Nike Air Zoom Pegasus là dòng giày chạy bộ mình muốn sỡ hữu từ lâu nhưng đến gần đây mới có cơ hội được trải nghiệm. Đó là Nike Air Zoom Pegasus 32 – phiên bản mới nhất vừa mới được ra mắt gần đây.
Cách đây 2 năm khi Pegasus 30 ra mắt, nó đã không thể cạnh tranh lại với Nike Flyknit Lunar 2 khi đó cực kỳ HOT với công nghệ Flyknit thời thượng. Mình đã chọn Lunar 2 và đến giờ có thể khẳng định đó là quyết định mua sắm cực kỳ sáng suốt của mình.
Sau đó một năm, cũng kịch bản tương tự: đứng giữa Pegasus 31 và Nike Flyknit Lunar 3, mình lại tiếp tục chọn một đôi giày Flyknit vì quá ấn tượng với đôi Lunar2 trước đó. Quyết định đó có sáng suốt hay không chắc các bạn nào hay theo dõi Yêu Chạy Bộ cũng biết rồi hen
Đôi Nike Air Zoom Pegasus 32 mình đang sử dụng thực tế là quà tặng từ một người bạn, chứ không phải mình tự bỏ tiền ra mua. Có lẽ nhờ vậy nên mình mới có dịp trải nghiệm cảm giác Pegasus nó ra sao. Chứ nếu tự móc túi ra mua, e là mình lại chọn tiếp một đôi Flyknit khác (Nike LunarGlide 7), và Pegasus lại bị cho ra rìa.
Tính đến nay, Pegasus 32 đã theo chân mình được hơn 2 tháng, chinh chiến qua đủ loại địa hình. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để chia sẻ đánh giá và cảm nhận của mình về đôi giày này. Viết bài sớm quá thì chưa trải nghiệm đầy đủ. Còn đợi chinh chiến thêm nữa chắc lúc đó giày nát luôn rồi.
Như thường lệ của các bài đánh giá giày chạy bộ trên blog, tiết mục đầu tiên được dành để giày khoe dáng. Tiếp theo sẽ là các tiết mục đào bới, mổ xẻ, trên chân và so sánh với các đôi khác.
Tham khảo mục lục các phần bên dưới nha các bạn
1. Ngoại hình Nike Air Zoom Pegasus 32
Đầu tiên hãy cùng ngắm Pegasus 32 từ trước ra sau nhé
Thân giày
So với đàn anh Nike Pegasus 31 ra mắt năm ngoái, Pegasus 32 được nâng cấp với phần thân giày hoàn toàn mới. Toàn bộ thân giày được làm từ miếng Engineered Mesh nguyên khối tạo sự liền mạch cho thân giày.
Đế giày
Trong khi đó phần đế của Pegasus 32 vẫn được giữ nguyên so với phiên bản trước
Phần đến cao su phủ kín toàn bộ diện tích tiếp xúc với mặt đất. Đế được đúc theo dạng waffle, có nhiều gai vuông kéo dài từ mũi đến gót, giúp tăng thêm độ bám cho giày.
Phần đế giữa nổi bật với công nghệ Air Zoom. Chi tiết về công nghệ sẽ được chia sẻ trong phần kế tiếp của bài viết.
Lưỡi gà
Tại sao mình lại quan tâm đến lưỡi gà trong các bài đánh giá giày chạy bộ gần đây? Tham khảo bài viết Những câu chuyện buồn về cái lưỡi gà để hiểu thêm nhé.
Lưỡi gà trên Nike Air Zoom Pagasus 32 được thiết kế theo trào lưu mới: may dính vào hai bên thân giày. Trước đây Nike LunarGlide 6 có thiết kế tương tự đã bị mình tống đi ngay sau một lần chạy vì giày quá chật, không thể mang được.
May mắn là với Pegasus 32, bi kịch đã không xảy ra. Hông giày vẫn đủ rộng rãi cho cái bàn chân to mập bề ngang của mình. Cảm giác mang giày rất thoải mái, không bị bó hay cấn chỗ nào cả.
Lưỡi gà có cấu trúc truyền thống với lớp foam dày đệm bên trong, bảo vệ mu bàn chân khỏi lực tác động của dây giày.
Miếng lót giày
Pegasus 32 sử dụng miếng lót giày tương tự như trên đôi Nike Flyknit Lunar 3. Chỉ khác nhau ở phần logo in trên miếng lót: Pegasus 32 là Responsive còn Lunar 3 là Soft.
Một bên Responsive – một bên Soft: khác nhau ra sao? Chi tiết mình sẽ đề cập trong phần so sánh Pegasus 32 vs. Flyknit Lunar 3 phía dưới.
2. Các công nghệ trên Pegasus 32
Nike Air Zoom Pegasus 32 được trang bị hai công nghệ chính Dynamic Flywire và Air Zoom.
Dynamic Flywire
Điểm đáng chú ý nhất trên đôi Nike Air Zoom Pegasus 32 chính là Dynamic Flywire. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng lên dòng giày chạy bộ Pegasus có lịch sử lâu đời này.
Nike Free đã được trang bị Dynamic Flywire từ năm 2013, còn LunarGlide đã có Flywire từ phiên bản 4 ra mắt năm 2012. Khi mà hầu hết tất cả các giày chạy bộ cao cấp của Nike đều có Flywire thì đến giờ Pegasus mới chính thức được trang bị công nghệ này.
Đây cũng là điều dễ hiểu vì Pegasus là dòng giày chạy bộ mang xu hướng “truyền thống” nhất của Nike. Các công nghệ mới thường chỉ xuất hiện trên Pegasus sau khi đã được thử nghiệm thành công trên các đôi giày khác. Dynamic Flywire dĩ nhiên không nằm ngoài quy luật đó.
Xuất hiện trên Pegasus 32 khá muộn màng nhưng Dynamic Flywire đã ngay lập tức trở thành điểm nhấn đặc biệt nhất trên giày. Toàn bộ phần dây cáp được đưa lộ thiên ra ngoài thân giày thay vì bị che khuất bên trong như trên Nike Flyknit Lunar hay Nike Free 4.0 Flyknit.
Tổng cộng có 6 cặp dây Flyknit ở mỗi bên hông giày. Các cặp dây được kết hợp khá cầu kỳ, đan xen ngang dọc, tạo nên vẻ ngoài rất độc đáo cho Pegasus 32.
Nhờ có thêm Dynamic Flywire, phần hông giày của Pegasus 32 ôm theo bàn chân rất chắc chắn. Ai không quen có thể sẽ cảm thấy hơi tức tức. So sánh với Pegasus 31 (không có Dynamic Flywire) có thể cảm nhận được sự khác biệt nhưng không đáng kể: Pegasus 32 ôm chân, cảm giác chật chội hơn; còn Pegasus 31 ôm vừa phải, thoải mái hơn.
Tuỳ theo sở thích mà bạn nên chọn Pegasus 31 hay 32. Tốt nhất là nên thử trên chân để có được sự lựa chọn tốt nhất. Cả hai đôi hiện đều đang có bán ở BH Sports nhé.
Nhược điểm
Thiết kế Dynamic Flywire độc đáo kiểu này chưa chắc đã hay. Theo mình, đây là nhược điểm lớn nhất của đôi Pegasus 32 này. Thử tưởng tượng bạn phải tháo dây giày ra để đem giày đi vệ sinh xem, cảnh tượng nó sẽ hỗn loạn như dưới đây:
Đống dây Flywire hấp dẫn ban đầu sẽ trở thành một đống dây rối tung, và bạn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để xỏ lại cho đúng. Ai lỡ tháo hết cả hai bên giày thì nên kiếm hình giày trên mạng để đối chiếu nhé.
Công việc xỏ dây sau đó cũng cực kỳ phiền phức khi bạn phải xỏ dây qua lỗ trên thân giày rồi tiếp theo là hai cái lỗ của Flywire. Thử một lần đi, bạn sẽ thấy mất thời gian đến thế nào!
Chia sẻ kinh nghiệm: Để tránh phiền phức, tốt nhất bạn không nên tháo dây giày ra. Cần vệ sinh lưỡi gà thì nới lỏng ra được rồi. Tháo bung dây ra hết sẽ rách việc lắm!
Công nghệ Air Zoom
Nike đặt biệt danh cho công nghệ Air Zoom (hay còn gọi là Zoom Air hay Zoom) là The Technology of Fast (công nghệ của Tốc Độ). Các túi khí Air Zoom có thiết kế “siêu mỏng cánh”, mỏng hơn rất nhiều so với túi khí Air Max truyền thống. Nhờ đó giúp giảm độ mỏng của đế giữa, giảm khối lượng, tạo sự cân bằng tốt hơn cho giày.
Bên trong túi khí Air Zoom được thêm các sợi vải làm bằng vật liệu đặc biệt siêu bền. Lớp sợi này sẽ co lại khi có lực tác động và ngay lập tức bung trở về vị trí ban đầu, tạo nên lực đàn hồi nhanh và mạnh mẽ. Đó là lý do trong bài viết về Nike Flyknit Max, mình đã khuyến cáo không nên mua các đôi giày chạy bộ Air Max, mà nên chọn Air Zoom.
Nike Air Zoom Pegasus 32 được trang bị túi khí Air Zoom ở phần gót, được bao phủ xung quanh bởi công nghệ đế giữa Cushlon. Có thể nhìn thấy rõ vị trí của túi khí và tất cả các công nghệ trên Pegasus 32 trong hình minh hoạ dưới đây.
Các bạn nào chạy tiếp đất bằng gót chân chắc chắn sẽ thích thiết kế túi khí Air Zoom ở phần gót kiểu này. Bản thân mình khi chạy có xu hướng chạy tiếp đất bằng mũi chân nhiều hơn nên chẳng cảm nhận được nhiều từ cái túi khí Air Zoom này cả. Trước đây khi chạy với Nike Zoom Fly có Air Zoom được lắp ở phần mũi giày, có thể cảm nhận được rõ độ phản hồi trong mỗi bước chạy.
Mặc dù không cảm nhận được túi khí Air Zoom dưới gót chân nhưng xét về tổng thể, toàn bộ hệ thống chống sốc của phần đế giữa hoạt động rất mượt mà, êm ái. Air Zoom chắc chắn đóng vai trong khá quan trọng trong bộ máy đó. Cảm giác chạy với Pegasus khác hẳn so với chạy cùng Flyknit Lunar 3. Xem tiếp các phần sau sẽ có chia sẻ chi tiết nhé.
3. Yêu từ lần chạy đầu tiên
Mình đã rất phấn khích khi được sở hữu Nike Air Zoom Pegasus 32 (hàng tặng không tốn tiền mà, dĩ nhiên phải vậy rồi!) nên đã mang em ra trải nghiệm liền ngay ngày hôm sau. Chi tiết của buổi trải nghiệm đó mình đã chia sẻ trong bài viết: Chạy thử Nike Air Zoom Pegasus 32 – Lập luôn PR 5K
Đúng là mình có hơi liều khi mới mang Pegasus lần đầu mà dám chạy ở tốc độ cao. Thực tế là ban đầu mình không có ý định lập PR gì cả nhưng sau vài trăm mét khởi động, cảm thấy như đã thân quen từ lâu. Và sau đó nổi hứng cứ thế tăng tốc. Kết quả nhận được sau đó thật là mỹ mãn.
Ngay sau đó vài ngày, mình lại tiếp tục chơi liều khi dám đem Pegasus 32 đi tham gia giải Hồ Đá Trail Run: Giày mới chạy duy nhất một lần, lại dám đem đi thi đấu chạy địa hình, vốn chưa có kinh nghiệm gì cả. Điếc không sợ súng mà, tới luôn!
May mắn là Pegasus 32 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vượt bùn lội suối lấm lem bùn đất để đem về cho chủ nhân chiếc huy chương quý giá.
Yêu từ lần chạy đầu tiên là vậy đó.
Cảm nhận cá nhân
Trước đây mình đã có dịp mang thử một đôi giày Air Zoom khác – Nike Zoom Fly nhưng không mấy ấn tượng. Vì thế, từ ngày có Free 4.0 Flyknit và sau đó là Lunar 3, Zoom Fly hầu như rất ít khi được mình sử dụng. Đang có ý định giveaway đôi này, không biết có bạn nào quan tâm không nhỉ?
So với Nike Zoom Fly, Pegasus 32 mang lại trải nghiệm ở đẳng cấp cao hơn hẳn. Phần thân giày ôm gọn hơn với sự góp mặt của Dynamic Flywire, còn phần đế mang lại cảm giác mềm mại hơn hẳn cho bàn chân.
Phần đế giày rộng và bẹt ngang cùng với lớp cao su tiếp xúc toàn bộ với mặt đất giúp Pegasus 32 mang lại sự vững chắc hơn hẳn so với các đôi giày Nike Free hay Nike Flyknit Lunar. Chính nhờ vậy mà Pegasus 32, vốn không phải là giày chạy địa hình chuyên nghiệp, nhưng đã giúp mình vượt qua Hồ Đá Trail Run một cách xuất sắc.
Nike Pegasus 32 trở thành cặp bài trùng với Nike Flyknit Lunar 3, được mình luân phiên sử dụng cho các buổi chạy trong giáo án 21K hướng đến chinh phục HCMC Run 2016. Tính đến thời điểm này, Pegasus 32 đã song hành cùng mình hơn 80K, một con số khá ấn tượng chỉ sau 2 tháng sử dụng. Nhìn lại Nike Zoom Fly dùng hơn cả năm nay mà chỉ mới chạy có hơn 130K.
Chắc chắn con số của Zoom Pegasus 32 sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong 2 tháng kế tiếp, giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho HCMC Run 2016 vào tháng 1.
Pegasus 32 đã trở thành đôi giày chạy yêu thích nhất của mình trong thời điểm hiện tại.
4. So sánh với Nike Flyknit Lunar 3
Nếu bạn nào đang thắc mắc tại sao ở phần trước mình gọi Pegasus 32 là đôi giày yêu thích nhất của mình trong thời điểm hiện tại thì phần này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn vì sao.
Ngoài ra, phần này cũng là để đón đầu các câu hỏi như: “Pegasus và Lunar 3 cái nào ngon hơn anh?” hay “Em nên chọn đôi nào anh?” … Vì từ lúc mình mới khoe giày, mình đã nhận được rất nhiều các câu hỏi tương tự. Nhưng mà lúc đó đã mang đâu mà biết trả lời ra sao. Giờ mới có dịp trả lời chi tiết nè
[one-half-first] [/one-half-first] [one-half][/one-half] [clearfix]Xét về ngoại hình, cả hai có kích thước khá tương đồng. Cả hai đôi mình đều mang size 9. Mang thử trên chân sẽ thấy chiếc Lunar 3 ôm chân hơn thấy rõ. Cũng không có gì lạ, đôi nào Flyknit cũng thế.
Nếu chỉ đi bộ qua lại thì gần như không cảm nhận được độ mềm cứng khác nhau dưới lòng bàn chân. Nhưng khi đem đi chạy theo kiểu mỗi chiếc một bên như trong hình, sẽ ngay lập tức thấy rõ sự khác biệt giữa LunarLon (Flyknit Lunar 3) và Cushlon + Air Zoom (Pegasus 32).
Theo cảm nhận của mình (có thể các bạn sẽ cảm nhận khác), đế Cushlon cứng hơn đế Lunarlon. Dùng bàn tay ấn vào hai cái sẽ thấy LunarLon dễ ấn sâu hơn, còn Cushlon thì khó hơn nhiều. Cảm giác khi chạy, bên Lunar 3 êm ái hơn, lún sâu hơn, còn bên Pegasus 32 êm ái không kém, nhưng lún ít hơn, nhanh chóng bật trở lại cho bước chạy kế tiếp.
Đó là lý do Nike phân loại Flyknit Lunar 3 là SOFT (mềm) còn Pegasus 32 là RESPONSIVE (phản hồi nhanh).
Một chi tiết đặc biệt trên Pegasus 32 mình phát hiện ra sau khi tháo miếng lót giày. Dùng ngón tay ấn vào phần strobel bên trong giày, ngay vị trí của cái Air Zoom, sẽ thấy chỗ này rất cứng. Trong khi các vị trí xung quanh thì mềm hơn nhiều.
Theo kinh nghiệm từ lần xẻ giày Curry One, mình đoán phía dưới được trang bị một miếng Shank, đặt nằm giữa cái Air Zoom và miếng Strobel. Tại sao lại có miếng Shank thì bó tay. Mà cũng có thể là mình đoán sai. Chỉ là thấy thú vị nên chia sẻ với các bạn. Các bạn nào có Pegasus 32 có thể kiểm chứng xem có đúng không nhé.
Chạy cái nào thích hơn?
Câu trả lời sẽ tuỳ thuộc vào sở thích của mỗi người. Hãy tự hỏi mình: “Bạn thích chạy trên cát mềm hay là cát cứng hơn?” Nếu bạn thích cát mềm, bạn nên chọn Lunar Flyknit 3. Ngược lại, nếu bạn chọn cát cứng, Pegasus 32 thẳng tiến.
Bản thân mình hiện nay do đang tập tốc độ để hướng đến thành thích 21K – 2 tiếng nên thích Pegasus 32 hơn. Phần đế cứng của Pegasus giúp các bước chạy nhanh gọn, thanh thoát hơn, phù hợp với các buổi chạy Long Run, Interval Run và Tempo. Còn Lunar 3 được chuyển sang dành cho các buổi chạy Recovery Run, phần đế mềm hỗ trợ bàn chân tốt hơn, vừa chạy vừa thư giãn.
Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của mình, có thể sẽ không phù hợp với bạn. Mỗi người có sở thích, kinh nghiệm chạy bộ khác nhau nên không thể sao chép nhận xét của nhau được. Nếu bạn đang cân nhắc, hãy ra cửa hàng Nike hoặc ghé BH Sports của mình thử nhé.
5. Lời kết
Từ đầu đến giờ viết dài quá rồi, hết ý để kết bài rồi. Thôi thì tạm thời kết bằng tấm hình chụp hậu trường dưới đây vậy
Mua Pegasus 32 ở đâu?
Cả ba đôi giày được sử dụng trong bài viết này đều đang có bán ở BH Sports (Flyknit Lunar 3 sẽ có hàng đầu tháng 12). Các bạn nào quan tâm có thể ghé thăm và đặt mua nhé.
Pegasus 32 hiện đang có các size nam từ 7.5 đến 9 trong khi giày nữ hiện chỉ có duy nhất 1 đôi size 7. Còn Pegasus 31 có size 9.5 và 10, đang có mức giá ưu đãi khá tốt. Các bạn nào đang có ý định đầu tư giày mới đừng bỏ lỡ!
Bài review tiếp theo nên chọn đôi nào đây? Nike Air Max 2016 hay Nike LunarGlide 7?
[instagram url=https://www.instagram.com/p/-OfE8jgXHh/] [instagram url=https://www.instagram.com/p/-baooPAXL0/]Các bài viết cùng từ khoá Pegasus
- Chạy thử giày mới – Nike Air Zoom Pegasus 32, lập luôn PR 5K mới
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Đánh giá Nike Air Zoom Pegasus 32 – Yêu từ lần chạy đầu tiên
- Đánh giá Nike Zoom Pegasus Turbo – Bật nhẹ lả lướt
- Nike Air Zoom Pegasus 35 có gì mới?
Các bài viết cùng từ khoá nike
- [Giveaway] Voucher giảm giá của Nike Việt Nam
- Chạy thử giày mới – Nike Air Zoom Pegasus 32, lập luôn PR 5K mới
- Chia sẻ cảm nhận cá nhân sau hai năm chạy cùng Nike Flyknit (kèm theo Hỏi – Đáp)
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Chiêm ngưỡng hình ảnh Nike Flyknit Lunar 3 sắp được ra mắt vào tháng 2/2015
Các bài viết cùng từ khoá Đánh giá giày chạy bộ
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Đánh giá chi tiết Nike Flyknit Lunar 2 – Hoàn hảo cho mọi cự ly
- Đánh giá Nike Air Zoom Pegasus 32 – Yêu từ lần chạy đầu tiên
- Đánh giá Nike Air Zoom Vomero 11 – Êm chân, chắc chắn
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn
chân em true size là 43. mang đôi này size 44 được không ạ ?
Anh không rõ khái niệm True Size của em là sao (mang vừa đúng mũi chân, hay đã dư ra tí xiu?) Nói chung mua tăng lên 1 size để có khoảng trống trước mũi giày không sao cả.
Mình nghe mọi người nói là nên mua giày thể thao lớn hơn giày tây 1 số có đúng không bạn,mình mang giày tây số 41 vậy khi mua giày nike mình có nên lấy số 42 không bạn,mong bạn chia sẻ kinh nghiệm cho mình
Cùng 1 size (ví dụ 42) giày Tây sẽ to hơn giày thể thao. Do đó khi mua giày thể thao nên mua lớn hơn ít nhất 1 size so với giày Tây là đúng nhé. Ra cửa hàng thử cho chắc ăn nhé.
mình muốn mua miếng lót giầy nike nhưng không biết cách mua như thư thế nào
Nike hình như không có bán lẻ các miếng lót giày bạn ơi
Cho mình hỏi đôi này mà bạn chạy hơn có 2 tháng mà đã nói là muốn banh. Vậy chẳng lẻ vài tháng bỏ mấy triệu ra mua 1 đôi hả. Hic. Mình ngày nào cũng chạy tầm 40′ , tính mua đôi xịn để chạy thử xem sao. Mà nghe bạn nói vậy mình tiếc tiền quá.
Nếu đã muốn mua giày xịn thì đừng tiếc tiền. Còn tiếc tiền thì bạn cứ dùng hàng Fake tiếp. Của bền tại người, nếu sử dụng và bảo quản đúng cách thì dùng hơn cả năm cũng chẳng sao đâu
Nếu vậy thì thú chơi này hơi tốn kém. Như ý tác giả là tác giả sử dụng k đúng cách à. Làm đôi biti’s hunter chạy quăng quật cho sướng vậy!
Đôi Pegasus 32 này không phải giày chạy địa hình mà mình lấy đi chạy Trail Hồ Đá rõ ràng là không đúng cách rồi. Thú chơi tốn kém hay không là ở cách chơi và tuỳ thuộc vào người chơi. Nếu thấy Biti’s Hunter phù hợp thì cứ chơi thôi 😀
Em đi giày Pegasus 32 size 7.0 (khít chân chỉ dư ra khoảng 0.5cm ở mũi vừa để chạy không bị cấn) thì đôi Lunar Flyknit nên đi size 7.0 hay 7.5 ạ?
Nếu mang Pegasus 32 size 7 chỉ dư 0.5cm là chật rồi, size 7.5 hợp lý hơn. Vậy với Nike Flyknit Lunar em nên chọn 7.5 hoặc thậm chí là 8
Dạ vì đôi pegasus em cũng nhờ người mua bên nước ngoài hộ, vì chân em đo 23cm nên lấy size 7 ko ngờ form ôm khít thế. Vậy Flyknit Lunar 3 form sẽ hơi ôm chân hơn Pegasus 32 đúng ko ạ?
Em cảm ơn anh
Có đôi màu như này ở shop k ạ. 🙂
Rất tiếc là không có nha bạn. Thông tin màu và size đều được cập nhật đầy đủ trên web: http://bhsports.vn/tu-khoa/pegasus-32/
Tiếc ghê.:(
Giá như đôi Nike Zoom Fly là số 9.5 thì em đã xin 1 slot giveaway rồi. =)))
9.5 thì hốt Nike Pegasus 31 đi, đừng đợi giveaway :)))