra, chiếm diện tích khá lớn

Do đó, nếu bạn sống trong căn hộ có diện tích hạn chế, hoặc nếu vợ chỉ cho phép không gian tối thiểu, bạn cần phải chú ý đến kích thước của trainer trước khi mua.

3. Khối lượng

Có 2 yếu tố khối lượng của trainer: khối lượng vật lý của trainer và khối lượng nó có thể tải.

Nếu bạn có riêng một không gian để tập luyện, chẳng cần phải bận tâm đến khối lượng của trainer. Lúc nào càng phải kiếm trainer càng nặng càng tốt, vì càng nặng càng chắc chắn.

Ngược lại, nếu bạn thường xuyên cần phải di chuyển trainer ở nhiều vị trí khác nhau, hay cần đem theo đi du lịch thường xuyên, lựa chọn trainer có khối lượng vừa phải sẽ là hiệu quả hơn.

Về khối lượng trainer có thể tải, chúng ta không cần bận tâm lắm vì hiếm ai có thể vượt qua được con số tối đa của trainer cho phép.

4. Tính tương thích

Bạn cần tham khảo kỹ trainer mình sắp mua có tương thích với xe đạp mình đang dùng hay không để tránh tình trạng mua về không gắn được hay phải mua thêm phụ kiện giá vài trăm $ mới dùng được.

Ví dụ: Wahoo KICKR Snap chỉ dùng được với xe đạp sử dụng trục bánh Quick Release. Với các xe đạp thắng đĩa dùng trục Through Axle, bạn cần phải mua thêm phụ kiện chuyển đổi THRU AXLE ADAPTER (€49.99) mới gắn lên KICKR Snap được.

IV. Chọn Trainer chơi Zwift

Quyết định chọn mua trainer chơi Zwift tùy thuộc chính vào mức độ đầu tư của bạn. Hàng xịn giá mắc sẽ mang lại trải nghiệm tốt nhất. Tiền nào của đó!

Dưới đây là 3 lựa chọn dành cho bạn:

1. Bình dân

Sử dụng trainer truyền thống (classic trainer) kết hợp với cảm biến tốc độ (speed sensor)

Đây là lựa chọn tiết kiệm nhất để chơi Zwift dành cho các bạn nào không muốn đầu tư tối thiểu cho đạp xe trong nhà. Nếu bạn đã có sẵn classic trainer, chỉ cần có thể sắm thêm speed sensor là có thể chiến đấu ngay với Zwift.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - minoura classic trainer
Trainer Minoura

Trainer truyền thống giá tầm khoảng 3 đến 7 triệu, các bạn có thể tham khảo một số sản phẩm trainer Minoura bên shop Indochina Bike hoặc tìm kiếm trainer cũ trên mạng.

Cảm biến tốc độ (Speed sensor): Chọn mua loại cảm biến không dây của Garmin (ANT+, giá $40), Wahoo hoặc Magene (ANT+ / Bluetooth, giá 500.000đ).


2. Linh hoạt

Sử dụng trainer truyền thống (classic trainer) kết hợp với power meter.

Tương tự như cách 1, bạn cũng cần có sẵn một classic trainer. Thay vì sử dụng speed sensor, chúng ta sẽ sử dụng power meter làm bộ truyền tín hiệu đến Zwift.

Cách này chỉ phù hợp với những bạn đã có sẵn power meter gắn trên xe đạp. Nay chỉ cần kết nối nó với Zwift và gắn xe lên trainer là có thể bắt đầu ngay.


3. Cao cấp

Nếu bạn muốn tận hưởng trải nghiệm tốt nhất với Zwift, hãy sắm smart trainer!

Như đã chia sẻ ở phần trên, Smart Trainer là tên gọi của các loại trainer / rulo đạp xe trong nhà được trang bị kết nối Bluetooth hoặc ANT+ hoặc cả hai để điều khiển lực cản. Nó có thể kết nối trực tiếp với các chương trình tập luyện như Zwift hay Trainer Road chạy trên điện thoại / máy tính để tự động thay đổi lực cản dựa vào bài tập hoặc đường chạy mô phỏng.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - gioi thieu wahoo kickr snap zwift 25
Kết hợp Smart Trainer và Zwift

Ví dụ: khi bạn đạp ngược gió hoặc đạp xe lên dốc, smart trainer sẽ tự động điều chỉnh sức nặng để giả lập trải nghiệm như ngoài đời thật. Nếu sử dụng classic trainer, bạn phải tự điều chỉnh bằng tay để thay đổi lực cản của trainer khi lên dốc.

V. Kinh nghiệm cá nhân

Nếu bạn thật sự muốn đầu tư cho đạp xe trong nhà, hãy đầu tư luôn Smart Trainer, đỡ phải nâng cấp sau này. Giá Smart Trainer sẽ dao động từ khoảng $300 – $1500 tùy hãng, tùy dòng Wheel-On hay Direct-Drive.

Mình chọn mua loại Wheel-On: Wahoo KICKR Snap (13.500.000 đ) do tính cơ động của nó. Mình chỉ có 1 chiếc xe đạp nên không muốn phải phiền phức vụ tháo bánh, ráp bánh mỗi lần muốn chuyển đổi giữa đạp ngoài trời và đạp trong nhà. Ngoài ra, smart trainer Wheel-On giá mềm hơn nhiều so với loại Direct-Drive (Wheel-on: $300 – $600 còn Direct-Drive: từ $700 trở lên).

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - pain cave trainer wahoo kickr snap

Nếu bạn không ngại việc tháo lắp bánh xe hoặc có dư 1 chiếc xe để cố định trên trainer, Wahoo KICKR Core (23.500.00 đ) là lựa chọn Direct-Drive hấp dẫn nhất ở thời điểm hiện tại.

Mình đã và đang sử dụng cả hai loại KICKR Snap và KICKR Core, các bạn có thể tham khảo bài viết đánh giá bên dưới

Cả hai sản phẩm trainer Wahoo kể trên đều đã được phân phối chính hãng ở Việt Nam. Nếu bạn có nhu cầu, hãy liên hệ YCB hoặc trực tiếp với mình để được tư vấn.

Đầu tư thiết bị chơi Zwift - [Phần 1] Lựa chọn trainer - tacx neo 2t
Tacx Neo 2T Smart Trainer

Ngoài ra, bạn còn có thể tìm mua trainer của Tacx và Elite. Cả hai đều là những thương hiệu đáng gờm trong làng trainer. Tuy nhiên, nó không có phân phối chính hãng, phải đặt mua xách tay ở nước ngoài về.

Một số dòng smart trainer của Tacx và Elite:

  • Direct – Drive: Tacx Neo 2T Smart ($1399)
  • Direct – Drive: Tacx Flux 2 ($899)
  • Direct – Drive: Elite Drivo II ($1199)
  • Direct – Drive: Elite Direto X ($899)
  • Wheel-On: Tacx Flow Smart Trainer ($369)
  • Wheel-On: Elite Tuo ($499)

Tham khảo: Bikeexchange


Hết phần 1. Hy vọng bạn đã định hình được trong đầu thiết bị nào phù hợp với mình để chuẩn bị móc hầu bao mua sắm trong thời gian tới.

Mời bạn xem tiếp [Phần 2] Lựa chọn thiết bị chạy Zwift

Quảng Cáo

Xem tiếp các bài viết trong series: Đạp xe trong nhà cùng Zwift

Các bài viết cùng từ khoá Zwift

Các bài viết cùng từ khoá lựa chọn trainer

Các bài viết cùng từ khoá pain cave

Các bài viết cùng từ khoá smart trainers

Các bài viết cùng từ khoá đạp xe trong nhà

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 Comments

  1. Mình muốn đạp ở nhà theo kiểu phần mềm zwirt..nhưng tiền ít quá xin tư vấn thêm bộ rẻ mà vẫn có cảm giác như ngoài lịa hình

    1. Nếu ưu tiên rẻ thì bạn có thể tìm trainer loại thường và mua thêm speed sensor để chơi, nhưng cảm giác sẽ không thể nào giống ngoài đường được. Chỉ có dùng smart trainer mới cảm nhận được sự khác biệt khi chơi Zwift.