Từ lâu mình đã không tin tưởng với kết quả đo nhịp tim từ cảm biến quang học trên đồng hồ Garmin Fenix 3HR đang dùng (xem bài này sẽ hiểu). Nhiều lúc chạy hộc máu mà toàn tim ở loanh quanh mốc 120-125 bpm. Ngược lại, đôi lúc nó lại nhảy lên tít 180bpm trong khi lúc đó đang chạy pace 7:30.

[Thử nghiệm] So sánh kết quả đo nhịp tim của Fenix 3HR vs. Dây đeo ngực Magene Mover - nhip tim vs pace
Chạy Pace 4 mà tim chỉ ở mức 136bpm! Vô lý quá!

Do đó, thông số nhịp tim đo trực tiếp từ đồng hồ mình chỉ xem cho vui, lâu lâu đem kết quả ra chém gió với chiến hữu. Với những bài tập nghiêm túc dựa trên nhịp tim, mình phải chuyển qua dùng dây đeo ngực, kết nối với đồng hồ qua ANT+ / Bluetooth.

Quảng Cáo

Dây đeo mặc dù hơi vướng víu bất tiện, nhưng cho kết quả đáng tin cậy hơn nhiều. Mình không chắc có chính xác 100% không nhưng nhìn biểu đồ luôn thấy hợp lý hơn hẳn so với kết quả từ cảm biến quang học.

Nếu bạn chưa biết gì về thiết bị đo nhịp tim, tham khảo lại bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các loại thiết bị đo.

Để kiểm chứng độ chính xác, mới đây mình đã thử nghiệm dùng dây đeo ngực và cảm biến quang học cùng lúc để đo nhịp tim trong một buổi chạy. Sau đó, mình sử dụng phần mềm để đối chiếu phân tích và đánh giá xem thiết bị nào cho kết quả hợp lý và ổn định hơn.

Dưới đây là kết quả chia sẻ để mọi người tham khảo

Thiết lập thiết bị

Đồng hồ Garmin Fenix 3HR mặc định chỉ có thể sử dụng cảm biến quang học có sẵn hoặc thiết bị đo ANT+ bên ngoài (không dùng cùng lúc 2 cái được). Do đó mình phải dùng thêm điện thoại, kết nối với dây đeo ngực qua Bluetooth.

  • Thiết bị 1: Garmin Fenix 3HR: sử dụng cảm biến quang học có sẵn trên đồng hồ
  • Thiết bị 2: Google Pixel 2: sử dụng ứng dụng Strava, kết nối với dây đo nhịp tim Magene Mover.

Thật may mắn khi mình kịp thực hiện phần thử nghiệm này trước khi ứng dụng Strava trên điện thoại cập nhật phiên bản mới, không cho kết nối với cảm biến Bluetooth / ANT+ bên ngoài kể từ ngày 29/08/2019. (Xem chi tiết)

Mình mở hai đồng hồ và điện thoại, đợi kết nối GPS thành công và bấm xuất phát cùng lúc. Sau đó chạy xong bấm kết thúc cùng lúc để bảo đảm đường chạy là như nhau.

  • Trên đồng hồ, mình vẫn giữ thông tin tài khoản như cũ. Tất cả bài chạy sẽ được đồng bộ lên Garmin Connect và tài khoản Strava tương ứng.
  • Trên điện thoại, mình đăng nhập Strava bằng 1 tài khoản khác chuyên dùng cho các thí nghiệm.

Bằng cách này, mình sẽ tải được 2 file GPX từ hai tài khoản Strava khác nhau để đối chiếu sau khi chạy xong.

Tải file GPX và so sánh

Để so sánh thông số nhịp tim chính xác và trực quan nhất, mình sẽ tải 2 file GPX từ Strava của 2 tài khoản dùng ở bước trên. Phần mềm sử dụng đọc file GPX mình sử dụng trong bài là GPXSee. Phần mềm này phải tải về cài đặt trên máy tính.

Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng ứng dụng web MyGPSFiles hoặc Quantified-Self để so sánh thông số giữa các file gpx với nhau.

[Thử nghiệm] So sánh kết quả đo nhịp tim của Fenix 3HR vs. Dây đeo ngực Magene Mover - tai file gpx strava
Để tải file GPX từ Strava, truy cập vào link buổi tập, bấm vào nút … bên tay trái và chọn Export GPX

Sau khi đã sẵn sàng 2 file GPX, mở phần mềm GPXSee để bắt đầu xem biểu đồ

[Thử nghiệm] So sánh kết quả đo nhịp tim của Fenix 3HR vs. Dây đeo ngực Magene Mover - gpxsee so sanh nhip tim 5
Giao diện GPXSee. Bấm Open và chọn file GPX

Mình chọn file GPX của buổi chạy đo bằng đồng hồ Garmin Fenix 3HR trước để xem nhịp tim đo bởi cảm biến quang học. Sau đó bấm nút Close để tắt, và chọn tiếp file GPX của buổi chạy đo bằng Google Pixel 2 – xem nhịp tim đo bởi Magene Mover.

So sánh hai biểu đồ có thể thấy sự khác biệt rõ rệt của biểu đồ nhịp tim đo bởi hai thiết bị khác nhau trong xuyên suốt buổi chạy.

  • Cảm biến quang học Fenix 3HR: nhịp tim trung bình 131bpm, cao nhất: 149bpm. Biểu đồ dao động không theo quy luật nào cả.
  • Dây đeo ngực Magene Mover: nhịp tim trung bình 135bpm, cao nhất: 154bpm. Biểu đồ dao động cho thấy rõ 3 giai đoạn: khởi động, chạy biến tốc 8 vòng, và làm nguội.

Mình mở cùng lúc 2 file GPX để đối chiếu rõ hơn sự chênh lệch

[Thử nghiệm] So sánh kết quả đo nhịp tim của Fenix 3HR vs. Dây đeo ngực Magene Mover - gpxsee so sanh nhip tim 3
So sánh tốc độ đo bởi GPS của Fenix 3HR (đỏ) và Google Pixel 2 (xanh)

Biểu đồ tốc độ phản ánh đúng bài tập của mình hôm đó: Interval 8 x 400m. Garmin Fenix 3HR cho ra kết quả dễ nhìn hơn, thấy rõ 8 đỉnh. Trong khi đó app Strava trên Google Pixel 2 cho kết quả nhiễu sóng hơn hẳn.

Thật khó để đánh giá cái nào chính xác hơn vì có thể app Strava trên điện thoại có tần suất lấy mẫu (sampling rate) tín hiệu GPS nhiều hơn nên tốc độ biến thiên khi chạy được ghi lại chính xác hơn, thể hiện qua việc biểu đồ thay đổi lên xuống liên tục. Dù sao pace trung bình đo ra từ hai thiết bị là 5:57 như nhau là được!

[Thử nghiệm] So sánh kết quả đo nhịp tim của Fenix 3HR vs. Dây đeo ngực Magene Mover - gpxsee so sanh nhip tim 4
So sánh nhịp tim đo bởi GPS của Fenix 3HR (đỏ) và dây Magene Mover (xanh)

Với tốc độ chạy đã được xác nhận bởi thông số GPS phía trên, thông số nhịp tim đo bởi Magene Mover rõ ràng hợp lý và ổn định hơn hẳn so với thông số nhịp tim đo bởi Fenix 3HR.

  • Magene Mover: Mỗi lần tăng tốc độ khi chạy biến tốc, nhịp tim tăng theo, và giảm xuống khi chuyển qua đi bộ nghỉ ngơi.
  • Fenix 3HR: nhịp tim không đồng bộ với việc thay đổi tốc độ chạy.

Hai thiết bị chỉ có khoảng tương đồng khi mới bắt đầu chạy. Điều này có thể hiểu được vì lúc này cổ tay vẫn còn khô ráo, cơ thể chưa vận động mạnh nên cảm biến quang học trên Fenix 3HR có thể nhận biết chính xác. Đến khi chạy nhanh, do nhiều yếu tố tác động (đồng hồ đeo không khít bị lắc, tay bị mồ hôi) cảm biến quang học dần mất đi sự chính xác và ổn định.

Ngược lại, dây đeo ngực đo nhịp tim dựa trên tín hiệu tim, không bị ảnh hưởng bởi mồ hôi hay vận động mạnh. Do đó, kết quả luôn ổn định và đáng tin cậy hơn hẳn.

Kết luận

Thí nghiệm này được thực hiện nhằm củng cố niềm tin rằng cảm biến quang học trên Fenix 3HR của mình, vốn đã là đồ cổ hiện tại, không hề đáng tin cậy tí nào. Và kết quả đúng là như vậy! Thảo nào trước đây chạy té khói mà tim lúc nào cũng loanh quanh 130bpm.

Mặc dù không thể khẳng định nhịp tim đo bởi dây đeo ngực Magene Mover là chính xác 100% (vì không có thiết bị chuẩn để đối chiếu), nhưng kết quả trong thí nghiệm cho thấy sự ổn định và tính tin cậy cao hơn nhiều so với cảm biến quang học trên Fenix 3HR. Vì thế nó sẽ luôn là lựa chọn của mình trong các bài tập quan trọng dựa trên vùng nhịp tim (heart rate based workout)

Các dòng đồng hồ mới nhất như: Fenix 6, Forerunner 945,… của bạn chắc chắn được trang bị cảm biến quang học tối tân hơn, có thể đem lại kết quả chính xác hơn và tương đương với dây đeo ngực. Tuy nhiên mình không có nên không thể có kết luận được. Bạn nào rãnh làm thí nghiệm thử và chia sẻ giúp với nha.

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá nhịp tim

Các bài viết cùng từ khoá thiết bị đo nhịp tim

Similar Posts

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments