Sau một loạt bài viết về xe đạp và đạp xe, bài viết hôm nay sẽ mang các bạn quay lại chủ đề chính của blog: chạy bộ và giày chạy bộ. Lần này mình sẽ giới thiệu về đôi giày mới đã hứa hẹn từ lần chia sẻ đôi Nike Vaporfly 4% Flyknit cách đây 2 tháng: Nike Zoom Pegasus Turbo.
Thật ra đây là giày mình mượn của người bạn đồng nghiệp cũ. Do đó hình ảnh sẽ có phần dơ dơ xấu xấu, không thể lung linh như giày mới bung hộp được.
Mình mượn đôi Pegasus Turbo này về trải nghiệm thử 2 tuần xem có phù hợp không rồi mới quyết định đặt mua. Tranh thủ chụp hình giới thiệu cùng mọi người luôn. Còn mình có mua đôi này hay không đợi đến phần kết bài nhé.
[extoc]I. Giới thiệu Nike Zoom Pegasus Turbo
Nike Zoom Pegasus Turbo được Nike xếp vào phân khúc giày tập luyện hàng ngày. Nhìn qua tên gọi có thể thấy được nó là bản cao cấp của đôi Pegasus 35: được gắn thêm tên Turbo – Tăng Tốc.
Pegasus Turbo có thể được xem là phiên bản lai giữa Pegasus 35 và Vaporfly 4%. Thân giày được lấy từ Pegasus 35, còn phần đế được sử dụng cùng công nghệ ZoomX với Vaporfly 4%. Tuy nhiên, nó không được trang bị phần dĩa đệm Carbon-fiber như các đôi giày thuộc phân khúc thi đấu: Zoom Fly Flyknit & Vaporfly 4%.
Dưới đây là bảng so sánh chi tiết giữa các đôi giày chạy bộ nóng nhất của Nike thời điểm hiện tại để các bạn dễ tham khảo
Tên giày | Thân giày | Đế giữa | Dĩa Carbon-fiber | Giá |
---|---|---|---|---|
Nike Vaporfly 4% Elite | Flyknit | ZoomX | Có | Không có bán |
Nike Vaporfly 4% Flyknit (2018) | Flyknit | ZoomX | Có | $250 - Cháy hàng |
Nike Vaporfly 4% (2017) | Flymesh | ZoomX | Có | $250 - Cháy hàng |
Nike Zoom Fly Flyknit (2018) | Flyknit | Nike React | Có | $160 |
Nike Zoom Fly (2017) | Flymesh | Lunarlon | Có | $150 |
Nike Epic React | Flyknit | Nike React | Không | $150 |
Nike Pegasus Turbo | Flymesh + Flywire | ZoomX | Không | $180 |
Nike Air Zoom Pegasus 35 | Flymesh + Flywire | Zoom Air | Không | $120 |
Nike Pegasus 35, Nike Epic React, Vaporfly 4% đã được chia sẻ trên blog. Các bạn nào chưa đọc có thể tham khảo
- Nike Air Zoom Pegasus 35 có gì mới?
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 2] Càng chạy càng mê
- Trên chân Nike Vaporfly 4% Flyknit – Êm chân quá đã!
Tiếp theo sẽ là chi tiết về Nike Zoom Pegasus Turbo.
II. Ngoại hình – Công nghệ
Thoạt nhìn, Pegasus Turbo có ngoại hình gần như tương tự Pegasus 35. Dĩ nhiên, hai thằng là anh em một nhà mà!
Thiết kế của Pegasus Turbo có phần gọn gàng và thanh thoát hơn. Ấn tượng nhất là logo Swoosh rất lớn ở má ngoài của giày, toát lên vẻ hấp dẫn và cao cấp hơn hẳn so với các đôi giày ở phân khúc thấp.
1. Thân giày Flymesh
Thân giày Pegasus Turbo được sử dụng chất liệu Mesh mỏng và thoáng hơn so với Pegasus 35. Có thể thấy rõ các dây Flywire nằm xen giữa lớp Mesh bên ngoài và lớp lót Lining bên trong giày.
Phần giữa thân giày được trang bị thêm 1 dải băng đen từ mũi đến lưỡi gà. Mục đích có lẽ chỉ để trang trí cho lạ mắt, chứ không có giúp tối ưu công năng gì cả.
Logo Nike Swoosh ở má ngoài nổi bật với kích thước lớn. Thiết kế logo tràn từ thân xuống đế giày cùng cách phối màu sơn của đế giữa tạo cảm giác liền mạch giữa thân và đế, tạo thành một khối thống nhất. Vaporfly 4% Flyknit ra đời sau được khoác lên mình thiết kế tương tự. Nhìn rất ấn tượng!
Pegasus Turbo Vaporfly 4% Flyknit
Tương tự như Pegasus 35, Pegasus Turbo có thiết kế lưỡi gà may dính vào 2 bên thân giày. Do đó các bạn cần chú ý khi đặt mua đôi này, coi chừng chân mập nhét vô không thoải mái. Đôi giày mình mượn size 9.5US, mình mang không gặp vấn đề nào cả (mình thường mang size 9US).
2. Đế giữa Nike ZoomX
Tính đến thời điểm hiện tại, Pegasus Turbo là đôi giày duy nhất ngoài nhóm Vaporfly 4% (4% Flyprint, 4% Elite, 4% Flyknit) được trang bị công nghệ đế Nike ZoomX – nhẹ hơn, đàn hồi hơn bất cứ công nghệ đế nào trước đây của Nike.
Nếu chú ý kỹ, bạn sẽ thấy phần đế ZoomX được tạo nên từ 2 lớp foam khác nhau: phần trên tiếp xúc với lòng bàn chân, phần dưới tiếp giáp với đế cao su.
Phần gót giày tiếp tục được bo nhọn ra phía sau nhằm tối ưu khí động học khi chạy. Thiết kế này được ra mắt lần đầu trên đôi Vaporfly Elite năm 2017 và lần lượt được áp dụng trên các đôi giày thuộc dòng Zoom Series: Pegasus 35, Zoom Fly, Pegasus Turbo, Zoom Fly Flyknit, Vaporfly 4% Flyknit và mới nhất là Nike Vomero 14.
Tuy nhiên cần chú ý rằng Pegasus Turbo không được trang bị dĩa đệm Carbon bên trong đế giữa như anh em Vaporfly 4%.
Liệu trải nghiệm có gì khác biệt khi thiếu vắng lớp đệm Carbon này? Đọc tiếp đến phần Trải nghiệm thực tế bên dưới nhé.
3. Đế giày tinh gọn
Đế ngoài được thiết kế với các khối ngũ giác nhỏ liền kề nhau. Phần đế cao su được cắt giảm rõ rệt so với đôi Pegasus 35: phủ ở gót, mũi và 1 vòng xung quanh đế. Phần giữa bàn chân là lớp đế giữa ZoomX tiếp xúc trực tiếp với mặt đất
Lớp đế cao su khá dày và chắc chắn, không phải kiểu mỏng dính như trên Vaporfly 4%. Bạn có thể yên tâm sử dụng trong thời gian dài.
3. Nhẹ ấn tượng
Mặc cho ngoại hình hầm hố, Nike Pegasus Turbo có khối lượng ấn tượng. Dĩ nhiên không thể sánh với Vaporfly 4% Flyknit về độ nhẹ. Nhưng mình khá bất ngờ khi nó nhẹ hơn cả đôi Epic React.
Vaporfly 4% Flyknit Pegasus Turbo Epic React Pegasus 35
So với Pegasus 35, Pegasus Turbo nhẹ hơn đến gần 100 gram / đôi. Đây là khác biệt rất đáng kể và có thể cảm nhận ngay khi mang trên chân.
Dưới đây là thứ tự cân nặng của 4 em (tính theo đôi, size 9.5US) cùng giá bán ($) để các bạn tham khảo về sự tỉ lệ giữa cân nặng và giá thành
- Vaporfly 4% Flyknit: 410gram – $250
- Pegasus Turbo: 470gram – $180
- Epic React: 500gram – $150
- Pegasus 35: 560gram – $120
Bạn thích giày nhẹ? Hãy chuẩn bị sẵn hầu bao vì giày càng nhẹ giá càng trên trời!
III. Trải nghiệm thực tế
Mình được bạn cho mượn 2 tuần nên có đủ thời gian chạy thử trải nghiệm ngoài đường. Không còn phải chạy trong nhà như đôi Vaporfly 4% lần trước.
Cảm giác đầu tiên khi mới xỏ chân vào giày là sự thoải mái dễ chịu. Thân giày Flymesh kết hợp với Flywire ôm gọn hai bàn chân, không gây bất kỳ sự khó chịu nào.
Nó không ôm sát như Epic React mà ôm ở mức độ vừa phải, không lỏng lẻo, không quá chặt. Cảm giác tương tự như khi mang Pegasus 35.
Bên dưới bàn chân, lớp đế ZoomX mang đến sự mềm mại đúng như quảng cáo. Tuy nhiên cảm giác hoàn toàn khác xa so với Vaporfly 4% Flyknit.
Pegasus Turbo vs. Vaporfly 4% Flyknit
Đầu tiên, đế ZoomX của Pegasus Turbo mỏng hơn so với Vaporfly 4% Flyknit (Vaporfly: 31mm – 21mm vs. Pegasus Turbo: 28mm – 18mm) nên so về độ êm có thể biết ngay ai là người chiến thắng.
Khi mang Vaporfly 4% Flyknit có thể cảm nhận rõ độ dốc giữa mũi và gót. Dĩa đệm Carbon-fiber có vai trò như một lò xo nẩy, mang đến cảm giác chân luôn muốn hướng về phía trước trong từng bước chạy.
Đáng tiếc, trải nghiệm đặc biệt đó không tồn tại trên Turbo. Lý do? Vì nó không được trang bị dĩa đệm Carbon-fiber như Vaporfly.
Rõ ràng dĩa đệm Carbon-fiber là nhân tố quan trọng mang đến độ bật nẩy tuyệt vời và trải nghiệm khác lạ trên Vaporfly 4%. Mình đang tò mò không biết đôi Nike Zoom Fly Flyknit kết hợp đế React và dĩa đệm Carbon-fiber sẽ mang đến trải nghiệm ra sao? Chắc mình phải kiếm mượn bạn để thử tiếp, giày mới nào cũng mua chắc vợ chém chết!
Một ưu điểm của Turbo so với Vaporfly là diện tích của đế giày. Đế của Turbo rộng bề ngang hơn, mang dến sự vững chắc khi mang trên chân. Trên Vaporfly, bàn chân của mình bị thừa ra 2 bên đế do phần đế giữa quá hẹp.
Điểm mình thích nhất khi chạy với Pegasus Turbo là cảm giác thấp gần mặt đất, y hệt như các đôi Pegasus 32, 33 mình sử dụng trước đây. Mình thích các đôi giày đế thấp vì nó giúp mình cảm nhận rõ hơn chuyển động bàn chân khi tiếp đất.
Mọi sự so sánh Turbo và Vaporfly đều là khập khiễng khi hai đôi giày hướng đến hai mục đích khác nhau: 1 để đua, 1 để tập. Và giá chênh lệch nhau đến $70 (bằng giá của một đôi giày chạy tầm trung) càng khiến sự so sánh chẳng còn mấy ý nghĩa.
Pegasus Turbo vs. Epic React
Đễ dễ so sánh Turbo vs Epic React, mình chạy thử 5K với mỗi chân mang một chiếc. Chênh lệch 30 gram giữa 2 chiếc giày (Turbo nhẹ hơn) gần như không đáng kể. Mình hoàn toàn không nhận ra sự khác biệt biệt về độ nặng nhẹ.
Cả hai chiếc giày cùng size US9.5, Epic React ôm chắc chân hơn so với Pegasus Turbo. Thân giày Flyknit của React rõ ràng phát huy thế mạnh so với Flymesh trên Turbo.
Những bước đầu tiên cho thấy Epic React êm và nịnh chân hơn hẳn so với Turbo. Mình cảm nhận rõ bên chân trái mang React như đang bước trên 1 lớp đệm dày, bên chân Turbo cảm thấy mỏng và thấp, sát mặt đất hơn.
Khi chạy ở tốc độ rua (pace 6-7) mình cảm thấy thích Epic React hơn, nó êm chân mềm mại hơn mỗi khi tiếp đất. Còn Turbo cảm giác hơi thô cứng, không sướng chân.
Đến khi chuyển sang chạy nhanh (pace 4-5), Turbo mới thể hiện ưu thế so với React. Phần đế của Turbo bật nhanh hơn hẳn so với React mỗi khi tiếp đất và chuyển bước. Cảm giác bên chân React như đang muốn níu kéo bên chân Turbo còn lại đang muốn tăng tốc thật nhanh.
Bản thân mình đa số toàn chạy pace rùa (6-7) nên Epic React phù hợp hơn so với Turbo. Turbo được mình bổ sung vào đội để dành cho các bài Tempo, Interval vào năm sau. Turbo cũng là sự lựa chọn tốt hơn khi đi chạy giải so với React.
IV. Lời kết
Nike Zoom Pegasus Turbo là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho các bạn đang kiếm một đôi giày chất lượng để tập luyện lẫn thi đấu. Chênh lệch $60 so với phiên bản thường Pegasus 35 theo mình là hoàn toàn xứng đáng với công nghệ, ngoại hình và khối lượng của giày.
Sau khi trả lại giày cho anh bạn hồi cuối tháng 11, mình đã quyết định phải sắm em này để song tấu cùng Epic React. Sau 3 tuần chờ đợi, cuối cùng Pegasus Turbo đã nhập hội, sẵn sàng chiến đấu trong năm 2019.
Trong tuần sau mình sẽ mang ra so sánh với Epic React, cập nhật phần bài viết còn dang dở phía trên. Các bạn nhớ quay lại xem nhé.
Xem lại toàn bộ hình ảnh Nike Pegasus Turbo bên dưới.
Các bài viết cùng từ khoá Pegasus
- Chạy thử giày mới – Nike Air Zoom Pegasus 32, lập luôn PR 5K mới
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Đánh giá Nike Air Zoom Pegasus 32 – Yêu từ lần chạy đầu tiên
- Đánh giá Nike Zoom Pegasus Turbo – Bật nhẹ lả lướt
- Nike Air Zoom Pegasus 35 có gì mới?
Các bài viết cùng từ khoá Pegasus 35
Các bài viết cùng từ khoá Pegasus Turbo
- Đánh giá Nike Zoom Pegasus Turbo – Bật nhẹ lả lướt
- Tìm hiểu bộ sưu tập giày Nike Zoom Series 2019 – Nên chọn giày nào?
Các bài viết cùng từ khoá ZoomX
- Đánh giá Nike Zoom Pegasus Turbo – Bật nhẹ lả lướt
- Tìm hiểu bộ sưu tập giày Nike Zoom Series 2019 – Nên chọn giày nào?
- Trên chân Nike Vaporfly NEXT% – Êm hơn, nhẹ hơn, thoải mái hơn
Các bài viết cùng từ khoá nike
- [Giveaway] Voucher giảm giá của Nike Việt Nam
- Chạy thử giày mới – Nike Air Zoom Pegasus 32, lập luôn PR 5K mới
- Chia sẻ cảm nhận cá nhân sau hai năm chạy cùng Nike Flyknit (kèm theo Hỏi – Đáp)
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Chiêm ngưỡng hình ảnh Nike Flyknit Lunar 3 sắp được ra mắt vào tháng 2/2015
Các bài viết cùng từ khoá Đánh giá giày chạy bộ
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Đánh giá chi tiết Nike Flyknit Lunar 2 – Hoàn hảo cho mọi cự ly
- Đánh giá Nike Air Zoom Pegasus 32 – Yêu từ lần chạy đầu tiên
- Đánh giá Nike Air Zoom Vomero 11 – Êm chân, chắc chắn
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn
E chào anh!
Anh tư vấn giúp em 1 đôi nike dành cho người mới chạy bộ, giá khoảng trên dưới 2 triệu ạ.
E cám ơn anh!
Tầm giá đó chắc kiếm mấy đôi Nike Flex Run nha em.
Xin phép admin đặt cái Link
Anh em ghé cửa hàng mua giày ủng hộ nhé xin cảm ơn
(Spam, đã bị xóa)