Cảm giác khi xỏ chân vào Epic React mượt mà, êm ái khó tả. Sung sướng đê mê không muốn rút ra. Đê mê, đê mê!!
Kể từ khi cho Nike Air Zoom Pegasus 33 về hưu sau giải Techcombank HCMC International Marathon 2017 hồi cuối năm ngoái, mình vẫn chưa tìm được sự thay thế xứng đáng. Hai đôi giày Hoka One One Conquest 3 và Under Armour Speedform Velociti được mang về với nhiều hi vọng nhưng lại không mấy ấn tượng. Lâu lâu chỉ được mình đem ra mang cho đỡ… mốc meo. (Bởi vậy hoàn toàn không có hứng để chụp hình viết bài đánh giá)
Do trong tủ vẫn còn rất nhiều giày nên từ đầu năm đến giờ mình tạm ngưng “tuyển dụng” thêm. Trong 8 tháng qua, mình chủ yếu sử dụng xoay vòng các đôi giày cũ: Nike Flyknit Lunar 2, Nike Flyknit Lunar 3, Nike Air Zoom Vomero 11, Nike Free Rn, Nike LunarGlide 7, và cả Nike Air Zoom Pegasus 32,… Các đôi này đã được mình rước về từ lâu nhưng đa số vẫn còn ngon lành do ít sử dụng.
I. Tại sao chọn Nike Epic React Flyknit?
Nhằm chuẩn bị cho mùa giải chạy bộ cuối năm sắp đến, mình muốn tự thưởng cho bản thân đôi giày mới để có thêm động lực tập luyện sau hơn 2 tháng nghỉ dưỡng. Nike Epic React Flyknit là sự lựa chọn cuối cùng của mình sau khi cân nhắc giữa nhiều lựa chọn khác nhau:
- Asics GEL-Nimbus 20 – $160
- Nike Air Zoom Pegasus 35 – $120
- Nike Zoom Fly – $150
- Nike Epic React Flyknit – $150
Mình rất muốn chuyển sang dùng thử Asics GEL-Nimbus 20 nhưng mặt khác lại không thể kiềm lòng trước sự hấp dẫn của các đôi giày Nike. Mình không chê GEL-Nimbus 20 xấu, ngược lại nhìn nó rất hấp dẫn và mạnh mẽ. Tuy nhiên, các đôi Nike với thiết kế gọn gàng, thanh thoát đặc trưng luôn có sức hút khó cưỡng.
3 đôi giày Nike trong danh sách lựa chọn của mình (Pegasus 35, Zoom Fly, Epic React) đều là các đôi giày chạy bộ chủ lực của Nike ở thời điểm hiện nay với 3 công nghệ đế khác nhau:
- Pegasus 35: Air Zoom
- Zoom Fly: Lunarlon
- Epic React: Nike React
Kế hoạch ban đầu của mình là lựa chọn Pegasus 35 vì mình thích tính đàn hồi của đế Air Zoom (và vì nó rẻ nhất!). Tuy nhiên sau khi phát hiện ra giày có thiết kế kiểu bootie với lưỡi gà may dính vào hai bên thân, mình ngay lập tức thay đổi ý định.
Trong hai lựa chọn còn lại, Nike Epic React Flyknit đã giành chiến thắng vì mình muốn trải nghiệm công nghệ đế mới: Nike React. Ngoài ra nó còn được trang bị thân giày Flyknit, nhìn gọn gàng hấp dẫn hơn nhiều so với đôi Nike Zoom Fly mập ú.
II. Ngoại hình và công nghệ
Dài dòng nãy giờ đủ rồi, bây giờ mình sẽ vô phần chính: giới thiệu và khoe hình giày.
Phiên bản mình mua là màu xanh dương với mã AQ0067-401 (Blue Glow/Photo Blue/Volt Glow/White). Ấn tượng đầu tiên khi khui hộp là ngoại hình gọn gàng thanh thoát tuyệt vời. Phối màu xanh dương, trắng và xanh chuối nhìn bên ngoài đẹp hơn nhiều so với ảnh studio của Nike: chói chang và tươi trẻ hơn.
1. Thân giày Flyknit
Đã có kinh nghiệm với nhiều đôi giày Flyknit trước đây: luôn chật chội ở phần giữa bàn chân nên lần này mình đặt mua size US9.5 (EU 43), lớn hơn 0.5 so với size giày thường mang. Kết quả thật mỹ mãn!
Thân giày ôm gọn lấy bàn chân, không quá bó, không lỏng lẻo. Cảm giác khi xỏ chân không vào Epic React mượt mà, êm ái khó tả. Sung sướng đê mê không muốn rút ra. Đê mê!
Đê mê đến mức khiến mình phạm sai lầm tai hại khi chạy thử với giày lần đầu tiên (xem đến cuối bài sẽ rõ nhé).
Nike React có thiết kế thân giày nguyên khối loại bỏ hoàn toàn chức năng của lưỡi gà, giống như thiết kế của LunarEpic trước đây. Nhờ tính chất co giãn 4 chiều của Flyknit cộng với không gian miệng giày khá rộng nên việc xỏ chân vào trong giày không gặp bất kì khó khăn nào.
Hai bên thân giày không còn được trang bị công nghệ Dynamic Flyiwire quen thuộc. Thay vào đó, thân giày được ép nhiệt các miếng gia cố ở mặt ngoài lẫn mặt trong. Nhờ vậy mà thân giày vẫn giữ dáng đẹp, không bị bẹp dí như đôi Free Flyknit 4.0 hay đôi LunarEpic trước đây của mình.
Theo quan sát của mình, tổng cộng toàn bộ thân giày được tạo nên từ 11 miếng vật liệu khác nhau
- 1 x thân giày nguyên khối Flyknit
- 2 x logo swoosh hai bên
- 2 x miếng gia cố lỗ xỏ dây hai bên
- 2 x miếng gia cố trong thân giày
- 1 x miếng gia cố gót bên trong
- 1 x miếng gia cố gót bên ngoài
- 1 x miếng strobel sock (miếng may dưới đáy thân giày)
- 1 x dây treo gót (heel tab)
Đây là con số cực kỳ ấn tượng nếu so sánh với các đôi giày chạy bộ kiểu truyền thống thường cần ít nhất 2 lần con số trên. Ngoài ra số đường may cũng được hạn chế tối đa: chỉ may nối duy nhất giữa dây treo gót với gót giày và may nối strobel sock với thân Flyknit. Các phần còn lại đều được ghép nối với nhau bằng cách ép nhiệt.
Các thông số này có ý nghĩa gì đối với dân chạy?
- Giảm khối lượng cho giày: càng ít các lớp chất liệu đắp lên thân, giày sẽ giảm được khối lượng đáng kể. Đây là một trong số những tiêu chí quan trọng khi chọn giày chạy đường dài.
- Ngoại hình liền mạch, hấp dẫn hơn: rõ ràng một đôi giày liền mạch, không đường may nhìn thời trang và thanh thoát hơn hẳn các đôi giày chằng chịt các đường may ghép nối chi chít các miếng vật liệu lại với nhau. Đây là tiêu chí quan trọng đối với mình: giày phải đẹp trước đã, chạy không được thì mang đi chơi cũng đỡ phí tiền.
Ngoài ra đối với nhà sản xuất, nó còn giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm bớt tỉ lệ hàng hư (nhờ lưu trình sản xuất được rút ngắn hơn).
Một điểm đáng chú ý khác là miếng lót giày của Nike Epic React mỏng hơn nhiều so với các đôi giày khác: chỉ khoảng 2mm. So với lót giày trên Pegasus 35 dày 4mm, lót giày của Nike React đã giảm đi được 1/2 khối lượng, góp phần vào độ nhẹ ấn tượng đôi giày: 239 gram (size 10US). Nike Pegasus 35 nặng đến 281 gram với cùng size giày.
2. Gót giày độc đáo
Một trong những điểm nhấn độc đáo nhất của Nike Epic React là phần đế sau gót giày được làm rộng ra hai bên và kéo dài ra phía sau gần 1 cm so với thân giày.
Tiếp giáp giữa phần thân giày và đế Nike React là miếng đệm gót hình móng ngựabằng TPU, được lấy cảm hứng từ đôi Nike Internationalist. Thiết kế này được quảng cáo sẽ giúp gót chân cân bằng hơn bên khi tiếp đất.
Nếu quảng cáo này là đúng, nó chỉ thực sự hữu ích với những bạn đáp gót, còn những ai đáp bằng mũi chân hoặc lòng bàn chân thì thiết kế kiểu này chỉ để làm cảnh cho đẹp.
3. Đế giày công nghệ đế mới: Nike React
Công nghệ đế Nike React lần đầu tiên được sử dụng trên đôi giày bóng rổ Nike React Hyperdunk 2017 Flyknit, ra mắt giữa năm 2017. Phải đến đầu năm nay, Nike React mới được ứng dụng trên giày chạy bộ và Nike Epic React Flyknit là đôi giày chạy bộ đầu tiên được trang bị công nghệ công nghệ này.
Theo quảng cáo, Nike React là sự kết hợp giữa độ mềm mại, chống sốc tuyệt vời của Lunarlon và khả năng đàn hồi linh hoạt của Air Zoom. Nó là công nghệ đế hoàn hảo nhất từ trước đến nay của Nike.
Ngoài ra nó còn có độ bền vượt trội so với bất kỳ loại đế nào trước đây của Nike: “Nike React is more durable than any other foam we’ve tested in Nike running, meaning it will keep up with the needs of even the most dedicated distance runners” (Nguồn: Nike News)
Thực tế có được như quảng cáo không mời các bạn xem tiếp phần sau [Phần 2] Trải nghiệm thực tế, sẽ được ra lò sau khi mình chạy thử ít nhất 50km. Mình sẽ cố gắng so sánh với Nike Air Zoom Pegasus và Nike LunarEpic Flyknit để có cái nhìn chính xác hơn về công nghệ Nike React mới.
Bật mí trước về trải nghiệm đầu tiên của mình với giày mới: sai lầm khi chủ quan xỏ giày mà không mang vớ. Sau đó phải trả giá đắt với 2 gót chân phồng rộp chỉ sau 5km do liên tục bị ma sát với gót giày trong mỗi bước chạy.
Thư viện ảnh
Xem lại toàn bộ hình ảnh của Nike Epic React Flyknit bên dưới nha các bạn
Xem tiếp phần 2 bên dưới nhé
Các bài viết cùng từ khoá Epic React
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 2] Càng chạy càng mê
Các bài viết cùng từ khoá Nike React
Các bài viết cùng từ khoá flyknit
- Chia sẻ cảm nhận cá nhân sau hai năm chạy cùng Nike Flyknit (kèm theo Hỏi – Đáp)
- Chiêm ngưỡng hình ảnh Nike Flyknit Lunar 3 sắp được ra mắt vào tháng 2/2015
- Đánh giá chi tiết Nike Flyknit Lunar 2 – Hoàn hảo cho mọi cự ly
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn
- Đánh giá Nike Flyknit Max – Mắc chưa chắc đã ngon
Các bài viết cùng từ khoá nike
- [Giveaway] Voucher giảm giá của Nike Việt Nam
- Chạy thử giày mới – Nike Air Zoom Pegasus 32, lập luôn PR 5K mới
- Chia sẻ cảm nhận cá nhân sau hai năm chạy cùng Nike Flyknit (kèm theo Hỏi – Đáp)
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Chiêm ngưỡng hình ảnh Nike Flyknit Lunar 3 sắp được ra mắt vào tháng 2/2015
Các bài viết cùng từ khoá Đánh giá giày chạy bộ
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Đánh giá chi tiết Nike Flyknit Lunar 2 – Hoàn hảo cho mọi cự ly
- Đánh giá Nike Air Zoom Pegasus 32 – Yêu từ lần chạy đầu tiên
- Đánh giá Nike Air Zoom Vomero 11 – Êm chân, chắc chắn
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn
Theo e ko nên chủ quan khi không mang vớ vì trong quá trình chạy chân ra mồ hôi hoặc nước từ môi trường xung quanh làm ướt thì các sợi vải sẽ trở nên cứng và ma sát với da chân rất dễ phồng rộp.
Mình đang sử dụng đôi Nike Lunarepic low flyknit 1, mang vừa size 11.5US. Nếu đặt đôi này thì nên mang size bao nhiêu thì vừa?