Từ sau giải Techcombank HCMC International Marathon 2019, mình rơi vào tình trạng lười biếng cao độ. Lười vận động, lười chạy bộ, nên lười viết blog luôn. Giới giang hồ gọi đây là hội chứng trầm cảm Runner’s Blues, thường xuyên xảy ra sau khi hoàn thành Marathon hoặc sau khi gặp biến cố nào đó trong cuộc sống.

Tìm hiểu hội chứng trầm cảm Runner's Blues và cách “chữa bệnh” - runners blues chan chay

Bài viết này sẽ giải thích rõ hơn về Runner’s Blues mà chắc chắn không ít bạn đang mắc phải và cách vượt qua nó để quay lại con đường “chính đạo”. Nó còn là cách giúp mình tự lôi bản thân ra khỏi vũng lầy, vừa nạp lại động lực tập luyện chuẩn bị cho Vietnam Trail Marathon 2020, vừa giúp tránh blog rơi vào trạng thái đóng băng trong 2 tuần vừa qua.

Quảng Cáo

I. Runner’s Blues là gì?

Runner’s Blues dịch ra tiếng Việt là “nỗi buồn của dân chạy”, hay đơn giản dễ hiểu là “chán chạy”, là một dạng sang chấn tâm lý khi bạn bỗng nhiên mất đi động lực chạy bộ, thiếu sự tập trung cần thiết để tiếp tục với giáo án tập luyện. Từ Blues (số nhiều – có s ở cuối) ở đây nghĩa là chán nản, ảm đạm, không phải là từ màu xanh như mọi người lầm tưởng (Blue – không có s).

Hội chứng này thường gặp nhất với những vận động viên vừa hoàn thành giải chạy Marathon hoặc Ultra-Marathon: sự lười biếng bao trùm toàn cơ thể, thiếu động lực để bắt đầu tập luyện cho giải chạy kế tiếp.

Ngoài ra, Runner’s Blues còn có thể ập đến vì những biến cố trong cuộc sống: áp lực công việc, gia đình, con cái, bạn bè. Hoặc đôi khi lại chẳng vì lý do gì, chỉ là tự nhiên bạn thấy chán chạy bộ.

II. Diễn biến “bệnh”

Bạn dành nhiều tháng tập luyện chăm chỉ cho một giải đấu lớn – thường là Marathon, với khát khao lập kỉ lục cá nhân mới trên đường chạy. Khoảnh khắc về đích mang lại sự sung sướng và tự hào tột cùng khi bạn đã đạt được mục tiêu mơ ước sau nhiều gian nan nỗ lực.

Nhưng sau đó trong nhiều tuần liên tiếp, bạn rời vào tình trạng lười biếng cao độ, mất hết hứng thú xỏ giày ra đường chạy. Bỗng nhiên bạn cảm thấy không còn thiết tha với chạy bộ nữa.

Việc tập luyện, ăn ngủ theo chế độ trong nhiều tháng qua đã trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Bạn thậm chí hi sinh nhiều cuộc nhậu, tiệc tùng để không bị ảnh hưởng đến bài tập chạy sáng hôm sau. Giờ đã qua giải chạy, bạn tự nhiên cảm thấy hụt hẫng, trống vắng.

Bên cạnh đó, bạn luôn muốn được xõa: tự do thỏa thích ăn uống, nhậu nhẹt, tiệc tùng bù lại cho khoảng thời gian “khổ ải” trước đó. Không cần phải đối phó với đồng hồ báo thức, cày ải hàng giờ dưới nắng.

Tất cả kết hợp lại gây ra hội chứng “Runner’s Blues” khiến bạn ngày càng sa lầy. Nếu không có cách “điều trị” hiệu quả và tức thời, sẽ rất khó để bạn quay lại đúng quỹ đạo, hay tệ hơn là trở thành người ngoài cuộc (bỏ chạy bộ).

Các triệu chứng bệnh:

  • Cảm thấy lạc lối, chán nản, không chỉ trong chạy bộ mà còn trong cuộc sống
  • Tụt hứng, không còn động lực chạy bộ.
  • Lười biếng đặt ra mục tiêu tập luyện kế tiếp.
  • Buồn bã, thất vọng với bản thân, ngay cả khi đã đạt được PR trong giải chạy.

III. Cách “chữa bệnh”

Đừng hốt hoảng nếu bạn nhìn thấy chính mình trong diễn biến bệnh vừa mới được kể ở phần trên trên. Mình cũng đang gặp khủng hoảng tương tự và hàng ngàn runner khác trên toàn thế giới cũng vậy sau các giải Marathon.

Runner’s Blues chỉ là một dạng chấn thương về tâm lý. Bạn chỉ cần vài liều thuốc tinh thần là có thể chữa lành bệnh ngay. Dưới đây là những giải pháp bạn có thể áp dụng cho bản thân.

1. Đăng ký giải chạy mới

Hãy đăng ký tham gia cho một giải chạy mới trong khi đang tập luyện cho giải hiện tại hoặc ngay sau khi hoàn thành giải chạy. Nó sẽ cầu nối giúp bạn không bị đứt nhịp động lực, nhanh chóng vượt qua khoảng thời gian chán nản sau khi hoàn thành giải chạy trước đó.

Nếu bạn chọn chiến thuật giải chồng giải này, nhớ chú ý canh thời gian hồi phục hợp lý giữa hai giải chạy để tránh bị quá tải, chấn thương.

2. Tìm thử thách mới

Không nhất thiết phải lao vào giáo án tập luyện để thoát khỏi tình trạng “Runner’s Blue”, bạn có thể tìm thử thách mới để khuấy động tinh thần: tham gia giải chạy địa hình, một chuyến nghỉ dưỡng kết hợp chạy bộ, hoặc một lớp yoga nghỉ dưỡng. Nó vừa là cách giúp bạn có thời gian hồi phục sau giải chạy lớn vừa giúp duy trì thói quen vận động.

Bản thân mình sẽ tham gia thử thách Vietnam Trail Marathon 2020, diễn sau đúng 1 tháng sau khi hoàn thành cự ly Marathon ở HCMC International Marathon. Mình xem đây là giải chạy nghỉ dưỡng, kết hợp leo núi, ngắm hoa, lấy tinh thần chuẩn bị bước vào giáo án IRONMAN 70.3 chuẩn bị cho giải ba môn phối hợp ở Đà Nẵng vào tháng 5/2020.

3. Tìm bạn chém gió hoặc viết blog

Nếu bạn đang rơi vào tình trạng “chán chạy”, đừng giữ nó trong lòng. Hãy dành thời gian ặp gỡ chiến hữu, bạn bè để tâm sự, chém gió. Nếu gặp được nhóm bạn chạy bộ thì càng tuyệt vời, vừa nhậu vừa cá độ thành tích cho giải chạy kế tiếp sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm lại hứng khởi tập luyện.

Bạn còn có thể viết blog (giống như mình đang viết bài này) để xả hết ưu tư chán nản lên những trang giấy / trang web. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái hơn, dễ dàng tìm lại cảm hứng xỏ giày ra đường.

4. Cố gắng xỏ giày ra đường

Nhốt mình trong nhà hay lẩn trốn trong chăn chỉ khiến tình trạng “bệnh” của bạn ngày càng thêm khó chữa. Hãy cố gắng xỏ giày bước ra khỏi cửa trong vòng 3-7 ngày sau khi hoàn thành giải chạy.

Không khí ngoài trời (mặc dù ô nhiễm) và trời xanh mây trắng (mặc dù hiện tại đang xám xịt) sẽ giúp cải thiện tâm trạng của bạn rõ rệt. Bạn sẽ nhận được thêm nhiều năng lượng tích cực từ những người xung quanh.

Chỉ cần những buổi chạy ngắn khoảng 30 phút hay đi bộ chậm, bạn sẽ nhanh chóng tìm lại năng lượng vốn có của mình trước đó.

5. Tổng kết thành quả sau giải

Thói quen của mình sau mỗi giải chạy là ngồi lại viết bài kí sự thi đấu và tổng kết quá trình tập luyện. Từ đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm đáng giá cho các giải chạy sau:

  • Những gì mình làm tốt? Sẽ tiếp tục áp dụng được những lần sau.
  • Những sai lầm mình đã gặp phải? Sẽ tìm cách khắc phục.
Tìm hiểu hội chứng trầm cảm Runner's Blues và cách “chữa bệnh” - Viet blog chia se dam me
Viết blog để nạp thêm cảm hứng

Trong khi viết bài, bản thân mình tự động được nạp lại cảm hứng để tiếp tục xỏ giày ra đường chạy, chuẩn bị cho những thử thách kế tiếp. Bạn có thể thực hiện công việc tương tự bằng cách viết blog, viết nhật ký trong sổ hoặc viết trên Facebook,…

6. Tập các môn bổ trợ cross-train

Việc tập luyện cho Marathon có thể sẽ khiến bạn từ bỏ các môn thể thao yêu thích để dành toàn tâm cho chạy bộ. Hãy tận dụng khoảng thời gian sau giải chạy để quay lại với môn thể thao yêu thích của bạn (tennis, đá banh, bơi lội, đạp xe,…) Việc này vừa giúp cải thiện tâm trạng chán nản của bạn vừa giúp các cân bằng lại sức mạnh những vùng cơ bắp bị bỏ quên trong thời gian tập chạy.

Tìm hiểu hội chứng trầm cảm Runner's Blues và cách “chữa bệnh” - Ho boi Tan Son Nhat 02

Việc tập luyện các môn thể thao bổ trợ không những giúp bạn tìm lại cảm hứng chạy bộ mà còn giúp bạn chuẩn bị thể trạng tốt hơn, giúp bạn chạy nhanh hơn, khỏe hơn sau đó.

7. Sắm đồ nghề mới

Đôi khi liều thuốc tinh thần đơn giản nhất là đi mua sắm đồ nghề mới: giày chạy, quần áo, phụ kiện,… Một đôi giày chạy mới toanh chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy hứng khởi hơn, muốn xỏ giày ra đường càng sớm càng tốt để trải nghiệm.

Tìm hiểu hội chứng trầm cảm Runner's Blues và cách “chữa bệnh” - nike zoom series 2019
Sắm giày mới là cách dễ dàng (nhưng tốn kém) nhất để có thêm động lực chạy

Đừng quên ủng hộ shop YCB của mình. Bạn mua được đồ đẹp sẽ có động lực chạy, mình bạn được hàng cũng thấy vui và cũng sẽ có thêm động lực viết bài. Tất cả đều vui! 🙂

8. Tham gia nhóm chạy

Cảm thấy quả lẻ loi để xỏ giày ra đường chạy 1 mình trong giai đoạn khó khăn này? Hãy tham gia nhóm chạy để có thêm động lực tập luyện. Bạn sẽ nhanh chóng vượt qua “Runner’s Blue” để tìm lại chính mình. Hoặc bạn cũng có thể rủ bạn bè, vợ / chồng tham gia cùng mình để mọi người cùng nhau tiến bộ.

IV. Lời kết

Dù cho bạn chọn liều thuốc nào để chữa bệnh “Runner’s Blue”, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chính bản thân bạn. Nếu bạn không chủ động vượt qua, sẽ không ai có thể giúp được bạn cả.

Bản thân mình đã kết hợp vô số liều thuốc kể trên để luôn sống sót qua các đợt Runner’s Blues sau mỗi giải chạy. Các phương pháp mình đã áp dụng sau giải HCMC International Marathon 2019 vừa qua

  • Xỏ giày ra đường chạy nhẹ nhàng 3-5km trong vòng 4 ngày sau khi hoàn thành Marathon và duy trì 2-3 buổi chạy trong tuần.
  • Tự thưởng cho bản thân 1 chuyến du lịch Nha Trang đúng 1 tuần sau giải chạy để thư giãn hồi phục. Xem chia sẻ bên blog Ba Lô Dép Lào
  • Sắm giày mới: Nike Zoom Turbo 2, sẽ có bài chia sẻ trong thời gian tới.

Mình đã chính thức thoát khỏi Runner’s Blues sau buổi chạy 10km hôm chủ nhật, lấy lại tâm thế chuẩn bị cho Vietnam Trail Marathon 2020 sẽ diễn ra vào ngày 11/01/2020.

https://www.instagram.com/p/B6VDarjpN8f/

Vẫn còn nhiều bài viết đang còn nợ: Kí sự Laan Ultra Trail 2019, Kí sự Núi Dinh Challenge, Kí sự Techcombank HCMC Interantionla Marathon 2019. Tất cả sẽ được chia sẻ ngay trong thời gian tới. Mọi người nhớ quay lại đón xem nhé.

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá chán chạy

Các bài viết cùng từ khoá runner's blues

Similar Posts

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments