Đã bao lâu rồi mình không chia sẻ bài viết đánh giá / giới thiệu về giày chạy bộ trên blog nhỉ?
Nếu không tính bài viết chia sẻ nhanh về các đôi giày adidas, Under Armour và Asics trong đợt giveway hồi đầu năm, lần cuối cùng một đôi giày chạy được mình giới thiệu trên blog đã cách đây hơn 18 tháng.
Đó là hồi tháng 03/2021 khi mình chia sẻ về đôi adidas UltraBoost 21 với đặc điểm nhận dạng: đế siêu dày, giày siêu nặng. Còn đôi giày trước đó được khoe trên blog là Nike Vaporfly NEXT%, chia sẻ hồi 09/2019.
Éo le thay, cả hai đôi giày trên đều không phải giày của mình mà là đều hàng mua dùm bạn, chỉ kịp chụp hình trên chân thật nhanh rồi gửi cho chủ nhân. Không có được cơ hội đánh giá chi tiết về cảm giác và trải nghiệm chạy.
Trong khi đó, cả tủ giày chạy bộ của mình đã và đang sử dụng trong hơn 3 năm vừa qua vẫn chưa có đôi nào được giới thiệu trên blog. Danh sách bao gồm:
- Nike Air Zoom Turbo 2 (đã được cho nghỉ hưu, mọi người có thể xem đánh giá Turbo 1 ở đây)
- Nike Free Rn
- Nike React Miler
- adidas UltraBoost Prime DNA
- Altra Vanish Carbon
- Saucony Ride 15
- Saucony Guide 15
- Y-Sandal Running
Để phá dớp lười biếng, từ hôm nay mình sẽ khởi động lại chuyên mục đánh giá giày chạy bộ trên blog. Mục tiêu từ giờ đến hết năm sẽ khoe hết số giày trên lên blog.
Nhân vật đầu tiên được chọn mặt gửi vàng chia sẻ lên blog là em Saucony Ride 15 – đôi giày chạy bộ yêu thích của mình trong hơn 1 năm vừa qua. Danh sách lên bài sẽ theo thứ tự như sau
- 11/11: Saucony Ride 15
- 13/11: Saucony Guide 15
- 15/11: Saucony Endorphin Elite (siêu phẩm sắp ra mắt)
Mọi người nhớ quay lại blog để tham khảo nhé.
I. Giới thiệu về Ride 15
Saucony Ride 15 được hãng xếp vào phân khúc Neutral Daily Trainer (giày chạy trung tính), bên cạnh Saucony Guide 15 được xếp vào phân khúc Supportive Daily Trainer (giày chạy bổ trợ).
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cá nhân, bạn đừng nên quan tâm đến các phân loại giày này. Nó chỉ là chiêu bài marketing bán hàng, chẳng có ý nghĩa gì cả. Cần phải thử giày mới biết đôi nào cảm thấy thoải mái, phù hợp nhất. Mình sử dụng cả hai đôi đều thấy ổn, chẳng gặp vấn đề gì.
Hai dòng giày Ride Series và Guide Series được xem là phân khúc chủ lực của Saucony, hiện đã ra phiên bản thứ 15. Cả hai đều được nâng cấp đều đặn hàng năm, nhằm cạnh tranh với các đối thủ từ Nike, Asics, Brooks:
- Dòng Neutral: chung nhóm với Saucony Ride là Nike Air Zoom Pegasus, Brooks Ghost, Asics GEL-Nimbus
- Dòng Support: chung nhóm Saucony Guide là Nike Air Zoom Structure, Brooks Adrenaline, Asics GEL-Kayano
Saucony Ride 15 gia nhập tủ giày nhà mình từ tháng 11/2021. Đến giờ đã hơn 1 năm và nó vẫn đang là đôi giày mình sử dụng thường xuyên nhất cho các buổi tập.
Ride 15 cũng là đôi giày Saucony đầu tiên mình sử dụng từ trước đến nay. Do đó mình không có cơ sở để so sánh nó với các phiên bản Ride trước đó hay so với các đôi giày Saucony khác.
II. Săm soi ngoại hình
Ấn tượng đầu tiên của mình với đôi Saucony Ride 15 là vẻ ngoài gọn gàng, tối giản. Cấu trúc giày theo phong cách căn bản truyền thống: thân giày lưới xanh nguyên khối ở trên, ở giữa là midsole PWRRUN màu trắng và dưới cùng là đế cao su màu đỏ.
1. Thân giày
Thân giày Ride 15 được cấu tạo từ lớp lưới nguyên khối, tương tự như trên các đôi Nike Pegasus mình đã dùng trước đây. Phần mũi giày rộng rãi, không bị bó ở bất kỳ vị trí nào. Nhờ vậy mình có thể mang vớ chạy bộ thông thường hoặc vớ xỏ ngón đều thấy thoải mái.
Trên thực tế, mình thường xuyên kết hợp đôi Ride 15 này với đôi vớ Injinji Spectrum Trail Mini-Crew trong các buổi chạy. Và thấy rất hài lòng với combo này.
Khu vực xỏ dây giày là sự kết hợp của các lỗ được đục trực tiếp trên lớp lưới, xen giữa là 1 vòng móc dây. Nhờ vậy khi siết chặt, giày ôm chặt chân hơn. Khu vực này được gia cố chắc chắn để bảo đảm độ bền khi siết dây.
Lưới gà được đệm dày để bảo vệ mu bàn chân không bị cấn bởi dây giày siết chặt bên trên.
Lưỡi gà trên đôi Saucony Ride 15 không có cái khoen giữa để xỏ dây giày đi qua như kiểu của các đôi Nike, adidas mình đã sử dụng trước đây. Nhưng nó được may dính vào hai bên. Nhờ vậy trong khi chạy, lưỡi gà luôn cố định nguyên vị trí, không bị lệch qua một bên.
Phần cổ giày được bọc đệm dày, mang đến sự thoải mái cho cổ chân. Hai bên gót được gia cố cứng chắc. Miếng gia cố được ẩn trong lớp lưới nên mình không rõ là chất liệu gì.
2. Đế giày
Đế giữa của Ride 15 sử dụng công nghẹ PWRRUN. Thoạt nhìn cứ nghĩ nó là hai miếng đế dán chồng lên nhau, nhưng nhìn kỹ thì cái đường ngăn cách chỉ là cái rãnh trang trí. Các đường vân chạy dọc theo đế là được tạo hình do cái khuôn giày, không phải hai chất liệu khác nhau.
Nhìn bên ngoài, đế giữa có vẻ rất dày. Nhưng đó chỉ là hiệu ứng do thiết kế thành cao hai bên. Ngoài ra, phần đế được làm bè ra hai bên, tạo nên sự ổn định, chắc chắn khi mang.
Đế cao su được nhuộm màu màu đỏ cam gồm nhiều miếng nhỏ được bố trí ở các vị trí trọng yếu để tăng ma sát khi tiếp đất và chuyển bước. Sau 1 năm sử dụng, mình thấy các miếng cao su vẫn chưa bị mòn nhiều, dư sức phục vụ trong một thời gian dài nữa.
3. Lót giày
Lót giày của Ride 15 được làm từ chất liệu foam PWRRUN+ giống như đế giữa của các đôi thuộc dòng Endorphin cao cấp. Đây là cái đế giữa xịn nhất mình từng được thấy trên 1 đôi giày chạy bộ.
Miếng lót giày PWRRUN+ kết hợp với đế giữa PWRRUN mang đến trải nghiệm trên chân hoàn toàn khác lạ so với các đôi giày Nike mình đã dùng trong hơn 7 năm qua: mềm mại nhưng chắc chân.
III. Trải nghiệm thực tế
Ấn tượng đầu tiên khi cầm đôi Ride 15 trên tay là nó nhẹ hơn nhiều so với dự đoán của mình. Nhẹ hơn hẳn so với đôi Nike React Miler mình mới rước về trước đó vài tuần. Bởi vậy, từ lúc Ride 15 xuất hiện, đôi React Miler bị ghẻ lạnh luôn.
Saucony Ride nặng 288.5 gram / chiếc, tương đương với các đôi Pegasus của Nike và nhẹ hơn rất nhiều so với đôi adidas UltraBoost 21 (375 gram).
Dưới đây là tổng hợp khối lượng của các đôi giày mình đã từng cân trước đây để mọi người dễ dàng đối chiếu, so sánh.
Mình mang đôi này size 9 US (42.5 EU). Thân giày ôm nhẹ theo bàn chân, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Ngay trong lần đầu tiên chạy thử hồi mới rước em về nhà, mình đã thấy thích ngay. Đế PWRRUN tuy không bật nẩy tốt như đế giữa ZoomX của đôi Nike Turbo 2, nhưng nó mềm hơn, mang đến cảm giác êm ái, dễ chịu mỗi khi tiếp đất. Nhờ vậy, Ride 15 rất phù hợp với các buổi chạy dài ở tốc độ trung bình, hoặc các buổi chạy recovery ở tốc độ rùa bò dưỡng sinh.
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu tập luyện, đôi Ride 15 đã từng sát cánh với mình khi thi đấu ở giải Tri-Factor Vũng Tàu 2022. Khi cần bứt tốc, em nó vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
IV. Tổng kết
Saucony Ride 15 là lựa chọn yêu thích của mình trong 1 năm qua dành cho các buổi tập chạy hằng ngày. Nó không thực sự nổi bật giữa dàn siêu sao mới nổi của Saucony như: Endorphin Speed, Endorphine Pro,… nhưng nó có giá trị riêng và có lượng fan riêng, trong đó có mình.
Bởi vậy mới được duy trì đến phiên bản 15 hiện tại, và chắc chắn sẽ còn được tiếp tục nâng cấp thêm nhiều phiên bản nữa trong tương lai.
Bài viết chém gió về Saucony Ride 15 đến đây xin hết. Hẹn gặp lại ở bài viết sau: Saucony Guide 15, sẽ được ra lò sau 2 ngày nữa.
Các bài viết cùng từ khoá Saucony
- Đánh giá Saucony Guide 15 – Cảm giác thân quen
- Đánh giá Saucony Ride 15 – Mềm mại, êm ái cho các buổi chạy dài
- Saucony – Cảm hứng từ một dòng sông
- Trên chân và đánh giá nhanh Saucony Endorphin Elite – Siêu thoáng, siêu bật, siêu nhiều lỗ
Các bài viết cùng từ khoá Saucony Ride 15
Các bài viết cùng từ khoá Đánh giá giày chạy bộ
- Chia sẻ cảm nhận Nike Air Zoom Pegasus 33 sau gần một năm sử dụng
- Đánh giá chi tiết Nike Flyknit Lunar 2 – Hoàn hảo cho mọi cự ly
- Đánh giá Nike Air Zoom Pegasus 32 – Yêu từ lần chạy đầu tiên
- Đánh giá Nike Air Zoom Vomero 11 – Êm chân, chắc chắn
- Đánh giá Nike Epic React Flyknit – [Phần 1] Ngoại hình hấp dẫn
Cảm ơn anh đã nhiệt tình chia sẻ , cho em hỏi thêm xíu là dòng này có bị tuột gót chân không anh ? Hồi trước anh mua ở store nào vậy anh ? Em vào mấy trang online mà không thấy có địa chỉ nào bán anh ạ :((
Mình mang không bị tụt gót gì cả. Đôi này là hàng được hãng tặng. Ở đây hình như không có bán nhé.