Phần IV: Phòng ngừa sốc nhiệt do gắng sức

Nguồn tài liệu: Exertional Heat Illness in Adolescents and Adults, Uptodate 2017

Nhóm biên tập: Đinh Linh, Nguyễn Kiến Quốc, Trần Băng Huyền, Ucbu, Linh Lê, Trần Thanh Mai

Quảng Cáo

Các biện pháp nhằm giảm nguy cơ sốc nhiệt bao gồm:

1. Biện pháp dài hạn nói chung

  • Phổ biến kiến thúc cho VĐV và mọi người về mức độ nghiêm trọng của sốc nhiệt, cũng như tầm quan trọng của việc nhận biết và xử trí phù hợp
  • Xây dựng chiến lược phòng tránh dài hạn, gồm cả việc thiết lập một đội cấp cứu.
  • Đảm bảo có đầy đủ các công cụ dụng cụ y khoa, bao gồm cả bồn ngâm nước lạnh hoặc các dụng cụ hữu ích khác cho việc làm mát tại điểm tập luyện hoặc thi đấu.
  • Kiểm tra lại và cập nhật kế hoạch ứng cứu khẩn cấp tình trạng EHI hàng năm với người điều hành, huấn luyện viên, vận động viên và nhân viên y tế.
  • Đào tạo đội ngũ y tế, cấp cứu, vận động viên, huấn luyện viên, người thân trong gia đình về EHS, việc tập luyện thích ứng nhiệt cần thiết và các chiến thuật tiếp nước.
  • Thêm các câu hỏi về EHS vào bảng hỏi trước khi tham gia giải cũng như quá trình kiểm tra sức khoẻ để xác định các cá nhân “có nguy cơ cao”.

2. Biện pháp dài hạn đối với VĐV

  • Duy trì cường độ tập luyện cao để nâng cao nền tảng thể lực
  • Nắm được các yếu tố thuận lợi, đặc điểm lâm sàng, mức độ nguy hiểm của sốc nhiệt, cũng như các biện pháp xử trí và phòng tránh.
  • Thiết lập và tuân thủ các quy định rõ ràng để đảm bảo tiếp nước đầy đủ: áp dụng tỷ lệ nghỉ ngơi/tập luyện hợp lý, cân trọng lượng trước và sau khi tập luyện, và khuyến khích việc uống cả nước và các loại đồ uống điện giải trong khi luyện tập.
  • Lập ra và tuân thủ theo hướng dẫn thích ứng nhiệt nếu phải thi đấu trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn về vận động trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm kết hợp với việc đo nhiệt độ cầu ướt (WBGT*), thời gian tập luyện trong ngày, cường độ cũng như thời gian vận động, thời gian nghỉ và dừng để uống nước.

3. Các biện pháp huấn luyện trong tập luyện, hoạt động, thi đấu

  • Nghỉ ngơi thường xuyên giữa bài tập để uống nước và làm mát.
  • Tránh các hoạt động trong thời gian nhiệt độ quá cao và/hoặc ẩm (đo bằng WBGT); luyện tập khi WBGT thấp (tức là ban đêm, hoặc sáng sớm) hoặc môi trường trong nhà mát mẻ là một sự phương án hợp lí.
  • Đặc biệt chú ý đến các vận động viên có tỉ lệ khối cơ / diện tích da cơ thể cao (ví dụ các vận động viên béo phì) trong suốt bài tập ở điều kiện nóng ẩm.
  • Theo dõi cẩn thận các vận động viên có tiền sử sốc nhiệt.
  • Giảm thiểu các thiết bị, phụ kiện, quần áo cản trở sự tỏa nhiệt trong thời tiết nóng ẩm
  • Uống nước trước khi hoạt động và luôn bổ sung nước trong quá trình tập. Trước khi tập luyện và thi đấu trong thời tiết nóng, vận động viên nên bổ sung 6 mL nước /kg cơ thể mỗi 2-3 giờ để bắt đầu tập luyện trong tình trạng cơ thể đủ nước. Trừ khi vận động viên thiếu muối và các chất điện giải khác, lượng muối nạp vào trước và trong quá trình tập không có tác dụng ngăn ngừa sốc nhiệt.
  • Tránh tập luyện trong điều kiện môi trường nóng và/hoặc ẩm khi ốm.
  • Dừng tập luyện và thông báo cho nhân viên y tế ngay nếu bạn hoặc đồng đội bị kiệt sức nghiêm trọng, buồn nôn, hoặc các triệu chứng liên quan đến sốc nhiệt khác.
  • “Làm lạnh” (tức là thực hiện các biện pháp làm mát trước và đặc biệt trong lúc chơi thể thao) có thể mang lại hiệu quả cho vận động viên chơi các môn thể thao sức bền (chạy đường dài, đạp xe, tennis, các môn thể thao đồng đội) trong môi trường nóng.
    Các phương pháp “làm lạnh” bao gồm cả biện pháp bên trong (như là uống nước đá) và bên ngoài (như là áo choàng lạnh). Ngoài việc làm lạnh sơ bộ, vận động viên có thể áp dụng các biện pháp làm lạnh khi tập luyện. Ngoài việc uống nước đá, còn có thể mặc áo choàng đá, đắp khăn lạnh quanh cổ, đầu, trán hoặc nhúng cánh tay, bàn tay vào chậu đá. Các phương pháp làm mát sơ bộ có ảnh hưởng khác nhau lên các vận động viên, vì vậy điều quan trọng là cần thực hiện và theo dõi các biện pháp làm mát này trong tập luyện trước khi ứng dụng trong thi đấu.
  • Mặc trang phục thể thao thông thoáng, hỗ trợ thoát nhiệt nhanh trong quá trình tập luyện khi trời nóng. Nên thay quần áo khi thấy sũng mồ hôi và muối làm hạn chế khả năng làm mát.

4. Hướng dẫn tập luyện thích ứng nhiệt độ

Quá trình thích ứng với khí hậu nóng thường đòi hỏi 7 – 14 ngày. Lý tưởng nhất, VĐV nên tập luyện 2 tuần liên tiếp dưới điều kiện tương đương với mức nhiệt tại cuộc đua. Tăng đần cường độ và thời gian vận động. Hầu hết sự thích nghi diễn ra ngay trong tuần đầu tiên.

Các buổi tập luyện cho việc thích ứng với nhiệt độ nên kéo dài ít nhất 60 phút/ngày, và kích thích sự tăng nhiệt độ cơ thể, da cũng như kích thích đổ mồ hôi.

Môi trường:

  • Môi trường tương tự như môi trường sẽ gặp trong hoạt động mục tiêu.
  • Nhiệt độ môi trường ấm hoặc nóng (Nhiệt độ tính theo WBGT* > 26ºC).
  • Độ ẩm tương đối tương tự như độ ẩm sẽ gặp trong hoạt động mục tiêu.
  • Nếu không có điều kiện tập luyện trong môi trường tương tự, thì có thể mặc thêm quần áo hoặc tập luyện trong khoảng thời gian nóng nhất/độ ẩm cao nhất trong ngày

Tính chất của bài tập

  • Thời gian tập: > 60 phút
  • Ngưỡng tập luyện: aerobic
  • Cường độ: Cường độ trung bình (nên bắt đầu từ mức nhịp tim vào khoảng 60 và cao nhất là 80% ngưỡng nhịp tim tối đa ước tính dựa theo độ tuổi).
  • Tần suất luyện tập: Mỗi ngày tập một lần (có thể nâng lên đến tần suất một ngày tập hai bài xen kẽ với ngày tập một bài)

Tiếp nước cho cơ thể

  • Duy trì tỉ trọng nước tiểu ở mức: < 1, 020 gram/mL
  • Độ thẩm thấu niệu: <700 16
  • Màu nước tiểu: <3 (theo thang 8 màu)

Đảm bảo an toàn

  • Theo dõi nhiệt độ bằng nhiệt kế hậu môn hoặc đường tiêu hoá (<40 độ C)
  • Theo dõi vận động viên để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng của các chứng bệnh do nhiệt gây ra
  • Theo dõi nhịp tim để phát hiện trường hợp cường độ hoạt động lên cao quá (vượt qua ngưỡng 80% mức nhịp tim tối đa ước tính theo độ tuổi)
  • Tránh không tập các bài interval ở tốc độ dự kiến trong giải đua (có thể tập các bài tốc độ này vào lúc khác, trong điều kiện môi trường mát hơn)
  • Tính toán tốc độ ra mồ hôi: cân nặng cơ thể (không mặc quần áo) trước khi tập (kg) – cân nặng cơ thể (không mặc quần áo) sau khi tập (kg) + lượng nước đã uống vào (lít) trong mỗi giờ tập luyện = tốc độ ra mồ hôi (lít/giờ)
  • Đảm bảo vận động viên tiếp đủ nước cho cơ thể trước và trong quá trình tập luyện (duy trì tình trạng mất nước < 2%)
  • Cường độ tập luyện nên tương ứng với trình độ và sức khoẻ của vận động viên

*WBGT: WetBulb Globe Temperature: Nhiệt độ cầu ướt dựa trên cả nhiệt độ không khí, độ ẩm, tốc độ gió, ánh nắng, bức xạ hồng ngoại.

Tham khảo: Bảng tra nhiệt độ WBGT dựa trên độ ẩm và nhiệt độ không khí

(Cách dùng: Gióng hàng ngang – Độ ẩm tương đối và hàng dọc – Nhiệt độ không khí để tìm ra nhiệt độ WBGT – Ví dụ Độ ẩm tương đối là 80%, nhiệt độ không khí 25 độ C, thì nhiệt độ WBGT theo bảng này sẽ là 28 độ).

5. Khi nào có thể chơi thể thao trở lại

Phục hồi từ một cơn sốc và chấn thương do nhiệt liên quan đến thời gian tăng nhiệt độ cơ thể lên mức nghiêm trọng (khoảng 105 độ F, 40,5 độ C): Thời gian nhiệt độ cơ thể duy trì mức nhiệt cao càng lâu, nguy cơ bệnh tật và tử vong cao hơn, và mất nhiều thời gian hơn để hồi phục. Bất cứ hướng dẫn nào được sử dụng để xác định cách tiếp cận và khung thời gian phục hồi của vận động viên phải được điều chỉnh dựa trên mức độ trầm trọng của bệnh.

Những hướng dẫn để tập luyện trở lại sau khi hồi phục hoàn toàn từ sốc nhiệt có sự khác nhau giữa các chuyên gia, tổ chức. Tối thiểu, vận động viên không nên bắt đầu bất cứ hoạt động thể lực đáng kể nào cho đến khi không còn triệu chứng nào, cũng như các xét nghiệm máu trở lại bình thường. Ngoài các yêu cầu này, các hướng dẫn bao gồm các khuyến nghị “thông thường”, bao gồm việc bắt đầu các hoạt động thể chất một cách từ từ, thận trọng để đảm bảo có đủ sức khỏe khả năng và thích nghi.

Khuyến cáo của American College of Sports Medicine (Trường môn Y học thể thao Hoa Kì) về việc vận động viên trở lại chơi thể thao và thi đấu sau khi sốc nhiệt như sau:

  • Không được phép tập luyện trong ít nhất 7 ngày kể từ khi được xuất viện.
  • Theo dõi sức khỏe với bác sĩ trong khoảng 1 tuần sau khi xuất viện để kiểm tra cơ thể và làm xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán hình ảnh các cơ quan bị ảnh hưởng khi sốc nhiệt.
  • Một khi hồi phục và trở lại hoạt động, vận động viên nên bắt đầu tập ở môi trường mát mẻ và dần tăng thời gian, cường độ và tiếp xúc nhiệt trong khoảng 2 tuần để chứng minh khả năng chịu nhiệt và thích nghi với thời tiết.
  • Những vận động viên không thể tiếp tục hoạt động mạnh trong 4 tuần do các triệu chứng tái phát (ví dụ mệt mỏi quá mức) nên được kiểm tra lại. Kiếm tra khả năng chịu nhiệt trong phòng thí nghiệm có thể hữu ích.
  • Vận động viên có thể tiếp tục thi đấu khi anh ta/cô ta có khả năng tham gia toàn bộ buổi tập trong môi trường nóng ẩm trong 4 tuần mà không gặp ảnh hưởng xấu nào.
Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá an toàn

Các bài viết cùng từ khoá chạy bộ mùa nóng

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *