Nếu bạn đang thắc mắc Thuận Bùi biến đi đâu từ sau HCMC Marathon 2018 không thấy chia sẻ bài kí sự thi xin báo cáo bữa giờ mình bị trúng gió (again!) do trái gió trở trời. Hôm nay đã hồi phục phần nào, nhờ vậy hồi chiều mới chạy 3km recovery đầu tiên sau giải và bây giờ ngồi chia sẻ trải nghiệm chinh phục HCMC Marathon hôm chủ nhật vừa rồi.

Vợ lại có dịp xỉ nhục: “Hình như lần nào chạy giải anh cũng bị trúng gió!

Quảng Cáo

Đúng là vậy thiệt! Cách đây 2 tháng mình xui xẻo bị trúng gió ngay trước thềm HIM 2017, phải thi đấu trong tình trạng “bất an”. May mắn là lần này gió đến chậm nên mình được bình an ra trận trận với 100% thể lực, chỉ phải trả giá sau đó. Hồi đầu năm 2016, mình cũng phải đã bỏ giải Spring Race cũng do bị trúng gió nằm liệt giường.

Quay lại nội dung chính về HCMC Marathon 2018, đến giờ mình vẫn còn nhớ rõ cảm giác hai chân bị tê liệt hoàn toàn khi chỉ còn cách đích đến 50m. Hoàn toàn không có cảnh tạo dáng xinh tươi bay về đích mà thay vào đó là hình ảnh đau đớn cắn răng cố gắng lết cho xong nhiệm vụ.

[hình ảnh]

Ngay sau khi nhận huy chương finisher, mình đổ gục ngay cạnh vạch đích và phải nhờ đến sự trợ giúp của các anh em trong nhóm Phú Thọ Runner PTR mới có thể hồi phục trở lại.

Dưới đây là tóm tắt hành trình chinh phục HCMC Marathon 2018

1. Mang ba lô nước hay không?

Một trong những đắn đo lớn nhất của mình trước giải là có nên mang sử dụng ba lô nước (hydration vest) trong ngày thi đấu không? Lựa chọn nào cũng có ưu điểm / nhược điểm:

  • Mang ba lô nước:
    • Ưu điểm: Chủ động việc tiếp nước, không phụ thuộc vào các điểm tiếp nước trên đường. Đỡ lo việc hết nước ở giai đoạn cuối của đường chạy.
    • Nhược điểm: cơ thể phải gánh thêm 1.5 – 2kg trên lưng xuyên suốt 42K, chưa kể thêm sự vướng víu, ọc oạch khi chạy. Nghe có vẻ chẳng dễ chịu tí nào!
  • Không mang ba lô nước:
    • Ưu điểm: không vướng bận, linh hoạt, tha hồ bay nhảy.
    • Nhược điểm: phụ thuộc vào các trạm tiếp nước của BTC, phải canh tiếp nước hợp lý giữa các trạm.

Khá nhiều khách hàng ghé shop của mình sắm ba lô nước để chuẩn bị cho hai cự ly 21K và 42K càng khiến mình thêm có lý do để chọn mang vest nước đi chạy. Ai cũng dùng, có lẽ mình cũng nên dùng.

Tuy nhiên, sau khi tham khảo các thông tin trên mạng và biết được rằng các loại ba lô nước bị cấm sử dụng ở một số giải chạy Marathon ở Mỹ (New York City Marathon và Marine Corps Marathons), mình đã thay đổi suy nghĩ: “Nếu như BTC cấm sử dụng, có lẽ không nhất thiết phải sử dụng ba lô nước.

Ba lô nước nên được đề dành cho các giải chạy trail, không cần phải sử dụng khi chạy trong thành phố. (Ảnh chụp ở VJM 2017)

Quyết định cuối cùng của mình là dẹp hết tất cả các loại ba lô nước, túi đeo hông đựng nước. Chỉ sử dụng hai món đồ chơi quen thuộc: thắt lưng chạy bộ 2 ngăn và dây đeo BIB cho gọn nhẹ. Kết hợp thêm vài gói Gel năng lượng và mấy viên muối điện giải là đủ đồ nghề đi chiến đấu.

https://www.instagram.com/p/Bd5Ctq9gEid/

2. Đồ nghề chiến đấu

Áo YCB xanh chuối và quần YCB đen (sắp ra mắt) vẫn là sự lựa chọn yêu thích của mình mỗi khi chạy giải. Kết hợp thêm băng trán xanh chuối nữa cho nổi bật giữa đám đông.

https://www.instagram.com/p/Bb6veLDgwUv/?taken-by=yeuchaybo

Đôi Nike Air Zoom Pegasus 33 đã quá cũ sau gần 2 năm chinh chiến nên đã được mình cho nghỉ hưu. Nike Air Zoom Vomero 11 được trao trọng trách đồng hành trên đường chạy 42K lần này.

Sở dĩ mình chọn Vomero 11 vì nó là đôi mình sử dụng thường xuyên nhất trong giai đoạn tập luyện trước giải. Hai đôi giày Hoka One One Conquest 3Under Armour Speedform Velociti chỉ mới sử dụng được vài buổi chạy nên mình không đủ tự tin sử dụng thi đấu.

Rút kinh nghiệm HIM 2017 suýt bị chuột rút phần bắp chuối sau 15km, lần này mình trang bị thêm bộ vớ bó ống chân để có sự hỗ trợ tốt hơn trên chặng đường dài 42K. Tiện thể dùng luôn bộ ống tay đen cho nó đồng bộ đen – xanh chuối từ trên xuống dưới. Chạy là phải đẹp!

hcmc marathon 2018 - thuan bui 1
Người mẫu YCB: Chạy là phải đẹp!

3. 0 – 21K: Từ từ mà tiến

Đường đua cự ly 42K xuất phát lúc 4h40 (trễ 10 phút so với thông báo). Đã có kinh nghiệm nhiều lần tham gia chạy giải, mình chủ động giảm tốc độ, không bị cuốn theo nhóm đông đang cực kỳ phấn khích.

Cách duy nhất để duy trì thể lực xuyên suốt chặng đường là chủ động giảm tốc độ và nạp năng lượng / điện giải đầy đủ. Nếu mình có thể chạy đều liên tục thì hoàn toàn có thể hoàn thành Marathon trong 5 giờ, hoặc tốt hơn là 4 giờ 30 phút.

HCMC Marathon 2018 là giải chạy đường nhựa (road race) đầu tiên mình thử sức ở cự ly Marathon 42K. Mình không đặt mục tiêu thời gian, chỉ cần về đích an toàn là được. Tuy nhiên chắc chắn mình không muốn về đích trong cảnh lê lết thảm hại (giống như hồi VMM 2017), kéo dài 6-7 tiếng.

Nửa chặng đầu tiên, mình kiên nhẫn chạy chậm ở pace 6:30 – 7:00. Nhiều đoạn gặp chiến hữu nên hăng máu tăng lên 6:15 nhưng sau đó phải hãm lại ngay. Ham tốc độ chắc chắn nửa sau sẽ trả giá!

4. 21K – 42K: Chậm mà chắc

Nửa sau của chặng đua mới là thử thách thật sự dành cho các vận động viên, đặt biệt những người mới lần đầu thử sức giống mình.

Đường xa mới thấy sức yếu. Càng về sau, mỗi kilomet cảm giác mỗi lúc một dài hơn. Trong khi đó, toàn thân càng lúc càng ê ẩm, đau đớn.

Khi đang hăng hái leo dốc cầu Phú Mỹ mình đã kì vọng rằng nửa sau của chặng đua có thể tăng tốc lên Pace 6:00-6:15 để hoàn thành FM đầu đời dưới 4 giờ 30 phút. Đúng là ảo tưởng!

Sau 25km, mình bắt đầu phải chuyển sang kết hợp chạy / đi bộ do lo ngại cơ thể sẽ không thể trụ vững được đến phút cuối khi phải chạy liên tục. Nếu như bị chuột rút căng cơ thì nguy cơ lết về đích là không thể tránh khỏi và mình không muốn nó xảy ra.

Gel năng lượng và điện giải luôn được nạp đầy đủ. Chai nước suối luôn thủ sẵn trên tay để tiếp nước và xối giải nhiệt bất cứ lúc nào. Nhưng dù cố gắng thế nào vẫn không thể cứu vãn cơ thể đang dần suy kiệt do cường độ vận động quá sức.

Từ Km 35, cơ thể gần như chỉ muốn bỏ cuộc. Mình phải chuyển sang đi bộ nhiều hơn nhằm duy trì thể lực trong 6km cuối cùng.

Đường chạy chưa bao giờ cảm thấy dài như lúc này…

5. Gục ngã ngay vạch đích

Đồng hồ Garmin của mình bị hết pin khi chạm ngưỡn 40km (do tối hôm trước quên sạc đầy pin) nên không có thông số pace của 2 km cuối cùng. Nhưng chắc chắn nó còn chậm hơn pace 8:05 của km 39 và 40. Mình chủ yếu đi bộ để dành sức cho đoạn về đích “biểu diễn” lên hình cho đẹp.

Chiến thuật Từ từ mà tiến – Chậm mà chắc rõ ràng đã phát huy tác dụng giúp mình trụ vững đến phút chót mà không hề bị chuột rút. Trong khi đó, nhiều chiến hữu mình gặp trên đường đã gặp vấn đề từ khoảng 30km, giờ chỉ còn biết cố gắng chịu đau hướng về đích.

Không khí quanh khu vực đích đến luôn phấn khích như bao giải chạy mình đã từng tham gia. Nhiều gương mặt thân quen vẫy tay chúc mừng cùng tiếng cổ vũ của mọi người khiến mình có thêm khí thế. Bao nhiêu sức lực còn lại được tung ra hết, về đích sớm nghỉ sớm.

Đang tươi cười vẫy chào thì…giựt bên trái: bắp chân bên trái bị chuột rút. Ngay sau đó, giựt bên phải: bắp chân phải cũng chịu chung số phận. Đích đến chỉ còn cách chưa đến 50m.

Cắm đầu chiu đau lao về đích

Lúc này biết bao nhiêu ống kính đang hướng về mình, phải cố gắng hết sức để hoàn thành xong chặng đua rồi mới được phép lăn ra nằm nghỉ. Xui xẻo sao lại bị chuột rút ngay vạch đích, lên hình toàn gương mặt nhăn nhó, chẳng có tấm nào xinh tươi cả!

Đau quá má ơi!
Lăn ra nằm ngay sau khi về đích. Hai chân căng cứng, chuột rút từ đùi đến bàn chân
Các anh em trong nhóm Phú Thọ Runner (PTR) đang hỗ trợ xịt thuốc, dán Salopas hồi sức

Sau 10 phút ngồi nghỉ, mình mới có thể đứng dậy để đi nhận áo rồi sau đó quay lại khu vực vạch đích cổ vũ cho các vận động viên về sau.

Dĩ nhiên ngay sau đó phải tự thưởng ngay cho mình một ly bia mát lạnh bù đắp cho cả tuần phải nhịn chuẩn bị cho giải. Marathon First, Beer Later!

https://www.instagram.com/p/Bd-Q0sqgpb9/

6. Tổng kết

Gần 5 năm từ khi bắt đầu chạy bộ và hơn 4 năm kể từ lần tham gia HCMC Run đầu tiên (HCMC Run 2013) cuối cùng mình đã có được huy chương cự ly Full Marathon trên đường nhựa đầu tiên. Rõ ràng mình là người “chậm chạp” vì mất đến 3 năm mới tăng cự ly từ Half Marathon lên Full Marathon nhưng có sao đâu.

Chạy bộ để tận hưởng niềm vui, đâu phải để ganh đua ai nhanh hơn, ai chơi Full Marathon sớm hơn.

Huy chương HCMC Marathon – 42K đầu tiên

Dưới đây là chặng đường “thăng tiến” của mình qua 5 giải HCMC Marathon:

Nếu bạn chỉ mới bắt đầu chạy bộ, đừng đặt mục tiêu chinh phục Half Marathon hay Full Marathon quá sớm. Thay vào đó, hãy dành thời gian xây dựng nền tảng thể lực và xây dựng niềm đam mê của bạn với môn thể thao này trước. Chỉ cần có đam mê, chuyện chinh phục các cự ly đường trường chỉ là vấn đề thời gian, không có gì phải vội.


Liệu mình có tiếp tục tham gia cự ly 42K ở giải HCMC Marathon 2019 năm sau?

Chưa chắc! Có thể mình sẽ chẳng tham gia bất kỳ giải chạy HCMC Marathon nào nữa sau những bê bối tệ hại trong công tác tổ chức của giải năm nay. Mình sẽ chia sẻ trong bài viết kế tiếp.

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá HCMC Marathon

Các bài viết cùng từ khoá HCMC Marathon 2018

Các bài viết cùng từ khoá chinh phục 42K

Các bài viết cùng từ khoá kí sự chạy giải

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *