Nếu bạn đang xem bài viết này, có lẽ bạn đã biết tin về bi kịch mới đây ở giải Dalat Ultra Trail 2020: một vận động viên bị lũ cuốn gây tử vong. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Ban tổ chức đã dừng cuộc thi để đảm an toàn cho tất cả mọi người, tránh xảy ra thêm tai nạn đáng tiếc.

Trách nhiệm thuộc về ai khi tai nạn xảy ra? Việc đó hãy để cơ quan chức năng xử lý. Mình không phải chuyên gia nên không dám bình luận.

Quảng Cáo

Bài viết này không muốn đào sâu thêm vào nguyên nhân sự cố, cũng không muốn phân tích ai đúng ai sai. Mình muốn chia sẻ góc nhìn riêng về an toàn khi chạy trail địa hình: chúng ta học được gì sau sau cự cố đáng tiếc vừa qua.

1. Chạy trail địa hình có nguy hiểm không?

CÓ!

Kinh nghiệm 3 năm tham gia chạy địa hình của mình khẳng định như thế!

Các giải chạy trail địa hình thường được tổ chức ở các khu vực cao nguyên, đồi núi hoang sơ, hiểm trở. Mục đích nhằm tạo ra tính thử thách cho cuộc đua. Càng khó khăn thử thách, mọi người càng khao khát chinh phục.

Challenges are what makes life interesting; overcoming them is what makes life meaningful.

Joshua J. Marine

Địa hình đồi núi hiển nhiên không phải là một môi trường chạy bộ an toàn. Bạn không thể kì vọng mọi rủi ro đều nằm trong tầm kiểm soát như khi chạy trong thành phố.

Pù Luông nắng nóng đổ lửa có thể gây sốc nhiệt nguy hiểm

Chạy trail địa hình luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm có thể khiến bạn trả giá bằng tai nạn, chấn thương, thậm chí cả tính mạng: lạc đường, sốc nhiệt vì nắng nóng, trượt chân té ngã hay như bị lũ cuốn trong tai nạn mới đây ở Đà Lạt.

2. Làm sao hạn chế rủi ro?

Mỗi người có 1 lý do riêng tìm đến món chạy địa hình. Vì thích thiên nhiên, vì thích hành xác hay đôi khi chỉ vì nghe bạn bè thách thức nên đi thử rồi đâm nghiện, blah … blah … blah

Tuy nhiên, không phải ai tham gia chạy trail địa hình đều nắm rõ nguy cơ rủi ro có thể gặp phải trên đường chạy. Luôn luôn có các trường hợp “điếc không sợ súng”, xem chạy trail như một chuyến dã ngoại cuối tuần. Nhiều người chưa chạy được 10K bao giờ lại dám đăng ký tham gia chạy trail cự ly Marathon hoặc Ultra-Marathon, và đến sát ngày thi đấu mới bắt đầu tìm hiểu chạy trail cần chuẩn bị đồ nghề gì. Liều mình như chẳng có!

Rủi ro khi tham gia chạy trail địa hình là có thật. Nhưng nếu có sự chuẩn bị chu đáo: tập luyện nghiêm túc, đồ nghề thi đấu đầy đủ, kiến thức nhận biết mối nguy hiểm, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất để có thể tự tin sải bước trên các cung đường mòn giữa rừng.

Đồ nghề của mình khi tham gia Laan Ultra Trail 2019

Mình luôn chú ý đến nỗi sợ của bản thân để chuẩn bị đồ nghề mỗi khi tham gia chạy trail:

  • Sợ đuối sức / chuột rút: tập luyện chăm chỉ để chuẩn bị thể lực sẵn sàng cho cuộc đua, mang theo chai xịt lạnh giảm đau để sử dụng khi cần thiết. Trang bị thêm gậy leo núi để hỗ trợ leo dốc.
  • Sợ trượt chân té ngã: mang giày chạy địa hình phù hợp, giảm tốc độ khi qua các cung đường trơn trượt, nguy hiểm.
  • Sợ lạc đường: tải bản đồ đường chạy vào điện thoại / đồng hồ để theo dõi trong khi thi đấu.
  • Sợ bị đói / mất nước: trang bị vest nước mang theo đầy đủ đồ ăn, nước uống, điện giải để bổ sung xuyên suốt hành trình.
  • Sợ nắng nóng sốc nhiệt: mang theo nón che gáy, ống tay để che nắng
  • Sợ trúng mưa nhiễm lạnh: mang theo áo mưa, chăn giữ nhiệt khẩn cấp.
  • Sợ vắt cắn: trang bị quần bó cơ dài, kết hợp vớ cổ cao che kín toàn bộ phần chân.

Càng có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chạy trail địa hình, bạn sẽ càng có sự chuẩn bị tốt hơn cho giải đấu tiếp theo. Nếu mới tham gia chạy trail lần đầu tiên, hãy tham khảo các bài chia sẻ về kinh nghiệm chạy địa hình hay các bài viết kí sự tham gia giải trên các blog / Facebook /Forum, để có thể hình dung về thử thách mình đang chuẩn bị đương đầu nhằm có sự chuẩn bị chu đáo nhất.

By failing to prepare, you are preparing to fail.

Benjamin Franklin

3. Rủi ro từ môi trường bên ngoài

Bất chấp bạn có sự chuẩn bị chu đáo ra sao, sẽ luôn có những rủi ro tìm ẩn trên đường chạy trail.

Nguy hiểm có thể đến từ môi trường bên ngoài: thời tiết thay đổi đột ngột (nắng nóng, mưa to, sấm sét, bão tuyết…), lũ quét, sạt lở, động đất,… Trên thế giới đã có nhiều tai nạn chết người trong các giải chạy trail:

  • Năm 2019, ultra-runner Thomas Stanley đã chết do bị sét đánh trong một giải chạy ở Mỹ (CNN)
  • Năm 2018, Hanna Taylor – huấn luyện viên trượt tuyết – bị mỏm đá sạt lở đập trúng đầu, rớt xuống vực và tử vong (Runners’ World)

Trong giải DLUT 2020 vừa qua, đoạn đường nguy hiểm nhất vời mình là đoạn leo LangBiang từ CP5 đến CP8. Đường chạy nằm lưng chừng vách núi dốc đứng, trời đổ mưa to gây trơn trợt, chỉ trượt chân 1 bước có thể rớt ngay xuống vực.

Bản thân mình mặc dù đã giảm tốc độ xuống mức tổi thiểu những đã suýt trượt chân té xuống vực vài lần. May mắn không nghe nói đến tai nạn nào xảy ra trong đoạn leo núi này.

Bài học rút ra: Chạy trail trong mùa mưa nguy hiểm quá! Không bao giờ tham gia chạy trail trong mùa mưa nữa!

4. Nhận thức hạn chế về an toàn

Nguy hiểm còn có thể đến từ ý thức và hành vi của con người. Trong bài viết An toàn trong chạy bộ – Tất cả phụ thuộc vào bạn hồi năm 2017, mình đã từng chia sẻ:

Cái khó của việc thực hành an toàn là kiến thức về an toàn và khả năng nhận biết mối nguy hại của mọi người bị giới hạn. Đôi khi do thói quen, chúng ta sẽ không thể nhận ra điều mình đang làm là nguy hiểm cho đến khi được huấn luyện. Hoặc tệ hơn chúng ta chỉ nhận biết mối nguy hiểm khi tai nạn đã xảy ra và lúc đó đã quá muộn!

Điều này hoàn toàn chính xác khi tham gia chạy trail địa hình. Chúng ta không có đủ kiến thức nhận biết các rủi ro có thể gặp phải trên đường. Việc này có thể dẫn đến hành động sai, gây ra tai nạn nguy hiểm.

Đây là tất cả thông tin các vận động viên được biết về đường chạy ở DLUT 2020.

Đa số mọi người khi tham gia một giải chạy trail địa hình đều không biết trước thử thách nào đang chờ đợi phía trước. Chúng ta chỉ được biết cung đường chạy và biểu đồ cao độ qua thông tin Ban Tổ Chức cung cấp. Còn thực tế địa hình dốc đá, lồi lõm, bùn sình, sông suối khó khăn ra sao chẳng ai biết, chỉ đợi đến ngày thi đấu rồi tùy cơ ứng biến.

Dân chạy ở thành thị sao biết được lũ quét nguy hiểm ra sao!

Với những người hiểu mối nguy cơ từ lũ quét, họ đã chọn phương án an toàn: dừng cuộc chơi và quay trở lại CP6. Các bạn xem bài viết chia sẻ của bác Masafumi Yamamoto trên Chay365 bên dưới để hiểu rõ hơn

Không ít vận động viên đã dám mạo hiểm vượt qua các con suối ào ạt lũ cuốn và họ đã thành công. Nhưng có 1 vận động viên không được may mắn như thế… Bị kịch đã xảy ra!

Bài học rút ra: Rõ ràng chúng ta chỉ nhận ra lũ quét có thể cuốn phăng tất cả sau khi tai nạn xảy ra. Đây là bài học đáng giá cho tất cả chúng ta để có quyết định chính xác hơn khi đối mặt với hoàn cảnh tương tự trong tương lai.

5. Hãy chọn DNF vì an toàn của bạn!

Mình tham gia cự ly 45km ở Dalat Ultra Trail 2020 và không đi qua cung đường nơi xảy ra tai nạn lũ quét (chỉ dành cho cự ly 70k/100k). Nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh phải đối mặt với dòng sông lũ, rất có thể mình đã chọn băng qua thay vì chọn DNF và quay trở về Check Point trước đó.

Chạy trail địa hình là cuộc chơi thiên về ý chí. Tất cả mọi người đều khao khát quyết tâm về đích bằng mọi giá. Một khi tinh thần đã lên cao (“máu chó” nổi lên), chúng ta sẽ bất chấp tất cả tiến về phía trước, ý tưởng DNF không thể tồn tại trong đầu lúc này. Đó là lúc tai nạn có thể xảy ra nếu chúng ta không chú ý, thi đấu với tâm lý chủ quan.

Bản thân mình chưa từng DNF trong bất kỳ giải chạy road / trail nào. Nhưng ý tưởng DNF luôn luôn hiện hữu trong bất kỳ giải chạy nào. Ở mỗi Check Point, mình đều tự đánh giá lại khả năng có thể tiếp tục hành trình hay không. Nếu cảm thấy ổn, mình mới tiếp tục. May quá, trước giờ toàn chạy cự ly ngắn nên chưa bao giờ cảm thấy đuối giữa chừng!

Bài học mình rút ra: Không nhất thiết phải cố gắng đi đến CP kế tiếp để có thể DNF. Nếu cảm thấy trên đường có chướng ngại vật có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, mình sẽ chọn cách dừng lại và quay trở về CP trước đó, giống như cách bác Masafumi Yamamoto đã chọn khi đối mặt với dòng sông lũ nguy hiểm.

An toàn của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của bạn!

Lời kết

Bị kịch vừa qua chắc chắn là hồi chuông cảnh tỉnh về an toàn không chỉ cho ban tổ chức các giải chạy mà còn cho chính chúng ta, những người tham gia cuộc chơi và sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu như có bất kỳ sự cố nào xảy ra.

Cách duy nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi tai nạn là phải có kiến thức và tuân theo các nguyên tắc về an toàn.

Chúc mọi người chạy bộ an toàn. Luôn luôn trở về nhà lành lặn và tươi mới như khi bước chân ra khỏi cửa.

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá Dalat Ultra Trail

Các bài viết cùng từ khoá Dalat Ultra Trail 2020

Các bài viết cùng từ khoá an toàn

Các bài viết cùng từ khoá chạy trail

Các bài viết cùng từ khoá kinh nghiệm chạy trail

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 Comments

  1. Dạ chào anh Thuận Bùi, em đến từ team Onways. Hiện team Onways đang biên tập lại và tổng hợp nồi dung hay về chạy đường mòn. Bài của anh viết rất hay ạ, do đó em muốn xin phép anh cho em xin đưa vào bộ tài liệu của Onways và biên tập lại được không ạ? Mong nhận được phản hồi từ anh!

      1. Dạ chắc chắn rồi ạ, nội dung được biên tập sẽ được ghi rõ nguồn từ anh Thuận Bùi từ yeuchaybo.com ! Em xin thay mặt team Onways xin cảm ơn anh ạ!

  2. Đúng là đoạn sườn núi giữa CP5-8 quá nguy hiểm khi trời mưa. Nếu không mưa thì cũng rất thách thức vì độc đạo, khó rút lui / cứu hộ. May là không có tai nạn xảy ra ở đoạn này. Lúc nhận được tin có tai nạn phải huỷ giải, mình cứ nghĩ là ai bị té ở đoạn này không đó.