Nhớ lúc còn nhỏ, mình rất mê các đôi giày thể thao Nike có lớp đệm không khí dưới đế giày cùng dòng chữ AIR nổi bật. Lúc đó còn ngu ngơ: “Con muốn mua đôi Adidas kiểu này nhưng lấy loại có đế AIR!” Ngày xưa đâu biết AIR là công nghệ độc quyền của Nike!

Đối với mình, các đôi giày AIR là một biểu tượng hấp dẫn đi chung với suy nghĩ chạy bộ với lớp đệm không khí chắc chắn là điều tuyệt vời nhất!

Quảng Cáo

Tuy nhiên khi bắt đầu chạy bộ, nghiên cứu nhiều hơn và thật sự trải nghiệm giày chạy bộ Air Max, mình đã nhận ra sự thật: Công nghệ Nike Air là nhảm nhí!

Nike Air có thể được xem là công nghệ đột phá nhưng nó không dành cho chạy bộ!

Mình không có ý nói rằng Nike Air là vô dụng. Lớp đệm khí này là một cuộc cách mạng trong thế giới giày khi ra mắt cách đây hơn 30 năm. Chỉ tính riêng mảng thời trang, sự ra đời của Air Max đã giúp tạo nên một nền công nghiệp riêng dành cho các dân ghiền giày (sneakerhead) và các nhà sưu tập với những tủ giày chật kín các đôi giày mới tinh chỉ để trưng bày.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh khoa học, gần như không có nghiên cứu nào (mặc dù các quảng cáo của Nike nói có) xác nhận rằng các túi khí nén bên dưới đế giày giúp thi đấu hiệu quả hơn. Các nghiên cứu gần đây thậm chí còn xác nhận điều ngược lại.

Hãy cùng tìm hiểu lại lịch sử hình thành và phát triển của Nike Air để đánh giá liệu đó là đột phá công nghệ hay là trò lố marketing?

Ngày xưa ở Oregon

Đó là vào năm 1964, Phil Knight – cựu sinh viên đại học Oregon và cũng là dân chạy, đã hợp tác với Bill Bowerman – huấn luyện viên của Phil thời đại học, lập nên công ty bán giày để phục vụ cho cộng đồng chạy bộ địa phương. Công ty được đặt tên Blue Ribbon Sports (BRS), chuyên phân phối giày chạy bộ Onitsuka Tiger (tiền thân của Asics) ở thị trường Mỹ.

Không lâu sau, cả Knight lẫn Bowerman đều nhận ra rằng họ muốn phát triển dòng giày chạy bộ cho riêng công ty mình. Năm 1969, Onitsuka ra mắt đôi giày Tiger Cortez, một thiết kế của Bowerman. Cùng thời điểm đó, BRS bắt đầu hợp tác với một nhà máy ở Nhật Bản để sản xuất những đôi giày chạy được mang thương hiệu riêng – Nike. Một trong những đôi giày đầu tiên là Nike Cortez.

Logo Nike – the Swoosh –  được thiết bởi một sinh viên tên Carolyn Davidson với giá $35. BRS chính thức đổi tên thành Nike năm 1972. Chiến lược quảng cáo tiếp thị khôn ngoan của Nike bắt đầu từ đây.

Knight và Bowerman đều tin rằng họ không nhất thiết phải bán các sản phẩm độc đáo. Họ bán cả ý tưởng và cảm hứng. Logo Swoosh, các hợp đồng tài trợ và các câu slogan huyền thoại – tất cả góp phần tạo dựng nên một thương hiệu khuyến khích mọi người tin tưởng vào sản phẩm hơn là việc tập luyện.

There is no finish line

NASA và nguồn gốc của Nike Air

Bạn có biết Nike Air là phát minh của một kỹ sư NASA, dựa trên kỹ thuật được dùng để chế tạo ra mũ bảo hiểm cho các phi hành gia?

Tailwind – Đôi giày đầu tiên tích hợp công nghệ AIR

Thập niên 70, Nike đang thành công vang dội nhờ bản hợp đồng với huyền thoại Steve Prefontaine và sự ra mắt của đôi giày Waffle Trainer – nổi bật với đế giày được phát triển bởi Bowerman (đồng sáng lập Nike) bằng cách đổ cao su vào vỉ làm bánh quế của vợ. Tiếp tục đà phát triển, năm 1978, Nike trình làng siêu phẩm mới: Nike Air Tailwind.

Được ra mắt hướng đến giải chạy Honolulu Marathon, đôi Nike Air Tailwind được trang bị công nghệ mới được phát triển bởi cựu kỹ sư NASA – M. Frank Rudy. Phát minh này sử dụng một kỹ thuật hàng không gọi là blow rubber molding (đúc cao su lỏng), từng được sử dụng để chế tạo ra nón bảo hiểm cho các phi hành gia sử dụng trong nhiệm vụ Apollo. Rudy đã dựa kỹ thuật này để thiết kế nên đế giữa (midsole) rỗng ruột làm từ các túi PU (polyurethane) được bơm khí nén bên trong.

Rudy đăng ký bảo hộ thiết kế năm 1979. Ý tưởng này lập luận rằng chạy bộ trên các lớp đệm khí sẽ mang đến khả năng đàn hồi ưu việt, vì các túi khí không bao giờ bị mòn sau thời gian dài sử dụng giống như các loại đế EVA. Thuở ban đầu, chiến lược tiếp thị của Nike Air chỉ tập trung đến các vận động viên chuyên nghiệp, tuy nhiên sau thời gian công nghệ này được mở rộng áp dụng trên các đôi giày phổ thông hơn với giá hơn $100.

Khi mới ra mắt, các túi khí Nike Air được giấu kín bên trong đế giày của đôi Tailwind. Thật khó để kiểm chứng liệu có túi khí nào trang bị trên giày hay không, trừ khi ai đó mổ xẻ đế giày ra để nhìn thấy miếng túi khí mỏng nằm ngay trên đế cao su Waffle.

Tất cả thay đổi sau vài năm khi Nike trình làng thế hệ Nike Air hoàn toàn mới: Air Max.

Nike Air Max and lợi nhuận khổng lồ

Thập niên 80, hai đôi giày Air Force 1Air Jordan 1 chiếm vị trí độc tôn trong thế giới bóng rổ. Nike cực kỳ nhạy bén trong chiến lược tiếp thị và xây dựng thương hiệu: Sau khi NBA cấm sử dụng đôi Air Jordan 1 trên sân vì màu sắc không phù hợp quy định của giải (thời xưa, các đôi giày bóng rổ ở NBA chỉ được làm màu trắng, trong khi đôi Air Jordan màu trắng – đỏ – đen), Nike đã chủ động trả tiền phạt cho Michael Jordan để tiếp tục mang giày thi đấu. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục đầu tư để phát triển công nghệ Nike Air lên một tầm cao mới.

Nike trở thành công ty tỉ đô vào năm 1986, cùng thời điểm hãng giày lừng danh này chăm chút những bước cuối cùng cho kế hoạch tung ra cuộc cách mạng mới cho các đôi giày được trang bị túi khí Nike Air. Một năm sau, Nike Air Max 1 được ra mắt, được tích hợp túi khí lớn hơn và đặc biệt mỗi bên đế giữa được khoét 1 ô nhỏ để lần đầu tiên trưng bày túi khí Air ra ngoài.

Túi khí air mỏng dài được dấu kín trong đế giày trước đây được thiết kế lại có hình dạng phi thuyền với hai mạn hai bên là túi khí Air hiển thị ra ngoài. Ở giữa là các túi khí cứng chắc làm lớp đệm chính. Ý tưởng này tạo nên một hình ảnh mới cho Nike, trở thành thương hiệu dẫn đầu cho các thiết kế theo hướng công nghệ. Các túi khí không chỉ có thể nhìn thấy được mà còn có thể tác động trực tiếp và cảm nhận được độ bật nẩy.

Đôi giày Air Max đầu tiên – Nike Air Max I – được thiết kế bởi Tinker Haven Hatfield – một trong những thiết kế gia huyền thoại trong ngành công nghiệp giày, đã tạo nên một công thức giúp mang về cho Nike hàng tỉ đô la trong nhiều thập kỉ sau đó.

Đôi giày được thiết kế thông thoáng, linh hoạt và gọn gàng nhưng nhờ có túi khí Air nổi bật ở đế giày mà nó trở nên đặc biệt hơn hẳn các đôi giày khác vào thời điểm đó. Rất dễ dàng thay đổi màu sắc và cứ thế lập đi lập lại. Nó không bao giờ trở nên lỗi thời.” – Hatfield chia sẻ về dòng giày Air Max.

Nike Air Max 1 – Thiết kế đột phá lần đầu tiên khoe túi khí AIR ra ngoài.

Sự phát triển của dòng giày Air Max đặt nền móng cho các nguyên tắc thiết kế của Nike trong thập kỷ kế tiếp. Đôi giày mang đậm dấu ấn cá nhân khi mỗi mẫu giày luôn được ra mắt với nhiều màu sắc khác nhau. Nike thay đổi hình dạng và kết cấu của công nghệ Air Max qua mỗi năm, quảng cáo dưới nhiều tên gọi khác nhau nhằm tối ưu doanh thu bán hàng.

Chiến lược marketing của Nike tập trung tôn vinh sự ưu việt của lớp đệm khí như là giải pháp tối ưu thành tích hoàn hảo cho tất cả mọi người. Đoạn quảng cáo năm 1994 dành cho đôi Air Max 2 dưới đây là một trong những ví dụ tiêu biểu:

Các đôi giày thể thao bỗng nhiên được lột xác khỏi thiết kế thô kệch nhàm chán trở thành món phụ kiện cao cấp, nhanh chóng biến bạn thành một vận động viên xuất sắc hơn. Công nghệ biến các đôi giày như là siêu phẩm tương lai.

Nhưng Air Max có giúp cải thiện thành tích tập luyện và thi đấu hay không là vấn đề gây tranh cãi.

Lịch sử của Air Max và lớp hậu duệ

Air Max được ứng dụng trong nhiều môn thể thao khác nhau nhưng trong phần tổng hợp này, mình chỉ tập trung vào các đôi giày chạy bộ.

Nike luôn quảng cáo rằng giày càng được tối ưu lớp đệm đàn hồi (nhờ túi khí Air) càng hữu ích cho tất cả dân chạy. Tuyên bố này đã được chứng minh không có tính thuyết phục trong những nghiên cứu gần đây. Thậm chí, Nike còn bị gọi là kẻ thù của chạy bộ trong sách “Sinh Ra Để Chạy” của Christopher McDougall.

Động lực đổi mới của Air Max đến từ lý tưởng của người Mỹ: càng nhiều càng tốt. Triết lý này đã được truyền tải xuất sắc với những quảng cáo Air Max trong thập niên 90. “[Nếu bạn thích] Air Max”, [Bạn sẽ yêu] Thêm Air Max”

Khái niệm “Thêm Air Max” càng được phát triển từ đây bằng nhiều cách khác nhau. Sau khi đôi Air Max I ra mắt năm 1987, các đôi giày thế hệ sau liên tục được cập nhật với túi khí to hơn, nổi bật hơn trên đế giày. Đôi Air Max 90 (bên trái) được trang bị túi khí to hơn, phần cửa sổ hai bên cũng to hơn so với phiên bản gốc. Tương tự với đôi Air Max IV, hay còn gọi là Air Max BW (bên phải), túi khí lại được làm to hơn, và cửa sổ rộng hơn để nhìn thấy Air rõ hơn.

Mọi việc trở nên điên rồ hơn từ đây. Năm 1991, cùng năm ra mắt Air Max BW, Nike cho ra đời đôi Air Max 180 được trang bị lớp đệm Air-Sole mở rộng ra đến phần đế cao su. Nói cách khác bạn có thể nhìn thấy túi khí Air từ hai bên lẫn từ bên dưới đế giày.

Tiếp theo, đôi Air Max 93 được ra mắt với túi khí kéo dài từ hai bên ra đến sau gót.

Những đôi giày Air Max thực sự nhìn rất ấn tượng. Nhưng công nghệ Air Max có thực sự giúp bạn chạy nhanh hơn hay nhảy cao hơn? Nike hoàn toàn không đề cập.

Thay vào đó, Nike tạo nên một quảng cáo dở hơi với Quincy Watts, vận động viên chạy bộ của Mỹ vừa mới dành 2 huy chương vàng ở thế vận hội Barcelona 1992. Dĩ nhiên, Watts không mang đôi Air Max 93 khi thi đấu. Nhưng trong đoạn quảng cáo, đôi chân của anh trở nên thanh thoát và bật nẩy liên tục với đôi giày trong chân.

Tiếp tục với chiến lược tiếp thị quen thuộc: Nike dùng hình ảnh các vận động viên hàng đầu để quảng cáo cho các công nghệ mới nhưng không hề giải thích lợi ích nó mang lại. Thông điệp quảng cáo luôn luôn nhấn mạnh giày càng nhiều túi khí Air càng tốt. Các túi khí Air Max trên đế giày nhìn ấn tượng, chắc chắn rồi. Nhưng “siêu đàn hồi” chưa chắc đã tốt.

Nike tạo nên đột phá mới với đôi Air Max 95, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về thiết kế. Nhà thiết kế Sergio Lozano đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới so với thiết kế đơn giản của những đôi giày trước đó của Hatfield. Air Max 95 được tích hợp lớp túi khí mỏng ở phần mũi kết hợp với túi khí lớn ở phần gót. Phối màu xám và xanh neon tạo nên một thiết kế ấn tượng cùng công nghệ đột phá.

Bên cạnh thiết kế sắc sảo, công nghệ Air Max giúp biến những đôi giày trở thành biểu tượng thời trang. Nhưng bạn không bao giờ nhìn thấy các vận động viên hàng đầu thế giới thi đấu với các đôi giày này ở các kỳ Olympic.

Rõ ràng, công nghệ Air Max không hề tạo nên một đôi giày chạy bộ hoàn hảo như cách Nike quảng cáo.

Air Max bùng nổ

Đến cuối thập niên 90, ngành công nghiệp giày chạy bộ chuyển hướng dần đến các sản phẩm chất lượng hơn là các thiết kế “giật gân nhưng vô dụng”. New Balance và Asics tập trung vào chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa khả năng đàn hồi và cân bằng. Ngược lại, Nike lại chọn hướng đi khác với công nghệ Air Max.

Sau khi ra mắt đôi Air Max 95 và nhận được những phản hồi tích cực với các túi khí Air trang bị ở mũi giày, Nike tiếp tục phát triển một loại đế giữa hoàn toàn bằng túi khí. Đôi Air Max 97 được trang bị với một lớp đệm khí khổng lồ kéo dài từ gót đến gần hết mũi chân.

Tiếp theo, Nike ra mắt Tuned Air vào năm 1999 trên đôi giày Air Max Plus. Bộ đệm này được trang bị thêm các thành phần cơ học vào túi khí để tăng thêm độ cân bằng cho giày.

Ngoài ra còn có một dòng giày riêng trang bị công nghệ Zoom Air được Nike quảng cáo “chuyển đổi áp lực từ mỗi bước chạy trở thành năng lượng đàn hồi cho bước chạy kế tiếp”. Đây là công nghệ duy nhất được chứng minh hữu ích cho giày chạy bộ và được ứng dụng trong các dòng giày hàng đầu của Nike: Pegasus, Vomero,…

Năm 2006, Nike ra mắt Air Max 360, đôi giày được trang bị túi khí Air kéo dài từ gót đến mũi. Sau gần 20 năm kể từ đôi Air Max đầu tiên, Nike cuối cùng đã đạt được mục tiêu tạo ra túi khí Air độc lập, không bị bao bọc trong lớp foam đệm truyền thống (EVA, PU).

Nike đã đi trọn hành trình bắt đầu từ “Air Max” đến “Thêm Air Max” rồi “Tối đa Air Max”. Dưới đây là toàn bộ quá trình phát triển của Air Max từ năm 1987 đến 2015

Năm 2017, Nike một lần nữa tạo mang đến đột phá mới cho công nghệ Air với đôi Nike Air VaporMax. VaporMax Air đánh dấu bước tiến mới khi loại bỏ hoàn toàn lớp đế cao su bảo vệ bên dưới, và lớp foam bên trên. Chúng được tách riêng thành nhiều túi khí nhỏ hoạt động độc lập, giúp tối đa độ đàn hồi và linh hoạt.

https://www.youtube.com/watch?v=hLx09opzhXc

Nếu thực sự những gì Nike tuyên bố là chính xác, các đôi giày Air Max chắc chắn là sự lựa chọn hàng đầu của các vận động viên chuyên nghiệp. Nếu cam kết ứng dụng công nghệ để phát huy tiềm năng của các nhà vô địch của Nike là nghiêm túc, chúng ta chắc chắn đã thấy các vận động viên Olympic, các vận động viên Marathon hàng đầu cán đích với những đôi giày Air Max sáng bóng. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.

Thực tế hoàn toàn ngược lại.

Nike tự xác nhận Air Max là nhảm nhí

Nhiều năm trước khi ra mắt Air Max 360, hai đại diện của Nike đã ghé thăm đại học Stanford để tìm hiểu các vận động viên được hãng này tài trợ yêu thích đôi giày nào nhất. Đáng buồn thay, huấn luyện viên Vin Lananna đã trả lời thẳng thẳn: khi học trò của ông tập với chân đất, họ chạy nhanh hơn và ít bị chấn thương hơn.

Nghịch lý này đã được chia sẻ trong quyển sách “Sinh ra để chạy“, bởi Christopher McDougall – một người đam mê chạy chân trần. Nhờ trao đổi với các chuyên gia về cơ thể học, tác giả nhận ra rằng những đôi giày siêu đàn hồi, siêu bảo vệ hóa ra lại có liên quan đến tỉ lệ chấn thương ngày càng tăng cao.

Rất nhiều chấn thương bàn chân và đầu gối đang hành hạ chúng ta là do chúng ta chạy bằng những đôi giày làm cho bàn chân yếu đi, khiến ta tiếp đất má ngoài nhiều hơn, gây ra những vấn đề về gối. Cho tới tận năm 1972, trước khi Nike phát minh ra giày thể thao hiện ddaij, con người vẫn chạy bằng các đôi giày có đế rất mỏng, có bàn chân khỏe khoắn và ít bị chấn thương đầu gối hơn nhiều” – Tiến sĩ Daniel Lieberman, giáo sư chuyên ngành sinh học tiến hóa cơ thể người của đại học Harvard nhận xét trong sách Sinh Ra Để Chạy (trang 229 – bản dịch tiếng Việt).

Trong bối cảnh đó, chạy bộ chân trần – cùng với các đôi giày mô phỏng chân trần – đã nhanh chóng trở thành xu hướng toàn cầu. Không bỏ lỡ thời cơ, Nike đã quyết định tung ra một dòng giày chạy bộ mới với những tính năng ưu việt mà Air Max không có.

Phiên bản Nike Free đầu tiên: Nike Free 5.0 (2004)

Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Nike cho ra đời siêu phẩm mới: Nike Free. Nó được thiết kế với tiêu chí tối đa độ linh hoạt và giảm thiểu lớp đệm đàn hồi. Bên cạnh đó, Nike còn giới thiệu thêm hệ thống đánh số nhằm xác định mức độ đàn hồi của mỗi đôi giày được trang bị công nghệ mới này. Nike Free 3.0 có đế mỏng nhẹ gần như chạy chân trần, còn Nike Free 7.0 (đã ngưng sản xuất) êm và đàn hồi nhất.

Jeff Pisciotta, nghiên cứu viên cấp cao tại Phòng thí nghiệm thể thao của Nike đã nhận xét: “Trên khắp trái đất, chúng tối tìm thấy vài nhóm người vẫn đang chạy chân trần, và bạn sẽ thấy rằng trong quá trình đẩy đi và tiếp đất, biên độ chuyển động ở bàn chân cũng như sự tham gia của các ngón chân của họ nhiều hơn rất nhiều. Bàn chân họ thả lỏng, xòe, chãi ra, bám lấy mặt đất, đồng nghĩa với việc bạn ít bị xoay nghiêng bàn chân hơn và áp lực được phân tán ra rộng hơn.” (trang 249, sách Sinh Ra Để Chạy)

Những đôi Nike Free đầu tiên được ra mắt năm 2004, và nhanh chóng trở thành một trong những dòng giày chạy bộ chủ lực của Nike từ đó. Rõ ràng đế giày Nike Free chỉ là một miếng đệm nguyên khối, không có túi khí Air nào cả.

Lời kết

Từ khởi đầu của trào lâu chạy bộ chân trần bắt đầu cách đây hơn một thập niên, khá nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng giày với lớp đệm mỏng chưa hẳn đã tốt. Về sau, càng nhiều dân chạy quay trở lại các đôi giày có lớp đệm đàn hồi như cũ.

Thế nên mua giày nào? Đệm nhiều, đệm ít hay không có đệm gì cả?

Một số người vẫn thích chạy với các đôi Nike Air, số khác lựa chọn Free, và không ít người vẫn tin tưởng chạy chân trần là sự lựa chọn tối ưu nhất. Nói cách khác, tất cả tùy thuộc vào bàn chân và phong cách của bạn. Bạn cần một đôi giày phù hợp, chứ không phải một đôi giày theo trào lưu.

Chọn giày chạy bộ giống như chọn bồ: Cần có sự trải nghiệm

Ngoài ra còn có rất nhiều người đam mê công nghệ giày chủ yếu theo xu hướng thời trang. Họ không phải là dân chạy. Các đôi Air Max vẫn luôn “cháy hàng” khi mỗi Nike tung ra các phiên bản giày cũ  dưới dạng giới hạn (limited edition). Nike không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền khi liên tục cách “xào nấu” công nghệ con cưng bằng cách kết hợp các túi khí Air Max vào các thiết kế giày mới, hay thậm chí nhét túi khí Air vào đế Free hay Lunarlon.

Nike SB Stefan Janoski Max

Các công nghệ giày của Nike nói riêng và ngành công nghiệp giày nói chung cũng giống như xu hướng thời trang. Đến rồi đi, không cần lý do. Đột phá công nghệ có thể chỉ là trò lố marketing nhằm đánh lừa người tiêu dùng và tối đa hóa lợi nhuận.

Liệu có mấy ai còn nhớ đến công nghệ Nike Shox đã từng làm mưa làm gió đầu thập niên 2000 nay đã hoàn toàn biệt tăm? Đó là một trong những ví dụ tiêu biểu của “nghệ thuật marketing” mà Nike giỏi hơn bất kỳ ai.

https://www.youtube.com/watch?v=RGsj7sDnmGA

Tham khảo: Gizmodo, Nike

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá Nike Air

Các bài viết cùng từ khoá công nghệ giày

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *