Hello! Chuyên mục đánh giá giày chạy bộ nay đã quay trở lại blog sau 18 tháng biệt tích giang hồ.
Kể từ bài viết chia sẻ về Nike Vaporfly NEXT% hồi tháng 08/2019, blog hoàn toàn vắng bóng các bài viết về giày chạy bộ – một trong những nội dung được mọi người quan tâm nhất. Không phải do không có giày mới để chia sẻ (ngược lại là đằng khác), mà thật ra là vì chủ blog bị lười: lười chụp hình, lười biên tập. Một số đôi giày đã được viết nháp từ đầu năm 2020 như Kiger 5, Turbo 2 nhưng sau đó do tụt mood (vì COVID-19) nên mãi vẫn chưa thể hoàn thành để chia sẻ với mọi người.
Nhân vật chính của bài viết hôm nay là đôi adidas UltraBoost 21. Đôi giày đã được mình nhá hàng trên Instagram từ hồi trước Tết. Hôm nay mới hoàn thành xong để chia sẻ cùng mọi người.
Dưới đây là hình ảnh và đánh giá nhanh của mình với adidas Ultraboost 21.
Lịch sử UltraBoost
Công nghệ Boost được adidas ra mắt lần đầu tiên trên đôi giày Energy Boost vào tháng 02/2013. Boost bắt đầu tạo được tiếng vang trên toàn thế giới từ sau kỉ lục Marathon được thiếp lập ở giải Berlin Marathon năm 2014 của Dennis Kimetto – 2 giờ 2 phút 57 giây, nhanh hơn 28 giây so với kỉ lục cũ. Đôi giày lập kỉ lục khi đó là adizero Adios Boost.
Boost nhanh chóng trở thành công nghệ đế giữa chủ lực của adidas từ đó đến nay.
Nổi bật nhất trong gia đình Boost chắc chắn là dòng giày UltraBoost mắt từ năm 2015. Là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và thiết kế, UltraBoost ngay lập tức được đón nhận không chỉ trong cộng đồng dân chạy, mà còn trong thế giới thời trang, sneakerheads.
Dưới đây là lịch sử hình thành và phát triển của UltraBoost:
- 2015: Phiên bản UltraBoost đầu tiên 1.0 được ra mắt vào tháng 01/2015, kết hợp công nghệ Primeknit trên thân giày cùng bộ khung lồng (cage) hai bên thân giày. Đế giữa được trang bị công nghệ Boost kéo dài từ gót đến mũi:
- 2016 – 2018: Lần lượt ra mắt các phiên bản UltraBoost 2.0, 3.0, 4.0 với cải tiến về công năng, nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế so với phiên bản đầu tiên 1.0.
- 2019: Thay đổi hoàn toàn thiết kế với đế Boost dày hơn, trang bị Primeknit 360. Thiết kế cage và heel counter cũng được cải tiến. Bên cạnh đó, số thứ tự của giày đã được đổi thành UltraBoost 19 tương ứng với năm ra mắt.
- 2020: UltraBoost 20 giữ nguyên thiết kế của phiên bản 19, được cải tiến ở thân giày và đế giày.
- 2021: UltraBoost 21 ra mắt với diện mạo hoàn toàn khác biệt so với những người đàn anh. Kiểu dáng thể thao mang đậm chất runner.
Nguồn ảnh: What is Boost? (adidas.com)
Đặt mua UltraBoost 21
Ultraboost 21 (gọi tắt UB 21) được adidas chính thức ra mắt ngày 28/01/2021 trên toàn thế giới. Việt Nam có hàng ngay, không phải đợi gì cả. Mình ghé cửa hàng SuperSports ngày 30/01 thì thấy UB 21 đã được bày sẵn trên kệ, nhưng chỉ có duy nhất màu đen. Còn trên website adidas.com.vn thì bao la: mình nhớ có đến hơn 10 màu.
Mình đặt mua 2 đôi UltraBoost 21 dùm bạn: 1 đôi nam size 10US, 1 đôi nữ size 7US. Trước khi mua dùm, mình đã cảnh báo trước: đặt mua trên website adidas.com.vn lỡ gặp xui dính giày lỗi thì ráng chịu, muốn đổi trả gì thì tự xử lý với adidas. Mình không muốn dính thêm bất cứ drama nào với anh adidas VN này nữa.
Giá bán lẻ ở VN: 5.000.000 – ngang giá với các đôi UltraBoost 20, 19, DNA
Ngoại hình khác biệt
UB 21 là một sự lột xác hoàn toàn khi so sánh với các phiên bản Ultraboost trước đây. Đôi giày nhìn thực sự khác biệt với phần đế Boost siêu dày, siêu bự. Ngoại hình thoạt nhìn làm mình gợi nhớ ngay đến Nike Vaporfly Next% – cùng thiết kế đế dày, dốc về phía trước.
Đế BOOST siêu dày
Theo giới thiệu từ adidas, đế BOOST UB 2021 được tăng thêm 6% thể tích so với UB 2020, tạo nên phần đế giữa siêu dày. Phần gót giày cao hơn hẳn so với phần mũi, được thiết kế tràn ra sau, khác biệt hoàn toàn so với thiết kế UltraBoost từ trước đến nay.
Đệm gót thiết kế mới
Không còn kiểu dáng Heel Frame như UB19-20, UB 21 mang trở lại thiết kế đệm gót nguyên khối tương tự như ở phiên bản đầu tiên 1.0. Do đế giày ở gót rất cao, nên phần đệm gót được cắt gọn lại cho phù hợp.
Thân giày Primeknit từ vật liệu tái chế
Theo quảng cáo, thân giày Primeknit của UB 21 được làm từ chất liệu Primeblue, vật liệu tái chế được adidas hợp tác với Parley Ocean Plastic sản xuất. 50% thân giày được làm từ sợi vải (textile), 75% thành phần sợi vải này là sợi Primeblue.
This product is made with Primeblue, a high-performance recycled material made in part with Parley Ocean Plastic. 50% of the upper is textile, 75% of the textile is Primeblue yarn. No virgin polyester.
Đế cao su mới
Đế cao su (outsole) của UB 21 được lột xác hoàn toàn so với các phiên bản UB cũ. Không còn là một miếng cao su mỏng phủ trọn đế giày nữa. Thiết kế mới gồm nhiều mảnh nhỏ, tối ưu cho từng khu vực.
Dưới đây là so sánh đế cao su của UltraBoost 21 và UltraBoost DNA Prime (sử dụng đế giày của Ultraboost 1.0)
Lót giày
Lót giày không có gi đặc biệt. Chỉ chia sẻ hình ở đây cho mọi người tham khảo
UltraBoost 21 vs UltraBoost DNA Prime
Dưới đây là hình ảnh so sánh giữa UltraBoost 21 và UltraBoost DNA Prime. DNA Prime đôi giày kết hợp giữa phần đế của UltraBoost 1.0 và phần thân giày của adidas Primeknit – đôi giày đầu tiên được trang bị công nghệ Primeknit, ra mắt năm 2012.
Giày siêu nặng
Ultraboost 21 là đôi giày NẶNG nhất từ trước đến nay mà mình được mang thử trên chân. Trong khi các hãng đang tích cực cắt giảm khối lượng của giày chạy thì không hiểu sao anh adidas quyết định đi ngược lại xu hướng: làm cho giày nặng hơn đến gần 20% so với phiên bản trước đó.
Chỉ cần cầm giày trên tay là có thể nhận ra được sự bất thường từ UB 21: “Má! Sao nó nặng dữ vậy!“
1 chiếc giày UB 21 nặng đến 375 gram, gần gấp đôi so với Vaporfly NEXT % (196 gram). Nó còn nặng hơn cả đôi giày Asics Kayano 24 “nặng bà cố nội” mà mình mới mang thử gần đây. Phong tặng ngay danh hiệu “Nặng bà cố tổ” cho anh UB 21 này là xứng đáng!
Ban đầu mình tính đặt mua đôi này để dành sử dụng trong năm 2021 nhưng đã từ bỏ ngay ý định sau khi mang thử trên chân ở cửa hàng. Nó quá nặng so với những trải nghiệm quen thuộc của mình với Nike. Mình đã quen với các đôi giày nhẹ như Nike Zoom Turbo 2 hay Nike Free Rn, giờ mang qua Ultraboost 21 chẳng khác nào gánh tạ trên chân.
Dưới đây là bảng cân nặng giày mình đã sưu tập để mọi người có thể nắm về khối lượng các các mẫu giày phổ biến trên thị trường hiện nay.
- Đầu bảng: Nike Vaporfly NEXT%: 196 gram
- Bét bảng: adidas UltraBoost 21: 375 gram
Mình nghĩ UltraBoost 21 sẽ phù hợp cho các bạn nào muốn cải thiện thành tích trong thi đấu. Trong các buổi tập mang theo đôi tạ UB 21 này để luyện chân, đến ngày thi đấu chuyển qua mang Nike Vaporfly Next% bảo đảm sẽ lướt nhẹ như bay. Tha hồ lập PR mới!
Trên chân UltraBoost 21
Giày này mua dùm bạn, không phải giày của mình nên không có nhiềuu thời gian trải nghiệm. Mình chỉ mang giày trên chân để chụp ảnh rồi chạy nhanh vài trăm mét rồi phải lo gói ghém gửi cho chủ nhân.
Mặc dù nhìn trên tay có vẻ to khủng bố nhưng mang trên chân thì trông gọn gàng hơn hẳn. Thân giày rộng rãi, không gây khó chịu ở bất cứ điểm nào trên chân. (Có thể do mình đang mang size 10US, lớn hơn size 9.5US quen thuộc)
Trong hình mình đang mang đôi Balega No Show – nó quá ngắn không che phủ được toàn bộ phần cổ chân. Bạn nào mua đôi UB 21 nên sắm đôi vớ cổ cao Low Cut hay Quarter sẽ hợp lý hơn. Không nên để lưỡi gà ma sát trực tiếp với cổ chân, tránh gây phồng rộp khi chạy trong thời gian dài.
Xem lại bài viết này để hiểu rõ hơn nguy cơ từ cái lưỡi gà nhé
Phần đế gót nhìn có vẻ cao hơn hẳn so với phần mũi nhưng thực tế khi mang trên chân không cảm thấy quá khác biệt so với khi mang đôi UltraBoost DNA Prime. Hoàn toàn không thấy cảm giác bị nghiêng về phía trước giống như khi mang Vaporfly NEXT%.
Lý do: phần BOOST ở ngay dưới đệm gót TPU chỉ dược dựng cao lên hai bên để ôm lấy gót chân, phần đế bên trong giày nó lõm xuống. Toàn bộ phần gót được BOOST nâng đỡ từ phía dưới kéo dài qua hai bên, mang đến sự yên tâm khi trên chân.
Mình chỉ chạy thử khoảng 300m nên không thể có đánh giá chính xác về đôi giày này. Nói chung chỉ nhớ duy nhất 1 cảm giác: NẶNG!
Tổng kết
Điểm yếu chết người về khối lượng siêu nặng đã đập tan hết mọi cải tiến của adidas trên đôi UltraBoost 21. Mình thấy chẳng có lý do gì để mua đôi này về để chạy trong khi ngoài thị trường có rất nhiều sự lựa chọn hấp dẫn khác ở mức giá rẻ hơn và giày nhẹ hơn rất nhiều.
Ưu Điểm
- Nhiều lựa chọn phối màu đẹp, thoải mái chọn lựa.
- Thân giày Primeknit+ mềm, co giãn thoải mái. Đôi này mang đi chơi, đi làm là hết xảy.
- Đế êm ái, đàn hồi ngon. Mình chạy thử 300m thấy ổn. Chưa biết chạy 3K hay 30K sẽ ra sao. Dù sao mình cũng không có ý định thử cho cự ly dài hơn.
Nhược Điểm
- Quá quá quá nặng, không thể tưởng tượng nổi chạy 21K hay 42K trong đôi giày UB 21 sẽ kinh khủng ra sao.
- Giá mắc – 5.000.000. Với số tiền này chuyển qua mua Saucony Endorphin Pro (giá 4.700.000) để mang chạy bộ hợp lý hơn nhiều. Còn nếu ai thích mua đôi UB21 này đi chơi thì không có gì phải lăn tăn.
Tóm lại là ngay cả khi được giảm giá 50% (còn 2.500.000), mình cũng không chọn mua đôi adidas UltraBoost 21 này. Đơn giản vì mình không muốn vừa chạy bộ vừa gánh tạ trên chân. Với số tiền 2.500.000 mình có thể sắm 1 đôi Nike Free Rn mỏng nhẹ, mang chạy sướng hơn nhiều.
Thực tế là mình đang dùng 1 đôi Nike Free Rn 5.0, mua với giá 2tr6. Nó chỉ nặng 230 gram, nhẹ hơn cả đôi Turbo hay Epic React (xem lại phần cân nặng ở trên), và hiện tại dang là đôi giày mình sử dụng tập chạy mỗi ngày trên máy.
Bài viết đến đây xin hết! Hẹn gặp lại ở bài viết chém gió về giày chạy bộ sau.
Danh sách chờ lên sóng:
- Nike Zoom Kiger 5
- Adidas adiZero Boston 7
- Nike Zoom Turbo 2
- Nike Free Rn 5.0
- Adidas UltraBoost DNA Prime
Các bài viết cùng từ khoá UltraBoost 21
Các bài viết cùng từ khoá adidas
- [Bạn đọc viết] Quá mệt với chính sách hoàn hàng và hoàn tiền của adidas VN
- Adidas – Gã khổng lồ đến từ Đức
- Adidas giới thiệu công nghệ in FutureCraft 3D trên giày chạy bộ
- Kể chuyện chạy bộ ở Busan – Lần đầu trải nghiệm Adidas UltraBoost
- Quà tặng đầu Xuân: 3 đôi giày adidas, Under Armour và Asics (cũ)
Các bài viết cùng từ khoá adidas UltraBoost
- Kể chuyện chạy bộ ở Busan – Lần đầu trải nghiệm Adidas UltraBoost
- Trên chân và đánh giá nhanh adidas UltraBoost 21: Đế siêu dày, giày siêu nặng!
Các bài viết cùng từ khoá Đánh giá giày chạy bộ
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Đánh giá chi tiết Nike Flyknit Lunar 2 – Hoàn hảo cho mọi cự ly
- Đánh giá Nike Air Zoom Pegasus 32 – Yêu từ lần chạy đầu tiên
- Đánh giá Nike Air Zoom Vomero 11 – Êm chân, chắc chắn
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn