Mình là người khá nhạy cảm trong các vấn đề liên quan đến AN TOÀN. Đó là nhờ kinh nghiệm quý báu đúc kết trong hơn những năm làm việc ở Intel, nơi an toàn trở thành tôn chỉ trong mọi hoạt động và luôn được đặt lên trên mọi chỉ tiêu khác. Mình hiểu rằng an toàn là một giá trị sống, chứ không phải là khẩu hiệu “hô hào cho vui”.
Safety Always Come First! An Toàn là ưu tiên hàng đầu!
Nói thì dễ, làm mới khó! Ai cũng có thể hô hào khẩu hiệu “Safety First” (An toàn trên hết) nhưng ít khi thực hành an toàn đến nơi đến chốn. Khái niệm an toàn ở Việt Nam dường như chỉ tồn tại trên băng rôn, biểu ngữ, hoặc thực hiện để đối phó:
- Tài xế xe hơi tranh thủ tháo dây an toàn bất cứ khi nào vắng bóng công an.
- Người đi xe máy không đội nón bảo hiểm hoặc đội nón dỏm để đối phó với CSGT.
- Công trường xây dựng không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân.
- Công nhân dù được trang bị bảo hộ lao động nhưng từ chối sử dụng do…vướng víu.
Trên đây chỉ là các ví dụ tiêu biểu nhất. Vẫn còn nhiều những trường hợp thờ ơ, xem thường các nguyên tắc an toàn mà các bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố, trong công ty hoặc ở ngay tại nhà của mình.
Cái khó của việc thực hành an toàn là kiến thức về an toàn và khả năng nhận biết mối nguy hại của mọi người bị giới hạn. Đôi khi do thói quen, chúng ta sẽ không thể nhận ra điều mình đang làm là nguy hiểm cho đến khi được huấn luyện. Hoặc tệ hơn chúng ta chỉ nhận biết mối nguy hiểm khi tai nạn đã xảy ra và lúc đó đã quá muộn.
Tuy nhiên, phần lớn các sai phạm về an toàn là do ý thức và hành vi của con người. Biết sai, biết không an toàn mà vẫn cứ làm. Cùng với đó là tư tưởng: “Tai nạn sẽ không xảy ra với tui đâu!” hoặc “Sống chết có số. Trời kêu ai nấy dạ!“
Đó là những suy nghĩ sai lầm sẽ khiến bạn trả giá nếu không chịu thay đổi tư tưởng. Tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai. Cách duy nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi tai nạn là phải có kiến thức và tuân theo các nguyên tắc về an toàn.
I. An toàn trong chạy bộ – Có đáng lo?
Nãy giờ dài dòng đủ rồi. Giờ mình đi vào phần chính: an toàn trong chạy bộ.
Đây là một chủ đề mình rất quan tâm kể từ khi bắt đầu chạy bộ đến giờ. Ngay từ những bài viết đầu tiên của Yêu Chạy Bộ, mình đã chia sẻ về cách giữ an toàn khi chạy bộ ngoài trời. Từ đó về sau, mình liên tục cập nhật nhiều bài viết mới liên quan đến việc làm sao để giữ an toàn khi tập luyện lẫn thi đấu
- Bài học về an toàn khi chạy trail địa hình sau bi kịch ở Dalat Ultra Trail 2020
- An toàn khi chạy trail địa hình, đi trekking: Coi chừng lạc đường!
- Hãy chạy bộ trên vỉa hè vì an toàn của bạn và mọi người
- Chạy bộ ngoài đường: Coi chừng bị giựt điện thoại!
- An toàn trong chạy bộ – Tất cả phụ thuộc vào bạn
- Chạy bộ mùa nắng nóng, coi chừng sốc nhiệt do gắng sức
- Chú ý an toàn khi chạy bộ trong mùa mưa
- Bi kịch trên máy chạy bộ treadmill – Đừng chủ quan kẻo ân hận
- Những chú ý an toàn khi chạy bộ ngoài đường dành cho các bạn nữ
- Chạy chân trần trên máy chạy (treadmill) – Nên hay không?
Theo quan sát của mình an toàn lại là chủ đề ít được bình luận nhất trên các mạng xã hội. Đa số các câu hỏi của những bạn mới bắt đầu đều xoay quanh các chủ đề như:
- Tập luyện sao để chạy được 42K trong thời gian ngắn nhất?
- Chạy sao để có form đẹp như Mo Farah, Usain Bolt?
- Chạy sao cho giảm cân thần tốc?
- Chạy sao cho đùi to, đùi nhỏ,…?
Rất hiếm các bình luận chia sẻ xoay quanh chủ đề Chạy sao để bảo đảm an toàn. Nếu có người hỏi cũng chẳng mấy ai quan tâm.
Tại sao?
So với các môn thể thao đồng đội / đối kháng như bóng đá, bóng bầu dục, quyền anh,… chạy bộ thuộc loại an toàn, ít rủi ro nhất. Do đó mọi người thường có tư tưởng chủ quan, nghĩ rằng chạy bộ là môn thể thao an toàn tuyệt đối.
Thực tế không tươi đẹp như thế. Số lượng người bị chấn thương vì chạy bộ càng lúc càng tăng cao. Các tai nạn giao thông liên quan đến người chạy bộ vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Qua đó cho thấy chạy bộ không an toàn như bạn nghĩ.
1. Chấn thương do quá tải
Trong số các tai nạn thường gặp trong chạy bộ, chấn thương là hình thức phổ biến nhất.
Chấn thương là một hệ quả của việc chạy bộ sai các nguyên tắc an toàn. Chấn thương có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng tránh nếu biết lắng nghe phản ứng của cơ thể, nghỉ ngơi hợp lý.
Có lẽ nhờ chết nhát, không dám liều mạng, nên sau hơn 4 năm chạy bộ, mình vẫn chưa hề dính bất kỳ chấn thương nghiêm trọng nào. Thường gặp nhất chỉ là chuột rút, căng cơ, nghỉ ngơi 2-3 ngày là khoẻ. Mình chưa từng phải nghỉ chạy quá 1 tuần kể từ lúc bắt đầu chạy đến giờ.
2. Tai nạn do tác nhân bên ngoài
Bên cạnh chấn thương do bản thân tự gây ra, bạn còn có thể gặp tai nạn do tác nhân bên ngoài. Tai nạn có thể xảy đến trong bất kỳ điều kiện tập luyện nào:
- Chạy trên máy: có thể bị trượt ngã khỏi máy nếu không tâp trung
- Chạy ngoài trời: có thể bị xe đụng nếu chạy bộ dưới lòng đường
- Chạy địa hình: nguy cơ trượt chân, đập đầu, gãy tay,…nếu mang giày không phù hợp.
Đừng để tình huống sau chữ “nếu” xảy ra, bạn sẽ giảm thiểu nguy cơ tai nạn xuống mức thấp nhất.
II. Làm sao để cải thiện an toàn khi chạy bộ?
Để giảm thiểu nguy hiểm, cải thiện sự an toàn khi chạy bộ, có hai yếu tố chúng ta cần phải tuân theo: môi trường an toàn và hành vi an toàn.
1. Môi trường an toàn
Đầu tiên, được an toàn, bạn cần phải chạy bộ trong môi trường an toàn. Ví dụ: công viên, phòng tập. Tránh xe các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra các tai nạn: cướp giật, đụng xe.
- Hạn chế tối đa việc chạy bộ dưới lòng đường. Vừa vi phạm phát luật vừa tạo nguy cơ dính tai nạn cho bản thân.
- Nếu vỉa hè bị lấn chiếm và bạn phải xuống lòng đường, hãy giảm tốc độ và chú ý xe cộ trước sau. Ngay lập tức quay trở lại vỉa hè khi có thể.
Thời tiết cũng là một yếu tố bạn cần phải chú ý khi lựa chọn thời điểm và địa điểm chạy bộ.
- Bạn nên tránh chạy bộ khi nắng gắt hoặc mưa giông sấm chớp.
- Nếu chạy trong thời tiết mùa đông, cần phải trang bị quần áo và phụ kiện giữ ấm phù hợp
2. Hành vi an toàn
Môi trường an toàn sẽ chẳng thể đảm bảo an toàn nếu bạn không thực hiện những hành vi an toàn tương ứng. Việc này giống như công nhân được cung cấp bảo hộ lao động nhưng không sử dụng, có nón bảo hiểm nhưng không chịu đeo. Tất cả đều xuất phát từ ý thức và sự chủ quan với an toàn của bản thân.
Một trong những hành vi không an toàn thường gặp nhất là thói quen chạy bộ dưới lòng đường của không ít các runner.
Đường có vỉa hè sao không chạy mà lại giành đường với ô tô?!?
Không thể đổ lỗi cho vỉa hè bị lấn chiếm được. Vì lúc 5-6h sáng vỉa hè có ai đâu, tha hồ mà chạy. Nhưng runner lại thích chạy dưới lòng đường thôi. Tương tự như ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, trục đường đi bộ rộng thênh thang nhưng nhiều bạn lại chỉ thích chạy ở vòng ngoài bên cạnh ô tô. Khó hiểu ghê!
Mình đã từng đề cập đến vấn đề an toàn trong bài bình luận hậu HCMC Run 2017 về việc nhiều runner liều mình len ra đường xe tải để chạy bất chấp nguy hiểm. Sau đó đã nhận được không ít phản hồi tiêu cực từ chính các runner đó với đủ mọi lý do, biện hộ,… Rõ ràng an toàn không phải là ưu tiên hàng đầu với các dân chạy này.
Việc thực hành an toàn nằm ở ý thức của mỗi người. Nếu bạn không tôn trọng an toàn, người lãnh hậu quả là chính bạn. Đừng để mình bị rơi vào hoàn cảnh như các runner trong video ở đây (cảnh báo hình ảnh có thể gây shock)
III. Lời kết
Cuối cùng, mình xin tổng kết lại bài viết này với 3 lời khuyên sau:
- Không ai có thể bảo đảm an toàn cho bạn nếu bạn không hợp tác.
- Bạn là người quyết định có tuân theo các nguyên tắc an toàn hay không.
- An toàn của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của bạn.
Chúc mọi người chạy bộ an toàn. Luôn luôn trở về nhà lành lặn và tươi mới như khi bước chân ra khỏi cửa.
Nếu bạn có thêm các chia sẻ, lời khuyên về an toàn trong chạy bộ, nhớ chia sẻ ở mục bình luận bên dưới nhé.
Các bài viết cùng từ khoá an toàn
- 12 mẹo để bảo đảm an toàn khi chạy trên đường
- An toàn khi chạy trail địa hình, đi trekking: Coi chừng lạc đường!
- An toàn trong chạy bộ – Tất cả phụ thuộc vào bạn
- Bài học về an toàn khi chạy trail địa hình sau bi kịch ở Dalat Ultra Trail 2020
- Bi kịch trên máy chạy bộ treadmill – Đừng chủ quan kẻo ân hận