Steve Prefontaine sống một cuộc đời bạc mệnh, nhưng tinh thần của anh là bất tử – đó là nguồn cảm hứng vô tận truyền lại cho các thế hệ người yêu chạy bộ sau này.

Steve Prefontaine

Sinh ra và lớn lên ở Coos Bay, bang Oregon, ngay từ nhỏ Steve Prefontaine đã bộc lộ năng khiếu chạy bẩm sinh. Với bản tính hiếu động, Steve ban đầu hứng thú với các môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng chày, bóng rổ. Tuy nhiên, vì thể hình thấp bé cộng với việc bị thụt chân, Steve bị các huấn luyện viên nhận xét không phù hợp.

Đến năm 15 tuổi, nhận ra mình có khả năng chạy bỏ xa đa số bạn bè, Steve chuyển hướng sang điền kinh. Ở năm đầu trung học, anh về đích thứ 53 trong cuộc đua toàn bang Oregon – một thành tích không hề tệ cho người mới tập như Steve nhưng cũng chẳng ai nghĩ đó là bước đệm cho một huyền thoại sau này.

Quảng Cáo

Anh tăng cường độ tập luyện trong kì nghỉ đông, rồi liên tục tranh tài trong các giải xuân nhằm cải thiện kỹ năng chạy. Đến mùa hè, anh tập trung nâng cao cự ly chạy và đến mùa thu năm học thứ hai, Steve leo lên vị trí thứ 6, cải thiện 47 bậc.

Tuy nhiên vậy là chưa đủ thoả mãn với anh. Với khát khao chiến thắng chảy bỏng, Prefontain trở nên ám ảnh bởi thành tích, anh đã tập luyện quá sức trong kì nghỉ đông để rồi nhận lấy thất bại trong mùa kế tiếp.

Trong những năm cuối cấp, Steve dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Kết quả hoàn toàn xứng đáng khi anh giành chiến thắng trong tất cả những cuộc thi tham gia và về đích đầu tiên trong cuộc chạy của bang Oregon. Sau đó, anh còn chiến thắng thêm một lần nữa đồng thời phá kỉ lục quốc gia dành cho lứa tuổi trung học với thành tích hai dặm trong 8:41 giây (pace 2:42s/km).

Bill Bowerman - Pre
Bill Bowerman hướng dẫn Prefontaine

Thành tích này đã thu hút sự chú ý của huấn luyện viên huyền thoại của Đại học Oregon khi đó, Bill Bowerman. Ông là người tiên phong trong việc cách tân môn chạy bộ, và cũng là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong cơn sốt chạy bộ trên toàn nước Mỹ trong thập niên 60-70.

Thật khó có thể tin rằng vào thập niên 60, không có ai chạy bộ vì đam mê hay vì sức khoẻ. Không có các cửa hàng giày khắp nơi để bạn dễ dàng mua sắm, không có đường chạy, không có các cuộc đua 5K từ thiện nào cả. Thậm chí bạn sẽ bị cho là có vấn đề tâm thần nếu ra đường chạy trong mùa đông, một việc hoàn toàn bình thường hiện nay.

Tất cả những định kiến đó thay đổi vào năm 1962 khi Bowerman du nhập phong trào chạy bộ vì sức khoẻ vào Mỹ, lấy cảm hứng từ một câu lạc bộ ở New Zealand sau một chuyến công tác. Năm 1966, ông đồng xuất bản sách “Chạy bộ” (Tên tiếng Anh: Jogging) với một chuyên gia tim mạch, và quyển sách đã được bán ra hàng triệu bản. Bowerman cũng đã bắt tay với Phil Knight cùng phát triển thị trường giày chạy và từ đó đã trở thành đồng sáng lập của một công ty giày nhỏ mà giờ đây trở thành gã khổng lồ trong làng thể thao, Nike.

Ở Đại học Oregon, Bowerman đã đưa đội tuyển trường đến ba chức vô địch điền kinh NCAA trước khi Prefontaine gia nhập vào năm 1969. Tài năng của Prefontaine là không cần bàn cãi nhưng thách thức lớn đặt ra cho Bowerman và trợ lý Bill Dellinger là làm sao kềm cặp chàng trai 19 tuổi đầy nhiệt huyết này.

Steve luôn đẩy mình đến giới hạn cao nhất, tập luyện quá sức, không biết kiểm soát tốc độ dành sức để nước rút về đích. Anh dành hết thời gian để chạy, bất cứ khi nào có thể.

Người ta sáng tạo với thơ văn, âm nhạc hoặc tranh ảnh. Còn tôi thích tạo nên cái gì đó tươi đẹp khi tôi chạy. Tôi muốn người ta phải đứng lại và thốt lên ‘Tôi chưa thấy ai chạy như thế bao giờ’. Nó không chỉ là một cuộc thi, đó chính là phong cách của tôi.

Phong cách đó đã nhanh chóng đưa danh tiếng của Steve vươn xa, và người hâm mộ nhanh chóng tìm đến Hayward Field, bang Oregon để xem anh thi đấu. Trong suốt sự nghiệp đại học của mình, Prefontaine hầu như bất khả chiến bại, chưa bao giờ vắng mặt trong cuộc đua cự ly trên một dặm nào, vô địch 3 lần giải NCAA Cross Country, 4 lần liên tiếp vô địch giải NCAA Track & Field. Năm duy nhất mà anh mất danh hiệu xuyên quốc gia là vào năm 1972, khi phải chuẩn bị tranh tài ở Thế Vận Hội Munich.

Thế vận hội tuy nhiên lại là sự thất vọng lớn nhất và duy nhất trong sự nghiệp của anh. Dẫn đầu 5.000 mét sau những dặm đầu tiên, Steve bị Lasse Viren (Phần Lan) qua mặt và sau đó trong nỗ lực cuối cùng để bắt kịp Viren, anh đã bị phá sức để sau đó chỉ về đích thứ tư. Steve đã có thể về nhì nếu không cố gắng để vươn lên dẫn đầu, nhưng đó không phải là phong cách của anh. Phải là Huy chương vàng, thua cuộc là vô nghĩa …

Đến năm 24 tuổi, anh nắm giữ kỷ lục quốc gia của Mỹ trong cả 8 cự ly từ 2.000 đến 10.000 mét. Anh là ngôi sao nổi bật nhất của làng điền kinh quốc gia, nhưng cuộc sống của anh ở quê nhà thì hoàn toàn trái ngược. Trong những năm 1970, quy định tham gia Olympic chỉ dành cho vận động viên nghiệp dư, vì thế Prefontain chỉ có thể kiếm được không quá $3 cho một ngày chạy. Anh làm việc bán thời gian tại một quán bar và sống trong một xe móc khi tập huấn cho Thế vận hội Montreal năm 1976.

Tuy nhiên, giấc mơ Vàng mãi mãi không bao giờ thành sự thật với anh. Ngày 30 tháng 5 năm 1975, khi đang về nhà từ một bữa tiệc gần khuôn viên trường Đại học Oregon, một vụ va chạm với xe khác khiến xe Steve lật úp, Steve bị thương và mắc kẹt bên trong dẫn đến tử vong. Kiểm tra cho thấy độ cồn trong máu của anh đã vượt quá giới hạn cho phép tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Ngày nay, người hâm mộ vẫn đến hiện trường vụ tai nạn, để lại giày, huy chương cùng những lời viếng tại nơi mà Steve đã ra đi, mà bây giờ được gọi là Công viên Tưởng niệm Prefontaine. Đã có hai bộ phim đã được dựng về cuộc đời ngắn ngủi của anh (Without Limits (1998)Prefontained (1997)), và ở quê nhà Coos Bay, hàng năm đều tổ chức 1 giải chạy 10K để tưởng nhớ anh. Dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của, Nike phát sóng một quảng cáo mặc niệm để vinh danh anh, người đã góp công rất lớn để đưa chạy bộ vào ý thức dân tộc. Và ông vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của cộng đồng chạy bộ.

Alberto Salazar, người từng giữ kỷ lục quốc gia Mỹ ở cự ly 5.000, 10.000 mét và ba lần giành chiến thắng giải Marathon New York, cảm tưởng rằng

Pre đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ những vận động viên Mỹ sức mạnh để vượt lên chính mình. Anh đã biến chạy bộ thành một nghệ thuật. Anh đã tạo ra phong cách khổ luyện mới với ý chí kiên cường để theo đuổi ước mơ.

Alberto Salazar

Tham khảo: Legacy.com

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá Nhân Vật

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *