NGƯỢC DÒNG CÙNG ĐÀN CÁ

Biển êm, không quá đông vận động viên, nên tôi bơi khá thoải mái. Cá và san hô khắp nơi. Tôi ngắm nhìn và hít thở đều theo mỗi nhịp bơi sải.

Thỉnh thoảng, tôi nhoài người để sighting nhưng mặt trời mọc ngay trước mặt, tôi không thấy phao tiêu đâu. Sau một thoáng nghĩ ngợi, tôi quyết định bám theo người trước mặt mà không sighting nữa để hạn chế mất sức. Cũng nhờ nước biển ở đây trong veo mà tôi thấy rõ từng bàn đạp nước phía trước mình. Mọi thứ khá thuận lợi, tôi vượt qua nhiều vận động viên.

Quảng Cáo

Qua ba cái cua ngoặt đầu tiên để bước vào chặng bơi dài nhất 800m, tôi hoàn toàn bắt được nhịp và thở rất đều. Bỗng nhiên sau khúc cua, tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn. Cảm giác như đang bơi ngược dòng, tôi quạt tay nhưng mãi sao không thấy cái phao tiêu đằng xa gần hơn xíu nào. Tôi nghĩ trong bụng, không lẽ mới bơi có hơn 500m mà mình mệt sao? Sao bơi hoài không thấy tới vậy? Nghĩ trong đầu là vậy nhưng nhìn xung quanh thấy ai cũng đang miệt mài quạt nước, thế là tôi cũng quạt, quạt, quạt…

Thời gian trôi đi thật chậm chạp, tôi chẳng còn buồn ngắm cá hay san hô vì bắt đầu thấm mệt. Lần nào bơi biển cũng vậy, ở ngay đoạn dài nhất và xa bờ nhất của đường bơi, cảm giác trong tôi thật chơi vơi, khó tả.

Tôi thoáng nghĩ một chút về những người thân đang ở nhà. Chắc mọi người đang theo dõi tôi trên app và cũng hồi hộp không kém. Giờ này, họ đang biết tôi ở rất xa ngoài khơi.

Hơi mất tập trung cho nhịp bơi nên tôi uống ngay một ngụm nước mặn chát. Phải tập trung hơn mới được, tôi tự nhủ rồi quạt tay thật mạnh để bám sát anh chàng mặc trisuit màu đỏ ngay phía trước. Màu đỏ làm màu may mắn, tôi quyết định không để mất dấu anh này.

Sau một hồi lâu quạt tay hết sức, cuối cùng thì tôi cũng vào được bờ, liếc nhìn con Garmin, ôi trời ơi, hơn 50p. Chưa bao giờ tôi bơi cự ly này chậm như vậy. Nãy giờ chắc hẳn là tôi đã bơi ngược dòng rồi, hèn chi nó mệt – tôi tự lẩm bẩm một mình khi vẫn thở hổn hển trên đường chạy ra bãi xe.

XUẤT PHÁT ĐẠP XE ĐẦY HỨNG KHỞI

Xỏ nhanh đôi giày đạp xe vào chân, đội nón, cài quai nón, tôi rút vội chiếc xe khỏi ngăn chứa và đẩy ra cổng xuất phát. Phóng lên xe, người còn phê phê do thời gian bơi hơi lâu nên tôi quyết định 5 phút đầu sẽ khởi động làm nóng cơ với cadence cao từ 95-100 vòng / phút.

Vừa đạp ra đến đường cái, tôi thoáng chút giật mình khi nghe một tiếng hét thất thanh thật lớn. Ôi thì ra là mấy em gái học sinh cỗ vũ bên đường! Bên này cỗ cũ cũng ngộ, hét thật to chứ không phải vỗ tay hay hú hú như bên mình. Tôi vừa đạp vừa cười mà không quên cắn vội ngay một gói gel năng lượng và 2 viên muối đã vắt sẵn trên xe từ trước. Sau 5 phút khởi động, cơ tôi nóng lên, tôi quyết định hạ cadence xuống mức 90 và bắt đầu đạp nhanh. Vận tốc trung bình lúc này là 34-35km/h. Mặt đường hơi xấu và lởm chởm đá.

Đến km15 tôi bắt đầu thấy tốc độ giảm dần. Cảm nhận gió rít nhẹ 2 bên tai, tôi biết mình đang phải đạp ngược gió. Để cẩn thận không bị chuột rút, tôi nằm suốt trên aerobar, điều chỉnh cadence ở mức cao khoảng 95 vòng / phút để giữ sức, cố tình không đạp nhanh. Tôi không quan tâm tốc độ, chỉ quan tâm làm sao giữ cho cadence ổn định ở ngưỡng mà tôi mong muốn.

Ở mỗi trạm tiếp nước, người ta bố trí mấy em vũ công đường phố nhảy nhót đầy màu sắc, kèn trống rình rang, nhưng tôi nào có tâm trí mà ngắm nhìn, cứ cắm đầu đạp, đạp và đạp. Cứ thế, tôi đạp đến km60 thì bắt đầu có chuyện.

BẦY CHUỘT TRÊN ĐẢO

Rút kinh nghiệm race ở Đà Nẵng cách đó 3 tháng, tôi bị chuột rút khá nặng, nên race lần này tôi mang theo rất nhiều viên muối và nạp liên tục. Chưa kể trong nước Pocari mà tôi uống trên xe cũng đầy điện giải trong đó. Thế mà không hiểu sao đến km60 cơ đùi tôi đã bắt đầu giật giật.

Tôi cố gắng không đổi tư thế đột ngột hay vặn xoắn cơ và đạp nhẹ nhàng hơn. Nhưng đến km65 tôi thấy rõ ràng không ổn, mình cần xuống xe thư giãn cơ một lát nếu không muốn bị đo đường. Tôi chủ động cho xe tấp vào hàng cây ven đường và lắc gót chân để tháo giày cá khỏi pedal. Ngay khi vừa lắc chân, cơ đùi phải của tôi đã bị chuột rút.

Tôi cẩn thận dựng xe rồi ngồi xuống tự kéo căng cơ của mình để cơ hết rút. Chừng 5 phút nằm ở đó, thấy nhiều người chạy ngang, lòng bồn chồn quá, nên tôi quyết định liều mình dựng xe đứng dậy và đạp tiếp.

Đến km75 cơ lại bắt đầu giật giật, lần này cả 2 chân. Không xong rồi! Tôi vội tìm chỗ có bóng râm để tấp xe vào. Ôi, lần này chưa kịp tháo giày khỏi pedal thì cả 2 chân tôi đã bị một bầy chuột cắn xé dữ dội. Tôi thả xe ngã và chủ động chống tay để tránh bị chấn thương. Tôi đau quá, la thất thanh, người dân xung quanh túa ra, bu đông đen, họ kéo tôi ra khỏi xe và cho tôi nằm vào một chỗ mát gần đó.

Vài giây sau tôi đã thấy một chiếc cứu thương của BTC chạy đến. Ba chuyên viên y tế mặc đồ đồng phục như cảnh sát xuống xe, khoác tay xua bớt dân đi cho tôi có không khí thoáng để thở. Họ ngồi xuống hỏi tôi vị trí đau và bắt đầu xịt thuốc.

Sau khi nghe tôi thông báo là người Việt Nam, sắc mặt của họ rạng rỡ hẳn ra, tôi cảm giác mình được chăm sóc ân cần hơn. Rõ ràng người Philippines có cảm tình đặc biệt với dân mình. Họ hỏi han tôi rất vui vẻ, còn đo cả huyết áp và nồng độ oxy trong máu cho tôi.

Chưa bao giờ tôi bị chuột cắn nhiều như thế: cả 2 chân và gần như tất cả nhóm cơ. Cơ đùi trong, cơ đùi ngoài và cả cơ bắp chuối. Cơ thì rút lên lỏm hẳn vào trong, đau quằn quại. Rất may là đội y tế ở đây khá chuyên nghiệp và rất ân cần.

Tôi nằm đó hẳn 15 phút, khi cơ bắp bắt đầu hết đau thì chủ động đứng dậy. Anh chuyên viên y tế hỏi tôi bằng một giọng tiếng anh lơ lớ: “Are you OK?” “Yes, OK. I go now” – tôi trả lời – “Just relax!” – anh chàng khoác tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Tôi lắc đầu cười tươi tỉnh rồi thản nhiên leo lên xe, nhấn mũi giày vào pedal “cạch” một phát rồi bắt đầu đạp tiếp.

Chỉ vừa mới đạp được vài trăm mét thì bó cơ đùi phải của tôi lại giật nhẹ như chuẩn bị rút tiếp. Lúc này, tôi thật sự căng thẳng. Bây giờ mà nằm xuống như lúc nãy thì thật sự quá mất thời gian, tôi nghĩ. Nắng đã lên cao và các tốp vận động viên trên đường đã thưa dần. Nhìn đồng hồ, tôi nhẩm tính quãng đường còn lại khoảng 15km. Bình thường cự ly 15km chỉ mất chưa tới 30 phút để tôi hoàn thành. Bây giờ thì phải rất cẩn thận. Tôi điều chỉnh líp lớn, đạp với cadence khoảng hơn 100 vòng / phút cho cơ chân thư giãn nhất có thể. Tốc độ lúc này chỉ khoảng 28km/h và phía trước là một cây cầu rất cao. Lạy trời cho con qua được con dốc này – tôi thầm nhủ.

Ngay tại đầu dốc, tôi đã xả sên về líp lớn nhất và dĩa nhỏ nhất, quyết định quay thật nhanh và dẻo ở đây. Tôi hoàn toàn không muốn nằm lại trên cầu này thêm lần nữa. Gió tạt ngang, do tôi đạp chậm nên xe hơi lảo đảo. Giật mình lấy lại thăng bằng, tôi tiếp tục quay dẻo, nhưng các bó cơ lại giật nhẹ. Tôi đã đấu tranh giữa việc đạp tiếp hay xuống dắt bộ qua cái dốc vừa cao vừa dài này. Nhưng rồi, tôi hít một hơi dài và tiếp tục đạp. Không phải tôi sợ hình ảnh của mình bị “hoen ố” khi phải dắt bộ qua cầu mà tôi chỉ sợ thời gian bị kéo dài và thành tích ở phần đạp sẽ trở nên thảm hại. Rất may, con dốc đã không đủ cao để đánh gục mấy bó cơ đùi đang chực chờ rút lại của tôi. Qua được đỉnh, tôi thả dốc nhẹ nhàng mà không phải đạp nữa, cảm giác gió rít hai bên tai thật là thư giãn.

Quảng Cáo

Xem tiếp các bài viết trong series: Kí sự IRONMAN 70.3 Cebu 2019

Các bài viết cùng từ khoá IRONMAN 70.3

Các bài viết cùng từ khoá Triathlon

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *