Dưới đây là câu chuyện của Tom Pearce về đam mê chạy bộ đã giúp anh chiến đấu với căn bệnh ung thư. Mình đọc được trên Runner’s World, xin tạm dịch lại trong bài viết này để chia sẻ với mọi người câu chuyện đầy ý chí và nghị lực của Tom. Câu chữ của mình khá lủng củng, mong mọi người thông cảm, dân nghiệp dư dịch mà 🙂
Các bạn nào thích đọc nguyên bản có thể tham khảo: Real Runners: Tom Pearce, running with cancer.
Tôi là Tom và dưới đây là “câu chuyện chạy bộ” cùng cuộc chiến với ung thư của tôi.
Trước khi trở thành đam mê, chạy bộ là sự lựa chọn bất đắc dĩ của tôi vào năm 2009. Khi đó tôi đang bị béo phì và nhận ra mình cần phải làm gì đó để thay đổi lối sống. Lần nào đi khám sức khoẻ định kỳ ở công ty, tôi cũng được nghe đi nghe lại những lời khuyên chán ngấy, đại loại như …”Chỉ số BMI của anh quá cao”, “Anh nên tập thể dục”, “Hạn chế rượu bia là một cách để anh cải thiện sức khoẻ”
Tôi quyết định làm điều gì đó để giải quyết vấn đề thay vì bỏ mặc như những năm trước. Tôi tìm hiểu và được biết rằng chạy bộ là cách tốt nhất để giảm cân. Tôi thấy mình cũng phù hợp với chạy bộ hơn các môn thể thao khác vì tôi có thể chạy bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào tôi thích. Chỉ sau một thời gian ngắn chạy bộ, tôi đã cảm nhận được những chuyển biến tích cực khi cân nặng giảm dần với chế độ ăn uống như cũ. “Quá tuyệt!” – tôi tự nhủ với mình.
Sau 3 tháng chạy bộ, tôi nhớ rất rõ một buổi chạy mà lần đầu tiên tôi không cảm thấy bị hụt hơi và thở dốc như mọi lần. Đam mê với chạy bộ đến từ thời khắc đó. Tôi thấy tràn đầy sinh khí mỗi khi bước chân ra đường chạy. Tôi tham gia giải chạy bộ đầu tiên: Taunton Half Marathon với anh rể vào tháng 4 năm 2010 và về đích với thành tích 1 giờ 54 phút. Mặc dù cực kỳ gian khổ nhưng tôi thích cái khoảnh khắc chinh phục đó và muốn được trải nghiệm nó thêm nữa. Tôi bị nghiện từ đó. Tôi tiếp tục tham gia rất nhiều giải chạy bộ sau đó và tính đến thời điểm hiện tại tôi đã chinh phục tất cả 7 giải 10K, 25 giải half marathon và 3 giải marathon (kỉ lục cá nhân half marathon: 1h27′ và marathon: 3h11′)
Không phải lúc tôi chạy theo thành tích (mặc dù thật ra tôi cũng có ham hố tí chút), nhưng được quen biết những người như thế, chạy theo thành tích, cố gắng hoàn thiện mình là một sự may mắn của tôi. Tôi yêu thích quá trình tập luyện và chuẩn bị cho mỗi giải đua, hào hứng và vui chẳng khác nào ngày chạy thi đấu chính thức. Cái cảm giác đứng trên vạch xuất phát chuẩn bị xả thân để lập kỷ lục cá nhân mình đã rèn luyện bấy lâu, hay đơn giản chỉ là cảm giác tràn đầy nhựa sống khi đó là rất tuyệt vời. Mỗi giải chạy là mỗi chiến tích mà tôi trân trọng. Nhớ nhất là giải Marathon London 2011, tôi yêu mọi khoảnh khắc khi đó, đám đông phấn khích, bầu không khí náo nhiệt là những ký ức tôi không bao giờ quên.
Tôi nghĩ mình là tuýp người thích hành hạ bản thân và thật sự thì tôi thích cảm giác hành xác mỗi khi “Đụng nóc (Hit the wall)” (Hit the wall: là tình trạng suy kiệt thể chất khi cơ thể bị ép vận động đến giới hạn cao nhất, thường gặp trong các giải chạy đường trường như half marathon, marathon,…) Đó là khi sức mạnh ý chí vươn lên. “Mình đã bị như thế rồi, minh đã vượt qua được, lần này cũng vậy, mình có thể vượt qua” là câu nói tôi thường tự động viên mình mỗi khi gặp tình huống như thế.
Đến một ngày tháng 12 năm 2013, cuộc sống của tôi đảo lộn hoàn toàn. Chỉ vài ngày sau khi chinh phục giải marathon Florence (3 tiếng 11 phút), tôi đi khám bác sĩ vì nhận thấy cơ thể có một số biểu hiện lạ. Tôi đi khám để cho yên tâm chứ không lo lắng gì nhiều về bệnh tật của mình. Và tôi đã không thể tin nổi khi bác sĩ chẩn đoán nhiều khả năng tôi bị ung thư.
Ban đầu tôi nghĩ kết quả này là lệch lạc, do trước giờ gia đình tôi chưa từng có tiền sử ai bị ung thư. Tuy nhiên sau khi kiểm tra CT và MRI tôi đã phải chấp nhận sự thật: tôi đang bị ung thư ruột giai đoạn 3. Tôi vẫn nhớ như in suy nghĩ vụt lên trong đầu tôi lúc đó: “Tôi sắp chết sao?” và “Tôi có chạy được nữa không?”
Trong những tuần sau đó, khi được tư vấn bởi nhiều chuyển gia khác nhau, tôi hiểu rằng nếu có qua khỏi căn bệnh ung thư này, tôi sẽ phải chung sống với một cái ruột già nhân tạo mãi mãi. Thật khó khăn để chấp nhận sự thật này. Tôi cũng lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chạy bộ của mình. Tôi may mắn được gặp những người bạn tuyệt vời, những người đã khích lệ và cho tôi những lời khuyên hữu ích để vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng không gì có thể ngăn cản tôi tiếp tục sống với đam mê hiện có: chạy bộ.
Đầu tiên là 5 tuần xạ trị vào tháng 1 năm 2014. Mặc cho những đau đớn về thể xác, tôi đã vượt qua được. Tôi thấy hài lòng khi mình vẫn duy trì lịch chạy đều đặn trong thời gian đó, nó giúp tôi quên đi muộn phiền về căn bệnh của mình. Ít nhất 1 giờ mỗi ngày, tôi có thể tạm quên đi ung thư và tận hưởng âm nhạc và khí trời trên đường chạy.
Sau đợt điều trị đầu tiên này, tôi có nhiều thời gian nghỉ ngơi để hồi phục. Tôi quyết định chạy càng nhiều càng tốt trước khi lên bàn mổ vào tháng 5. Tôi đã tham gia 4 giải half marathon, chinh phục hơn 850K tính luôn tập luyện trong thời gian này. Tôi đã chuẩn bị tinh thần và thể trạng tốt nhất để đối mặt với cuộc phẫu thuật sống còn. Và tất cả đã diễn ra êm đẹp. Tôi vẫn còn nhớ giây phút mình tỉnh lại sau phẫu thuật và bắt gặp cái túi ruột nhân tạo treo lủng lẳng ngay trước bụng.
Quá trình hồi phục kéo dài như vô tận với tôi. Ngày nào tôi cũng khao khát được ra ngoài và thưởng thức cái “thú chạy bộ” quen thuộc. Chưa được lâu, tôi phải đối mặt với một tin dữ khác: ung thư đã di căn đến gan. Thế là tôi lại phải chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật kế tiếp vào ngày 16 tháng 7. Trải nghiệm khi đó thật kinh hoàng cả về tinh thần lẫn thể chất, nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin về khả năng hồi phục và có thể tiếp tục chạy.
Khi viết bài này, tôi vừa mới trải qua cuộc giải phẫu gan hơn một tháng và đã chạy nhẹ được 3-4 buổi (5K). Phải thừa nhận rằng đó là những buổi chạy gian khổ nhất mà tôi từng trải nghiệm nhưng việc đó là hoàn toàn bình thường do gan đang trong giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn chữa trị ung thư cuối cùng sẽ bắt đầu ngày 26/8 này, và kéo dài hon 6 tháng. Hy vọng rằng cơ thể của tôi sẽ thích nghi tốt với đợt điều trị, nhờ đó tôi vẫn có thể làm việc và quan trọng hơn là được tiếp tục chạy.
Chạy bộ không chỉ là ngã rẽ cuộc đời của tôi vào năm 2009, mà không thể bàn cãi nó còn là người bạn đồng hành cùng tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư đến thời điểm này. Chạy bộ sẽ tiếp tục sát cánh bên tôi từ giờ đến hết năm 2014 trong giai đoạn điều trị còn lại. Nếu tôi có phải tạm nghỉ một thời gian, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại vào năm 2015. Hai giải chạy bộ đã được đặt chỗ và đang chờ đợi tôi hồi phục để tham gia.
Tôi chỉ cảm thấy hối tiếc khi tôi không tìm đến chạy bộ sớm hơn.
Các bạn có thể đọc thêm các câu chuyện về cuộc chiến chống ung thư của tôi ở trang Run Through Cancer. Đây là trang web tôi đã lập ra khi bắt đầu giai đoạn chữa trị ung thư với hi vọng gửi gắm niềm tin đến những người có hoàn cảnh tương tự. Mọi người hãy giữ niềm tin rằng cuộc sống vẫn còn đó dù cho bạn bị chẩn đoán ung thư. Hãy sống một cách trọn vẹn, giữ vững tinh thần và sự lạc quan vui sống. Chạy bộ là một trong những cách tốt nhất giúp bạn rèn luyện ý chí để vượt qua những khó khăn như thế.
Các bài viết cùng từ khoá Nhân Vật
- Adam Campbell – Sét đánh là chuyện nhỏ
- Anne Garrett – Cụ bà 80 tuổi thiết lập kỷ lục Half-Marathon với thành tích 2:13:23
- Boris Berian – Từ kẻ vô danh trở thành nhà vô địch điền kinh thế giới
- Cô gái bộ lạc Tarahumara dành chiến thắng cự ly 50K ultra trail chỉ với đôi sandal bằng vỏ xe cao su
- Cụ bà Harriette Thompson lập kỷ lục thế giới khi chinh phục Half-Marathon ở tuổi 94