Chọn mua chiếc xe đạp đầu tay chẳng đơn giản tí nào. Càng tìm hiểu càng thêm như lạc vào giữa biển khơi mênh mông, y hệt như lúc chọn mua giày chạy bộ đầu tiên.

Hồi xưa, đôi giày chạy đầu tiên của mình là giày được tặng (Nike Free 5.0) nên lúc đó chẳng cần suy nghĩ, chọn lựa gì cả. Sau đó khi bắt đầu dấn thân vô chạy trail địa hình, mình cũng được tặng tiếp Nike Zoom Terra Kiger 3, lại được nhẹ đầu.

Quảng Cáo

Đến khi cần xe đạp, chẳng được ai tặng cả nên mình phải tự thân nghiên cứu, mò mẫm để hiểu rõ hơn về cách chọn mua xe đạp. Không chỉ rắc rối về thành phần cấu tạo, việc chọn lựa xe đạp còn khó khăn bởi giá cả dao động rất lớn: từ $500 đến $10.000.

Nên chọn xe đạp nào phù hợp?

Bài viết này mình chia sẻ lại kinh nghiệm của mình khi nghiên cứu và chọn mua xe đạp đua cách đây 1 năm. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn runner đang mò mẫm đâm đầu vào môn thể thao mới này.

Nội dung bài viết chỉ tập trung về dòng xe đua trên đường nhựa. Xe chạy địa hình MTB hay xe đua triathlon hẹn ở bài viết khác.

[extoc]

1. Thương hiệu (Brand)

Trước đây khi nghe nói đến xe đạp, mình chỉ biết đến Martin 107. Sau đó khi tò mò nghiên cứu, mình biết thêm về Giant (Đài Loan), một trong những hãng sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới.

Tiếp tục càng đào sâu càng thấy thế giới xe đạp mênh mông chẳng kém thế giới đồng hồ hay audiophile. Có đến hàng trăm thương hiệu xe đạp đủ mọi phân khúc từ phổ thông đến siêu cao cấp. Phổ biến nhất có thể kể đến: Cervelo, Trek, Specialized, Felt, Argon 18, BMC, Pinarello, Canyon, Cannondale…

Xe đạp BMC Road Machine

Trong số này mình chỉ quan tâm 3 thương hiệu: Giant, CannondaleSpecialized. Đơn giản vì cả 3 đều có đại lý bán hàng tại Việt Nam và tất cả đều có dòng xe bình dân và trung cấp dành cho gà mới như mình.

2. Chất liệu (Sườn và phuộc)

Hợp kim nhôm là chất liệu phổ biến nhất để sản xuất sườn xe đạp. Nó là sự lựa chọn tối ưu cân đối giữa 3 yếu tố: chất lượng, độ bền và giá cả. 

 Giant SCR2 sử dụng sườn hợp kim nhôm

Thép là chất liệu sản xuất sườn xe truyền thống, nay vẫn còn được một số hãng xe thủ công (handmade) sử dụng. Ưu điểm của sườn thép là độ chắc chắn và tuổi thọ cao.

Sườn xe thép của Cinelli

Sợi carbon là chất liệu được sử dụng trong các dòng xe đua cao cấp, kết hợp hoàn hảo giữa độ cứng và khối lượng nhẹ. Ưu điểm lớn nhất của sợi carbon là nó có thể được đổ khuôn tạo ra các sườn xe tối ưu khí động học, thường được dùng cho các vận động viên triathlon.

Pinarello Dogma F10 sử dụng sườn Carbon

Cao cấp nhất là những chiếc xe sử dụng sườn Titanium. Ưu điểm của Titanium là nhẹ như nhôm và bền chắc như thép. Nhược điểm là giá của sườn titanium rất cao, không phù hợp với đa số mọi người. 

Sườn Titanium

Với thị trường xe đạp ở Việt Nam, chúng ta chỉ có hai lựa chọn là sườn hợp kim nhôm (giá xe từ 15 triệu) và sườn carbon (giá từ 50 triệu đến trăm triệu). Tùy theo ngân sách mà bạn chọn loại xe phù hợp.

3. Bộ chuyển động (Groupset)

Bộ chuyển động hay mọi người thường gọi là bộ đề là bộ phận truyền động, chuyển lực đạp của bàn chân sang bánh xe giúp xe di chuyển về phía trước. Một bộ chuyển động thường rất nhiều các thành phần: giò (crankset), dĩa (chainring), líp (cassettte), sang số (derailleur), trục (branket), sên (chain),…

Các bộ chuyện động thường được phân biệt theo số: “8, 9, 10, 11 sp” (sp viết tắt của speed), tương ứng với số lượng líp (cassette) gắn ở trục bánh xe sau. Đa số các xe đạp đua đường nhựa sẽ có 2 hoặc 3 dĩa (chainring) ở trục trước, kết hợp với số líp ở trục sau sẽ cho mang đến từ 2×8 (16) và 3×11 (33) tùy chọn tốc độ khác nhau.

Bộ chuyển động Shimano 105 Groupset

Trong số các thương hiệu sản xuất bộ chuyển động, Shimano là thương hiệu phổ biến nhất thế giới với nhiều lựa chọn ở nhiều tầm giá khác nhau, phù hợp cho người mới bắt đầu đến vận động viên chuyên nghiệp.

Danh sách các bộ chuyển động của Shimano theo thứ tự từ cao cấp đến bình dân (mắc nhất đến rẻ nhất)

  • Chuyên nghiệp: Shimano Dura-Ace (11 speed)
  • Chuyên nghiệp: Shimano Ultegra (11 speed)
  • Bán chuyên: Shimano 105 (11 speed)
  • Bán chuyên: Shimano Tiagra (10 speed)
  • Nghiệp dư: Shimano Sora (9 speed)
  • Nghiệp dư: Shimano Claris (8 speed)

Ngoài ra còn có hai thương hiệu sản xuất bộ chuyển động nổi tiếng: Campanoglo, Sram. Hai hãng này thường là lựa chọn của dân chơi Triathlon chuyên nghiệp hoặc đại gia. Mình chưa có nhu cầu chơi đến mức đó nên không tìm hiểu nên không trình bày ở đây (có biết gì đâu mà viết).

Thông tin xe đạp đua luôn ghi rõ chi tiết đặc tính kỹ thuật của bộ chuyển động. Các bạn nhớ tham khảo và so sánh cấu hình vs. giá bán để có sự lựa chọn tốt nhất.

4. Kích thước

Khi bắt đầu tìm hiểu về xe đạp đua, mình mới ngỡ ra xe đạp cũng chia ra nhiều kích thước khác nhau, tương ứng với hình thể của mỗi người.

Thông thường, kích thước xe được tính bằng cm. Ngoài ra, Một số hãng sử dụng hệ thống size XS, S, M, L, XL. Tùy theo hãng xe mà mỗi model sẽ có 3 đến 10 kích thước lớn nhỏ khác nhau. Càng nhiều lựa chọn kích thước, độ chệnh lệch giữa 2 kích thước kề nhau càng nhỏ.

Kích thước xe sẽ quyết định đến tư thế đạp xe và sự thoải mái của bạn khi đạp xe. Lựa chọn sai sẽ khiến bạn không thể phát huy tối đa khả năng và còn dễ gặp chấn thương do sai tư thế.

Thông số kích thước luôn được đăng tải chi tiết trên website của nhà sản xuất. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên đến cửa hàng xe đạp chuyên nghiệp để được tư vấn, và lựa chọn kích thước xe phù hợp nhất với mình.

5. Bánh xe

Một thành phần quan trọng khác của xe đạp là bánh xe: vành và lốp. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác và tốc độ đạp. Bánh xe được chia thành nhiều loại dựa vào kích thước (đường kính, bề rộng vành) và cấu tạo (chất liệu, thiết kế căm xe).

Có rất nhiều hãng sản xuất bánh xe: ZIPP, Shimano, Sram, Felt, Giant,… Tùy thiết kế và cấu tạo, giá bánh xe dao động từ vài triệu đến vài chục triệu.

Đối với các dòng xe cao cấp (trên $2000), cặp bánh xe là một trong những yếu tố lựa chọn quan trọng bên cạnh sườn và bộ chuyển động. Bạn cần nghiên cứu kỹ để chọn loại phù hợp.

Còn với những dòng xe phổ thông cho người mới bắt đầu, cặp bánh xe thường có tỉ trọng giá thấp hơn nhiều so với sườn xe và bộ chuyển động nên không cần bận tâm nhiều. Sử dụng bánh có sẵn theo xe là đủ dùng để bắt đầu làm quen. Khi đã có kinh nghiệm, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn để nâng cấp lên loại bánh phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Bạn nào quan tâm, tham khảo thêm chi tiết về các loại bánh xe ở đây: Bike wheels buying guide.

6. Các món đồ chơi khác

Ngoài các thành phần chính như khung sườn, bánh xe, bộ chuyện động, xe đạp còn có vô số các phụ kiện nhỏ mà bạn có thể nâng cấp theo thời gian

  • Yên xe: nâng cấp loại dày, êm mông hơn
  • Ghi đông: gắn thêm aero bar để dùng khi thi đấu triathlon.
  • Pedal: Pedal không đi kèm theo xe. Nếu sử dụng giày đạp xe, bạn phải mua thêm loại pedal SPD-SL (Shimano) hoặc SPD (Look) tương ứng.
  • Gọng để bình nước: gắn trên sườn xe, trên ghi đông, hoặc sau yên.
  • Đồng hồ gắn xe: theo dõi thông số tốc độ, cadence khi đạp xe

Hẹn gặp lại ở bài viết kế tiếp mình chia sẻ tiếp kí sự đi mua xe đạp và giới thiệu luôn về chiếc xe đầu tay: Specialize Allez Elite.

Tham khảo: TuchiphattrienRoad.cc, Chainreactioncycles

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá chọn mua xe đạp

Các bài viết cùng từ khoá đạp xe

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *