Nếu bạn yêu chạy bộ và có ý định gắn bó lâu dài và nghiêm túc với môn thể thao này. Đừng tiếc rẻ một đôi giày đã xuống cấp. Giày chạy bộ chỉ là công cụ để giúp bạn tập luyện và thi đấu, khi công cụ không còn hữu ích, bạn cần phải thay cái mới.

Giày tui còn mới mà! Sao phải mua đôi khác?

Có lẽ đó là phản ứng tự nhiên khi ai đó khuyên bạn cần thay giày mới sau vài trăm km chạy bộ hoặc vài tháng sử dụng, khi mà giày nhìn vẫn ngon, chưa bị rách chỗ nào và đế chưa thấy mòn lắm. Nhiều người có xu hướng mang giày càng lâu càng tốt, tới lúc nát mới cắn răng vứt trong tiếc nuối. Lý do:

Quảng Cáo
  • Xét về khía cạnh kinh tế, bạn bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua giày. Tất nhiên bạn muốn tận dụng khoản đầu tư này càng lâu dài càng tốt. Thay giày mới khi chưa sử dụng được 1 năm là một sự lãng phí, nhất là với những đôi giày hiệu giá vài triệu đồng.
  • Về khía cạnh tâm lý, đối với nhiều người, giày cũng như 1 người bạn, người yêu. Họ nâng niu, chăm sóc cẩn thận như một món trang sức. Nhất là những đôi giày chạy đã chinh chiến hàng trăm km trong tập luyện lẫn qua nhiều giải đấu, nó đã trở nên quá thân thuộc. Vứt bỏ sau một thời gian ngắn sử dụng chắc chắn là việc không ai muốn làm với đôi giày thân yêu của mình.

I. Vậy tại sao phải cần mua giày chạy bộ mới sau một thời gian nhất định?

Đối với giày thời trang và sportwear, thời gian sử dụng không phải là mối bận tâm, bạn có thể dùng trong vài năm cũng không thành vấn đề. Nhưng đối với giày thể thao nói chung hay giày chạy bộ nói riêng, chất lượng giày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tập luyện và khả năng bảo vệ chân khỏi chấn thương.

1. Vai trò của đế giữa (midsole)

Giày chạy bộ qua thời gian sử dụng sẽ mất dần khả năng đàn hồi và chống sốc, vốn là cơ chế bảo vệ bàn chân khi chạy. Khi chất lượng giày đi xuống, bạn sẽ có nguy cơ dính chất thương cao nếu vẫn tiếp tục sử dụng. Đừng để vẻ bề ngoài của giày đánh lừa bạn, có thể đế cao su (outsole) vẫn chưa mòn và thân giày (upper) nhìn vẫn còn mới nguyên, nhưng phần đế giữa (midsole) đã tới tuổi về hưu và bạn cần phải thay giày mới.

Đế giữa - đế ngoài
Phân biệt đế giữa và đế ngoài

Đế giữa (midsole) chính là bộ phận cung cấp khả năng đàn hồi cho giày, giúp chống sốc khi chạy. Vật liệu của đế giữa đa số là EVA (Ethylene Vinyl Acetate), cấu thành từ rất nhiều cái túi khí nhỏ li ti ép lại với nhau. Khi chân tiếp đất, các túi khí này bị ép lại và sẽ bung ra khi chân nhấc khỏi mặt đất. Đó là cơ chế giúp đế giữa hấp thu trọng lượng cơ thể khi chạy, nhờ đó bảo vệ chân khỏi chấn thương.

Các hãng giày thường đánh bóng tên tuổi bằng cách thêm các vật liệu cao cấp khác vào giày như AIR (Nike), GEL (Asics), BOOST (Adidas) để marketing khả năng chống sốc, nhưng EVA vẫn luôn là thành phần quan trọng nhất. Qua thời gian, các túi khí li ti của EVA sẽ mất dần khả năng đàn hồi khiến giày của bạn không còn hoạt động đúng chức năng vốn có. Chạy trong những đôi giày này sẽ làm tăng áp lực và tác động lên chân và đầu gối, dễ dẫn đến chấn thương nghiêm trọng về sau.

II. Làm sao biết khi nào cần mua giày chạy bộ mới?

2 tháng? 5 tháng? 500km? 1000km?

Trả lời: Còn tuỳ!

Tuỳ thuộc vào cân nặng, phong cách chạy, cách sử dụng và địa hình chạy mà thời gian sử dụng giày của mỗi người dài ngắn khác nhau. Sẽ không có câu trả lời chính xác bao lâu bạn cần phải thay giày mới. Với những người chạy lâu năm, họ có thể cảm nhận được sự khác biệt khi giày bắt đầu xuống cấp. Với đa số người chạy bình dân cho vui như mình, việc này là quá khó.

1. So sánh với giày mới

Nếu nghi ngờ giày đang có dấu hiệu muốn về hưu, bạn có thể ra cửa hàng giày để kiểm tra và nhớ mang đôi cũ theo. Hãy tìm đôi giày mới y hệt đôi giày bạn đang có để thử. Sau đó mang lại đôi cũ và so sánh. Nếu bạn cảm thấy có sự khác biệt rõ ràng về độ êm, đàn hồi giữa hai đôi, bạn không nên tiếc nuối đôi cũ chi nữa.

2. Kiểm tra bằng tay

Bạn cũng có thể dùng cách nhấn ngón tay vào phần gót của đế giày để kiểm tra độ chết của đế giữa. Ở giày mới, đế giữa thường rất chắc và bạn không thể ấn sâu được. Nếu phần đế giữa của bạn trở nên mềm và lún khi bị nhấn, giày của bạn có lẽ không còn đủ khả năng đàn hồi sức nặng cơ thể.

3. Theo dõi quãng đường

Ngoài ra, còn một cách khác là theo dõi quãng đường đã chạy theo thời gian để biết khi nào cần thay giày. Theo các nghiên cứu và các hướng dẫn sử dụng của các hãng, bạn nên thay giày mới sau mỗi 600 đến 900km. Khoảng chênh lệch 300km tuỳ thuộc vào các yếu tố như cân nặng và cách chạy. Nếu bạn nhẹ cân, bạn có thể sử dụng đến 900km nhưng nếu bạn nặng hơn 90kg, có lẽ bạn nên thay giày mới sau khoảng 600km. Địa hình chạy cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của giày, chạy trên đường cứng sẽ khiến giày mau hư hơn là chạy trên máy trong phòng tập.

Tuy nhiên, thay giày mới không có nghĩa là bạn phải vứt đôi cũ vào sọt rác. Giày chạy bộ cũ có thể không còn hữu dụng cho bạn khi tập luyện, nhưng bạn vẫn có thể mang đi dạo hoặc đi chơi hàng ngày. Các hoạt động này không gây tác động lớn lên chân như chạy bộ nên bạn vẫn có thể tiếp tục tận dụng đôi giày cũ thêm một thời gian.

III. Làm sao để thống kê quãng đường đã chạy?

1. Sử dụng smarphone

Nếu bạn có sử dụng smartphone, hãy tận dụng chức năng “smart” của nó để giúp bạn. Đa số các điện thoại đời mới đều có trang bị GPS, giúp bạn ghi lại thông tin địa lý khi chạy. Kết hợp thêm với ứng dụng chạy bộ, vậy là bạn đã sẵn sàng để ghi lại các thông số quan trọng cho các buổi tập của mình: quãng đường, thời gian, vận tốc, và cả nhịp tim (nếu bạn có sử dụng thiết bị đo nhịp tim Bluetooth) . Các ứng dụng chạy bộ tiêu biểu được nhiều anh em sử dụng: Strava, Nike+ Running, Runkeeper, Runtastic, Endomondo, …

Tham khảo thêm: Các ứng dụng chạy bộ phổ biến nhất

Tuy nhiên, GPS chỉ hữu dụng khi chạy ngoài trời, nếu bạn chỉ chạy trong phòng tập trên máy (treadmill). GPS sẽ không thể hoạt động vì bạn chỉ chạy tại chỗ. Thay vì vậy, hãy ghi lại quãng đường chạy hàng ngày để tổng hợp được con số chính xác. Một số ứng dụng chạy bộ như Runkeeper, iSmoothRun có chức năng lưu lại các buổi chạy trên máy, hãy tận dụng nó để giúp bạn thống kê tốt hơn.

2. Tính toán bằng tay

Nếu bạn không có smartphone, hãy tính trung bình quãng đường chạy hàng tuần để xác định khoảng thời gian bạn nên mua mua giày mới. Ví du: bạn chạy 15km/tuần, trung bình để chạy 900km, bạn cần 30 tuần. Vì vậy, chu kỳ thay giày là 7 tháng 1 lần; nếu bạn tăng cư ly chạy hàng tuần lên, hãy tính toán lại thời gian để bảo đảm bạn luôn chạy trong những đôi giày đạt chuẩn.

Nói tóm lại, nếu bạn yêu chạy bộ và có ý định gắn bó lâu dài và nghiêm túc với môn thể thao này. Đừng tiếc rẻ một đôi giày đã xuống cấp. Giày chạy bộ chỉ là công cụ để giúp bạn tập luyện và thi đấu, khi công cụ không còn hữu ích, bạn cần phải thay cái mới.

Bạn dùng 1 đôi giày chạy bộ trong bao lâu, hãy chia sẻ với mọi người ở phần comment bên dưới nha

Tham khảo:
ACTIVE – When to replace a running shoe?
ABOUT – When should I replace my running shoes?

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá chọn mua giày

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *