Ngày thi đấu Challenge Vietnam 2019 bắt đầu lúc 4AM. Mình và một anh ở chung căn hộ lọ mọ thay phiên nhau chiếm giữ toilet để “làm sạch” bao tử. Sau đó cả hai vừa ngồi nhấm nháp bánh vừa bình luận về cuộc chiến sắp phải đối mặt.

https://www.instagram.com/p/Bz337S0ptwp/

Trước khi rời khỏi nhà, mình quyết định mang theo bộ tay nghỉ Redshift Aerobar để lắp lại vào xe đạp. Hôm qua mình đã tháo ra vì muốn xe nhẹ hơn, leo dốc nhanh hơn. Nhưng suy đi tính lại thấy mình cần aerobar hơn cho các đoạn đường bằng và ngược gió. Xe nặng hơn vài trăm gram cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tốc độ leo dốc rùa bò 10km/h.

Quảng Cáo
2 tay nghỉ được trọng dụng trở lại vào phút chót

Công việc ở khu vực chuyển tiếp diễn ra khá nhanh gọn. BTC cung cấp 1 thùng nhựa lớn, mình chỉ việc bày hết đồ nghề ra, chia làm 2 góc: đạp và chạy là xong. Tiếp theo gắn tay nghỉ vào khớp nối trên ghi đông xe. Sau đó phóng thẳng ra biển chơi, chờ khai cuộc.

I. Mục tiêu thi đấu

Lần này mình không có mục tiêu Sub 6:30, Sub 7:00 gì nữa. Mình không dám thúc ép bản thân dưới điều kiện thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt của Nha Trang.

Mình muốn được về đích lên ảnh thiệt ngầu về có bài viết chia sẻ trên blog, không muốn đối mặt với rủi ro bị sốc nhiệt hay gục ngã trên đường đua do kiệt sức.

Mục tiêu quan trọng nhất: “Thi đấu hết mình, về đích tươi xinh.”

II. BƠI: Tận hưởng biển êm

Đã có kinh nghiệm hai lần thi đấu bơi biển ở Tri-FactorIronman 70.3 nên lần này mình không còn tí sợ hãi, lo lắng nào nữa. Có gì phải lo khi biển Nha Trang êm dịu như mặt hồ. Cứ bơi từ từ chậm rãi, tranh thủ tận hưởng nước mát trước khi te tua trên đường đạp và bị thiêu da trên đường chạy.

Trong khi đứng khởi động, mình gặp lại anh áo hồng MOMO chân lông đua cùng mình hồi thi IM 70.3 ở Đà Nẵng. Mình vẫn thi Solo, anh ấy vẫn thi Relay, nên lần này nếu có duyên đạp gần nhau mình sẽ không đua nữa. Đường dốc mà không biết lượng sức là sẽ ngỏm sớm! Phải giữ chân để qua phần chạy chiến đấu.

Nhóm chuyên nghiệp xuất phát trước. Sau đó 10′, đến lượt nhóm nghiệp dư lao xuống biển. Lúc này mình mới nhận ra rằng do số lượng tham gia ít ỏi nên BTC không còn chia theo nhóm xuất phát theo từng đợt 5 vận động viên như hồi ở Đà Nẵng nữa. Thay vào đó, tất cả vận động viên nam lao xuống biển cùng 1 lượt. Má!!!

Khung cảnh hỗn loạn lúc xuất phát. Ảnh: Challenge Vietnam

Mình có phần bị sốc khi bước xuống biển bên cạnh đám đông ai cũng đang rất hung hãn, hăng máu. Khựng lại vài giây để tìm chỗ trống, mình bắt dầu luồn lách lao đi thật nhanh để hạn chế tối đa va chạm.

Vừa bơi vừa phải lo quan sát né người chẳng dễ chịu tí nào. Quạt tay 3-4 lần mình phải ráng ngoi lên xem trước mặt có “chân ếch” nào không để kịp né trước khi bị ăn đạp.

Vượt qua đoạn quẹo trái đầu tiên, đường bơi dần thoáng hơn, lúc này mình mới bắt đầu tận hưởng cảm giác tự do lênh đênh bơi giữa biển. Dĩ nhiên không quên nhiệm vụ định hướng để tránh bơi lạc trôi ra khỏi đường đua.

Hết vòng 1, mình bước lên bờ loạng choạng như người say rượu. Tranh thụ nốc nhanh 1 ly nước, mình tiếp tục vòng 2. Lúc này đường bơi đã thoáng đãng nên không còn gì phải lo lắng. Cứ bơi theo đúng sức là sẽ lên bờ thôi.

Yeah! Sống sót lên bờ rồi! Ảnh: Núm

Kết thúc phần bơi, mình xem đồng hồ thấy mất 50′. Quái lạ! Sao có thể chậm hơn Đà Nẵng khi biển êm không sóng, mình bơi nhanh hơn hẳn so với kì trước. Các anh em khác cũng có thành tích chậm hơn so với Đà Nẵng.

Về nhà xem lại mới thấy Fenix 3HR của mình đo ra đến 2.3k, dài hơn 400m nhiều so với tiêu chuẩn 1.9km. Tốc độ trung bình: 2:10’/100m, đúng là tốc độ nhanh hơn so với hồi thi ở Đà Nẵng.

II. ĐẠP: Chịu đựng dốc đứng

Mình dành 7′ trong khu chuyển tiếp để thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết: uống nước, ăn gel, lau khô người, bôi kem chống nắng, đeo kính, đeo băng trán, đội nón bảo hiểm, đeo ống tay, cho điện giải vào túi áo, đeo dây đo nhịp tim. Không cần phải vội vã, phía trước là cả chặng đường dài.

Sau khi đã chắc chắn không bỏ sót món đồ nghề nào, mình tháo xe khỏi kệ và tiến ra khu vực xuất phát phần đạp. Chuyến hành xác bắt đầu từ đây!

Xuất phát đạp xe: tươi cười sung sức. Ảnh: Xuân Đỗ Photo

10km diễn ra khá nhẹ nhàng, phần vì đường bằng phẳng, phần vì mình đã được làm quen trong buổi thử đường sáng hôm qua. Tốc độ trung bình của 5km đầu tiên là 32.2 km/h, 5km tiếp theo là 30.6 km/h và sau đó bắt đầu tụt dần theo các con dốc.

Từ sau đỉnh dốc ở km 11, mình hoàn toàn không biết thử thách nào đang chờ đợi phía trước do hôm qua chỉ đạp tới đỉnh dốc này rồi quay về. Các con dốc sau kéo dài miên man, chỉ biết cúi mặt quay dẻo chân, không dám ngước mặt lên nhìn, Càng nhìn càng thấy nản vì đạp hoài không đến đỉnh dốc.

Địa hình đường dốc Nha Trang khác hẳn so với ở Trị An – Chiến khu D mình tập thử trước ngày thi đấu 2 tuần (chưa có bài viết chia sẻ, viết xong cái Challenge Vietnam này sẽ chia sẻ lại kí sự Trị An – Chiến khu D sau).

  • Trị An: các con dốc đều nhau, cao nhưng ngắn, lên bao nhiêu xuống bấy nhiêu có thể tận dụng tốc độ khi đổ dốc trước để leo đến 70-80% dốc sau.
  • Nha Trang: dốc kéo dài, lên cao nhưng xuống ít, chưa có đà lại phải đối mặt với con dốc tiếp theo. Đến đoạn đổ dốc dài thì lại đến đường bằng, sau đó tiếp tục cắn răng lết lên dốc.

Điểm quay đầu thứ nhất ở km 18, mình đã hoàn thành được lượt leo dốc đầu tiên. Lúc này mình đã có được cái nhìn toàn cảnh về thử thách dốc đứng ở Nha Trang. Tàn bạo và khủng khiếp quá sức tưởng tượng!

Mình hoàn thành 9km đầu tiên (đường bằng) với tốc độ trung bình 31.2 km/h. 9km kế tiếp (lượt leo dốc đầu tiên) tốc độ giảm xuống 28.9 km/h. Từ đó về sau, tốc độ trung bình giảm dần đều qua từng đợt dốc.

Tốc độ giảm dần đều sau mỗi 9km

Dọc theo các đoạn đèo dốc, luôn có hai hình ảnh đối lập nhau: một bên cắm mặt khổ sổ leo dốc nhích từng chút một, bên kia cúi rạp người sung sướng thả dốc như bay. Trong đầu luôn tự an ủi: ráng lên, chịu khổ xíu lát nữa sẽ được sướng!

Ảnh: Xuân Đỗ Photo

Mình tận dụng tối đa sự linh hoạt của bộ tay nghỉ + cốt yên Redshift. Lúc lên dốc, chỉnh cốt yên lùi về sau, ngồi tư thế bình thường cho thoải mái. Các đoạn dổ dốc dài và đường bằng, kéo cốt yên ra phía trước, chuyển sang tư thế aero ôm tay nghỉ. Liên tục kéo ra thụt vô như thế trong hơn 3 tiếng.

Trong khi đó, không biết do yên xe ISM mới chưa quen hay do đạp đường dốc không quen mà mình ê háng chịu không nổi. Mới nửa đoạn đường đã thấy bắt đầu tê tê, sau đó phải vừa đạp vừa cắn răng chịu đau.

Trời càng lúc càng nắng, mình phải liên tục nạp điện giải và năng lượng để duy trì cường độ vận động. Toàn bộ gel và kẹo dẻo dán trên xe lần lượt được tiêu thụ sạch sẽ.

Đến vòng đua cuối cùng, khi đã hết viên muối, mình phải dừng xe tại trạm tiếp nước để lấy viên sủi pha vào bình. Tranh thủ đứng nghỉ ngơi vài phút luôn. Lúc này đùi đã quá đuối, háng đã quá đau, chỉ muốn về đích cất xe thật nhanh để được giải thoát khỏi ma trận đèo dốc.

Ảnh: Bơi Đạp Chạy

9km cuối cùng khi được trở lại đoạn đường dốc, mình mới tăng tốc được trở lại lên 29.8 km/h. Vào tư thế aero, còn bao nhiêu sức bung hết để lao về quảng trường 2/4.

Mình hoàn thành phần đạp xe sau 3:28:12, chậm hơn rất nhiều so với Đà Nẵng. Dĩ nhiên rồi, đường dốc sấp mặt sao đạp nhanh nổi. Mình chủ động đạp giữ chân, không gắng sức nên càng lúc càng chậm.

Về đến khu vực chuyển tiếp cất xe với đôi chân yên ổn, không có bất kỳ dấu hiệu chuột rút nào là một thành công lớn. Chiến thuật đạp xe giữ chân cho phần chạy đã phát huy hiệu quả.

Đồng hồ lúc này đã báo qua mốc 4:30, nghĩa là nếu mình chạy được như hồi ở Đà Nẵng, thành tích khoảng 7 giờ. Tuy nhiên, với cái nắng nóng thiêu đốt hiện tại, hoàn thành 21K trong 2:30 chẳng dễ dàng tí nào.

Thôi thì mặc kệ thời gian, mình cứ thi đấu dựa theo khả năng. Tấm huy chương Challenge Vietnam 2019 chỉ còn cách 21km chạy nữa. Cố lên!

Còn [Phần 3] Chịu đựng nắng cháy, về đích lung linh

Quảng Cáo

Xem tiếp các bài viết trong series: Kí sự Challenge Vietnam 2019

Các bài viết cùng từ khoá Challenge Vietnam

Các bài viết cùng từ khoá Triathlon

Các bài viết cùng từ khoá kí sự chạy giải

Các bài viết cùng từ khoá kí sự thi đấu triathlon

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *