Sau 2 năm rưỡi gắn bó với Wahoo KICKR Snap, mình đã quyết định nâng cấp trải nghiệm đạp xe trong nhà với việc sắm trainer mới: Wahoo KICKR Core. Mời các bạn xem bài viết đập hộp và đánh giá nhanh món đồ chơi mới này.

I. Tại sao mình muốn mua Trainer Direct-Drive?

Vì thời thế đã thay đổi so với hồi cuối năm 2018 khi mình tìm hiểu chọn mua Smart-Trainer, nhằm tập luyện cho IRONMAN 70.3 đầu đời.

Quảng Cáo

Trước đây mình chọn mua Wahoo KICKR Snap (Trainer loại Wheel-on) bởi tính cơ động của nó. Thời điểm đó, mình chỉ có 1 chiếc xe đạp nên không muốn phải phiền phức vụ tháo bánh, ráp bánh mỗi lần muốn chuyển đổi giữa đạp ngoài trời và đạp trong nhà. Ngoài ra, giá thành cũng là một yếu tố đáng cân nhắc khi giá KICKR Snap rẻ hơn hẳn so với các dòng trainer Direct-Drive.

Wahoo KICKR Snap đã phục vụ mình từ 2018 đến nay

Từ hồi năm ngoái, vợ mình bắt đầu tham gia đạp xe chung. Hai vợ chồng phải luân phiên thay đổi xe trên trainer. Việc này khá phiền toái, vì mỗi lần thay xe phải mất 10′ để cân chỉnh (calibrate) lại trainer. Nhưng mình tạm chấp nhận tình thế để tiết kiệm ngân sách.

Vợ cùng nhập hội Zwift trên trainer Wahoo KICKR Snap

Đến khi rước em Cervelo P-Series về nhập hội hồi giữa tháng 4, mình nhận ra đã đến lúc cần phải có sự thay đổi.

Chiếc xe đạp mới Cervelo P-Series của mình được trang bị thắng đĩa, không tương thích với KICKR Snap. Chính xác hơn là KICKR Snap không trang bị sẵn phụ kiện để gắn xe đạp sử dụng thẳng đĩa, yêu cầu phải mua thêm phụ kiện KICKR SNAP 12×142 Thru Axle Adapter – Giá $60, nhưng làm gì có hàng để mua, bên Mỹ đang cháy hàng!

Để chuẩn bị cho IRONMAN 70.3 Vietnam (lúc đó vẫn còn kế hoạch tổ chức vào 09/05/2021), mình phải mượn trainer Elite Direto X của bạn về nhà để tập luyện làm quen với xe mới.

https://www.instagram.com/p/COPCY7JJy4W/

Trải nghiệm đạp xe trên trainer Direto X (direct-drive) đúng là vượt trội hơn hẳn so với trainer KICKR Snap (wheel-on) của mình. Cảm giác mượt mà, trơn tru hơn mỗi khi tăng tốc, nhấn ga hết sức. Thích rồi nha!

Có nên bán Wahoo KICKR Snap để đầu tư cho em trainer Direct-Drive mới?

KHÔNG!

Vì 2 lý do sau:

  • Xe vợ mình đang dùng tập luyện sử dụng groupset Shimano Sora 9-speed, không tương thích với loại líp 11-speed thường được dùng trên trainer direct-drive. Do vậy nếu bán KICKR Snap thì xe của vợ không thể dùng được trên trainer mới.
  • Nếu xe của vợ được nâng cấp lên groupset 105 11-speed, dùng được với trainer mới thì hai vợ chồng lại phải tiếp tục cảnh đổi xe qua lại trên 1 cái trainer. Mình không muốn phiền toán thế nữa!

Tóm lại, quyết định được đưa ra: giữ nguyên KICKR Snap cho vợ dùng. Còn mình sẽ tìm mua trainer Direct-Drive mới để dùng. Giờ đã có 2 chiếc xe: Cervelo P-Series và Specialized Allez Elite, có thể chia ra 1 chiếc chuyên cho trong nhà, 1 chiếc chuyên đạp ngoài đường rồi.

II. Lựa chọn Trainer Direct-Drive

Bạn nào chưa rành về các loại thiết bị đạp xe trong nhà thì tham khảo trước bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các phân loại và các thông số của trainer trước khi đọc tiếp.

Trainer Direct-Drive hoạt động theo nguyên tắc truyền động trực tiếp (phải tháo bánh sau ra, gắn xe trực tiếp lên trainer), giúp thiết bị phản hồi nhanh hơn khi có sự thay đổi lực nhấn chân khi đạp xe. Trainer Direct-Drive mang lại trải nghiệm đạp xe trong nhà chân thật (giống như đạp ngoài đường) hơn so với trainer Wheel-On.

Các loại Smart Trainer Direct-Drive mặc định đều nằm trong phân khúc cao cấp với giá từ $700 trở lên. Trong đó, có thể chia nhỏ ra làm 2 nhóm: Siêu Cấp và Cao cấp.

1. Siêu Cấp (từ $999)

Cái tên nói lên tất cả, trainer dòng siêu cấp được trang bị những công nghệ hiện đại nhất, mang lại trải nghiệm đạp xe trong nhà chân thật nhất, bền bỉ, êm ái nhất. Anh em siêu cấp gồm có:

  • Tacx NEO 2T – $1.399
  • Wahoo KICKR v5 (2020) – $1.199

2. Cao Cấp (từ $700)

Lược bỏ một số tính năng từ bản Siêu Cấp nhưng vẫn mang lại trải nghiệm mượt mà. Khác biệt với bản Siêu Cấp thường nằm ở cảm giác đạp và độ chính xác (Power Accuracy). Anh em dòng Cao Cấp:

  • Tacx Flux S – $749
  • Tacx Flux 2 – $899
  • Elite Direto XR – $949
  • Elite Suite – $799
  • Wahoo KICKR Core – $899 – 21.150.000đ

Trong số 3 thương hiệu Elite, Tacx, Wahoo, chỉ duy nhất Wahoo được phân phối chính hãng tại Việt Nam với chính sách bảo hành 1 năm. Hai hãng còn lại chỉ được bán nhỏ giọt trên trị trường thông qua hình thức xách tay, không bảo đảm bảo hành.

Lựa chọn cái nào đây?

III. Vì sao mình chọn Wahoo KICKR Core?

Còn lựa cái nào khác ngoài trainer của Wahoo nữa.

Ban đầu mình muốn mua trainer Wahoo KICKR V5 – phiên bản cao cấp nhất được ra mắt năm 2020. Tuy nhiên nhà phân phối không có hàng, và cũng không có ý định nhập trong thời gian tới. Vậy thì quất Wahoo KICKR Core thôi chứ sao!

Những lý do mình chọn mua Wahoo KICKR Core:

  • Phân phối chính hãng tại Việt Nam: Đặt mua ở đây.
  • Đánh giá cao từ cộng đồng: Xem đánh giá từ DC Rainmaker.
  • Hoạt động êm ái, ít tiếng ồn: được đánh giá êm nhất trên trị trường trainer.
  • Làm gì còn lựa chọn nào khác!!!!

Mục cuối cùng là yếu tố quan trọng nhất nha! KICKR Core là lựa chọn duy nhất khi muốn chọn mua trainer Direct-Drive ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại. May mà 3 mục phía trên đều ngoan lành, chứ nếu không mình cũng chẳng mua đâu!

Thông số của Wahoo KICKR Core vs. KICKR Snap:

Thông sốKICKR CoreKICK Snap
Phân loạiDirect-DriveWheel-On
Khối lượng Flywheel5.44 kg4.76kg
Độ chính xác± 2%± 3%
Độ dốc giả lập tối đa16%12%
Maximum Power1800 W1500 W
Giá21.150.000
(có sẵn hàng)
13.500.000
(nhưng ko có hàng)

Tóm lại mọi thông số của KICKR Core đều vượt trội so với KICK Snap. Dĩ nhiên, giá cao hơn vượt trội luôn mà!

IV. Đập hộp Wahoo KICKR Core

Dài dòng quá rồi, giờ vô nội dung chính: khoe trainer mới. Trainer mới cập bến hôm qua, hôm nay khui thùng ra dùng liền cho nóng, tranh thủ chụp hình viết bài chia sẻ với mọi người.

Wahoo KICRK Core của mình bên cạnh Elite Direct X của bạn
Chuẩn bị mổ bụng lôi ruột ra

Thùng KICKR Core này siêu nặng (chắc phải hơn 20kg). Sau khi cắt băng keo, mình phải lật úp nó xuống để lôi ruột ra. Rồi sau đó để nằm ra bất đầu thao tác lắp ráp.

Hai ngăn đựng phụ kiện, dây nguồn

Chi tiêt phụ kiện đi kèm theo trainer Wahoo KICK Core:

  • Sách hướng dẫn
  • 1 cây quick release skewer
  • Bộ ốc vít và cây vặn
  • 1 spacer dùng cho xe sử dụng lip 9-10 speed
  • Bộ adapter Quick Release
  • Bộ adapter Thru Axle
  • Dây nguồn đi kèm theo 4 loại đầu cắm khác nhau
Mở tấm mút ở trên ra, KICKR Core nằm ngay ngắn bên trong
Tháo nylon ra nhìn cho gọn gàng

Tiếp theo, mở sách hướng dẫn xem cách lắp ráp: banh càng rồi gắn 2 chân vào trục chính, siết 4 con ốc là xong. Tuy nhiên do trainer rất nặng, nên mình loay hoay hơn 5′ mới xong.

Mình chồng 2 lớp mút lên nhau rồi đặt trainer nằm ngang để lắp chân vô cho dễ.
Cho KICKR Core vào vị trí, cạnh bên KICK Snap
Cục nguồn 12V – 5A

1. Trainer không đi kèm líp

Cần chú ý là Wahoo KICKR Core không đi kèm theo líp (cassette). Nếu nhà bạn không có sẵn líp, cần phải đi mua thêm để gắn vô trainer. Nhà mình có dư 1 bộ líp Ultegra 11-28, nên đỡ tốn tiền mua thêm líp (giá từ 1.500.000 cho bộ líp Shimano 105 11-speed). Chỉ cần mua thêm bộ tool để tháo lắp lip lên Freehub, tốn 120.000đ.

Líp Ultegra CS-6800 tháo ra từ bánh xe không dùng
Đồ nghề tháo lắp líp mua trên Shopee: cây chặn giữ líp và cảo tháo lip. Còn cờ lê có sẵn ở nhà
Trainer không có sẵn líp, chỉ có sẵn cái freehub này
Khuyến cáo đọc kỹ trước khi dùng
Lắp lip vào
Gắn cục cảo tháo lip vào trục và dùng cờ lê siết chặt
Trainer đã xong. Giờ cắm điện vào là chơi được rồi.

2. Lắp xe lên trainer

Wahoo KICKR Core đã sẵn sàng. Giờ đến phần lắp xe đạp lên trải nghiệm nhanh trainer mới.

Mình gắn 2 cục adapter Thru Axle đi kèm theo trainer lên 2 bên trục của trainer. Sau đó tháo bánh xe sau, lắp xe lên trainer. Cuối cùng xỏ cây trục Thru Axle qua rồi xiết lại là xong. Thao tác tháo bánh, lắp xe lên trainer mất chưa đến 30s. Nếu bạn mới thao tác lần đầu, có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian hơn để làm quen.

Adapter Thru Axle dành cho xe thắng đĩa Disc Brake
Gắn cục nhỏ bên phía lip
Lắp xe lên trainer

3. Trainer không đi kèm đế kê bánh trước

Một điểm cần chú ý khác là KICKR Core không đi kèm theo cục lót bánh xe trước như khi mua KICKR Snap. Ban đầu mình cứ tưởng hãng cắt giảm để tiết kiệm chi phí: “Mẹ! Wahoo keo kiệt! Bán cái trainer hơn 20 triệu mà không cho được cái đế kê bánh xe.

Mình lấy cục lót có sẵn của Snap gắn qua đạp thử. Dự tính vài ngày nữa sẽ hốt 1 cục đế kê bánh trước về gắn để khỏi giành lộn với vợ.

Lấy miếng kê bánh trước của KICKR Snap dùng tạm.

Sau đó hỏi 1 anh trong nhóm đang xài KICK Core về vụ đế kê bánh xe thì mới biết là cái trainer này đã được hãng thiết kế theo đúng độ cao của xe đạp nên không cần đế kê. Lót thêm đế kê sẽ khiến xe bị chếch lên cao, ngồi không thoải mái.

Đúng là như vậy!

Sau khi lót đế kê cho bánh trước, mình đạp thử thì bị cấn “hàng” khó chịu mỗi khi xuống tư thế aero nằm trên tay nghỉ. Sau đó bỏ thử cái đế kê ra, cảm giác thoải mái hơn hẳn.

So sánh trục của bánh sau và trục của KICK Core. KICKR Core thấp hơn gần 1cm.
So sánh độ cao giữa 2 trục của KICKR Snap và KICKR Core

Theo hình trên, có thể thấy rõ trục của KICKR Snap cao hơn của KICK Core rất nhiều, hơn 5cm. Lý do cũng dễ hiểu: KICK Snap phải làm trục cao lên để bánh xe sau không bị chạm đất trong khi đạp trên trainer. Chính vì đuôi xe được nâng cao hơn nên mới phải cần đế kê phía trước để cân bằng.

Tương tự cho trường hợp của trainer Elite Direto X. Xe được gắn lên trainer rất cao, nên Elite cũng tặng kèm theo đế kê để xe không bị lệch trọng tâm.

Còn KICKR Core không có đế kê là do nó cân bằng sẵn rồi. Không phải do Wahoo keo kiệt như mình nghĩ!

Không cần dùng cái đế kê này nữa!

Mình đang dự tính vài bữa nữa sẽ gắn thêm cái đế kê Elite Sterzo Smart Steering Plate để đua xe lạng lách trong Zwift. Giờ chắc phải suy nghĩ lại quá!

V. Cân chỉnh và cập nhật firmware

Đầu tiên, cần phải cập nhật firmware cho Wahoo KICKR Core. Bản firmware mới nhất ở thời điểm viết bài là Firmware v1.0.13 – 11 June 2020 (xem chi tiết). Với firmware mới, KICKR Core được bổ sung thêm tính năng đo Cadence (guồng quay chân). Không cần phải sử dụng cảm biến Cadence sensor gắn trên giò đạp của xe nữa.

Sau khi cập nhật firmware, mình làm tiếp bước cân chỉnh calibrate lần đầu tiên cho trainer. Các bạn tham khảo hướng dẫn chi tiết cách cân chỉnh và cập nhật firmware cho trainer Wahoo ở bài viết bên dưới

VI. Trải nghiệm KICK Core trên Zwift

Kết nối KICKR Core với Zwift tương tự như bao smart trainer khác: Chọn Power Source, chọn Contrallable và chọn Cadence, và nhán OK. Mình sử dụng USB ANT+ để kết nối Zwift trên PC đến trainer qua chuẩn ANT+. Nếu bạn sử dụng kết nối Bluetooth, trên Zwift sẽ hiện ra tên đẹp đẽ Wahoo KICKR Core chứ không phải cái tên xấu xí FE-C xxxx như hình.

Kết nối Zwift với Wahoo KICKR Core

1. Êm ái bất ngờ

Ấn tượng đầu tiên khi đạp xe trên KICK Core: êm ái một cách bất ngờ. Không có tiếng ồn nào phát ra từ trainer. Âm thanh duy nhất phát ra là tiếng kêu è è do ma sát của sên xe trong khi đạp. Nếu mình dừng quay chân, bánh đà sẽ tiếp tục quay theo trớn và chỉ phát ra tiếng kêu rất nhỏ.

Nếu so với trainer Elite Directo X mình có dịp dùng tạm trong 1 tháng trước đây, KICKR Core thực sự êm ái hơn rất nhiều. Con Direto X kêu khá ồn ào trong khi đạp. Còn khi dừng quay chân, bánh đà quay theo trớn rè… rè… rè… um sùm y hệt như mấy cái bánh Zipp 404.

DC Rainmaker đã chia sẻ 1 videoclip so sánh độ ồn của KICKR Core với các trainer khác, các bạn có thể tham khảo dưới đây

2. Chắc chắn

Thiết kế chân của KICKR Core mang lại sự ổn định, chắc chắn quen thuộc như mình đã từng quen với KICKR Snap trong hơn 2 năm qua. Tha hồ đứng nhún nhảy trên xe, trainer luôn đứng vững.

Chân bằng sắt được phủ sơn tĩnh điện đen nhìn cực kỳ chắc chắn.

3. Chế độ ERG mượt mà

Ví dụ: nếu bài tập yêu cầu phải giữ Power 200W trong 1 phút, trainer sẽ tăng độ nặng (lực cản) nếu bạn quay chân chậm (cadence thấp), hoặc giảm độ nặng nếu bạn quay chân nhanh (cadence cao), để luôn giữ Power cố định ở 200W.

ERG là tính năng đáng giá nhất khi sắm smart trainer để tập luyện trong nhà. Các ứng dụng như Zwift, TrainerRoad đều sử dụng tính năng này cho các bài tập đạp xe Interval.

Tuy nhiên không phải smart trainer nào cũng hỗ trợ ERG mượt mà. Chẳng hạn như em trainer Elite Direto X: nó không thể kiểm soát được Power trong chế độ ERG. Mình phải thường xuyên thay đổi dĩa / líp trong các bài tập Interval thì nó mới giữ Power cố định theo yêu cầu của bài tập.

Trong khi đó, KICKR Snap của mình mặc dù chỉ là loại Wheel-On nhưng hoạt động cực ổn. Mỗi khi vô chế độ ERG là chẳng cần bận tâm đến dĩa nào / líp nào trong khi đạp nữa. Trainer tự điều chỉnh hết.

Giờ nâng cấp lên KICK Core, trải nghiệm ERG mượt mà hơn thế nữa! Trainer tự động điều chỉnh lực cản rất nhanh mỗi khi chuyển từ 90W qua 200W. Trainer điều chỉnh càng nhanh, bạn sẽ càng đạp hiệu quả hơn trong các quãng Interval ngắn kéo dài chỉ khoảng 20-30 giây.

Wahoo KICKR Core thực hiện hoàn hảo tính năng này. Mọi thứ đều mượt mà, trơn tru. Chẳng cần quan tâm đổi dĩa, đổi líp, chỉ cần tập trung nhấn ga là được!

Khả năng cân chỉnh trong chế độ ERG tuỳ thuộc vào flywheel (bánh đà) sử dụng trên trainer. Công nghệ Flywheel của Wahoo luôn được đánh giá cao về sự mượt mà, chân thật nhất trên thị trường.

Flywheel (bánh đà) của KICKR Core bự và nặng hơn của KICKR Snap

VII. Tổng kết

Nãy giờ quá dài dòng rồi, để mình tổng kết nhanh gọn lẹ luôn.

Tóm lại là mình đang cực kỳ hài lòng với quyết định sắm Wahoo KICKR Core cho pain-cave. Từ giờ hai vợ chồng có thể đạp xe cùng lúc, không phải giành giựt trainer nữa.

Trải nghiệm đạp xe trên trainer direct-drive thật sự sướng và đã hơn hẳn so với dùng trainer wheel-on. May quá, xe của vợ không thể gắn lên KICKR Core được nên không sợ vợ chèn ép: “Anh gắn xe Specialized lên KICKR Snap đạp đi, còn em đạp trên KICK Core”. Chồng tính trước hết rồi!

Mùa mưa đến rồi. COVID-19 thì đang hoành hoành. Giờ mua Smart Trainer về nhà tập luyện là lý tưởng nhất! Bạn nào quan tâm đến em Wahoo KICKR Core này thì đặt mua bên YCB ủng hộ mình nha!

Còn bạn nào muốn đầu tư nguyên cái pain-cave chơi Zwift giống của mình thì tham khảo series bên dưới nhé.

Happy Riding!

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá Wahoo

Các bài viết cùng từ khoá Wahoo KICKR Core

Các bài viết cùng từ khoá pain cave

Các bài viết cùng từ khoá smart trainers

Các bài viết cùng từ khoá đạp xe trong nhà

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 Comments