Chạy bộ không chỉ là một môn thể thao mọi người tìm đến để giảm cân, rèn luyện sức khỏe mà còn là một phong cách, triết lý sống.
Chắc chắn đây là câu châm ngôn về chạy bộ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây trên tất cả các phương tiện truyền thông, từ Facebook đến các đầu báo lớn như Tuổi Trẻ, Tiền Phong. Phong trào chạy bộ ở Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng đang có những bước tiến vững chắc nhờ sự lăng xê kịp thời của báo chí, truyền hình, các club chạy bộ,… và tất nhiên không thể thiếu sự hiện diện của Yêu Chạy Bộ blog.
Sunday Running Club (SRC) sau 2 năm hoạt động đã vượt mốc 2000 thành viên. Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của rất nhiều các hội nhóm chạy bộ khác khắp mọi miền đất nước: Vietrunners (TP.HCM), Danang Runners (Đà Nẵng), Long Distance Runners (Hà Nội). Các nhóm đều được quản lý bài bản, thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đua sôi nổi cho các thành viên. Tất cả cùng nhau tạo nên một không khí thể thao vui nhộn và đầy cảm hứng, góp công lớn trong việc cổ động phong trào chạy bộ ở Việt Nam.
Chạy bộ thật sự đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng runner hiện nay: ăn chạy bộ, ngủ chạy bộ, facebook chạy bộ, chém gió chạy bộ, blog chạy bộ,…
Với bản thân mình, chạy bộ không chỉ là một phong cách sống, mà chạy bộ còn là một nghệ thuật và mỗi dân chạy là một người nghệ sĩ. Đó là lý do mình đã thay đổi slogan của blog từ “Chia sẻ đam mê, kiến thức chạy bộ” thành “Hãy chạy theo cách của bạn” khi nâng cấp lên version 4.0 mới đây.
Và đó cũng là lý do của bài viết chém gió hôm nay. Mời các bạn xem tiếp bên dưới
Chạy bộ là một nghệ thuật
Chạy bộ trước đây với mình chỉ là một phương pháp rèn luyện thể lực, duy trì sức khỏe, không hơn không kém. Đôi khi mình còn tự hỏi: “Tại sao các vận động viên phải đày đọa bản thân, tập luyện ngày đêm để tranh giành chức danh ‘nhà vô địch’ làm gì? Có phù phiếm và hão danh quá không? Tại sao không dành thời gian làm gì đó hữu ích hơn cho đời?!?” Không biết có bạn nào đã từng thắc mắc tương tự như mình không nhỉ?
Phải sau một thời gian dài tập luyện, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau (đau đớn, sung sướng, tự hào, runner’s high, yomost,…) đam mê mới dần dần bắt lửa. Sau đó, mình thật sự hiểu ra ý nghĩa của chạy bộ nói riêng và của thể thao nói chung.
Chúng ta tập thể thao không phải để chiến thắng người khác, không phải vì tiền bạc hay danh vọng. Chúng ta tập thể thao để học cách vươn lên, chiến thắng chính bản thân mình. Để khám phá giới hạn và mở khóa tiềm năng bên trong. Để tiến bộ hơn mỗi ngày!
Ngày nay, chạy bộ không chỉ là một môn thể thao mọi người tìm đến để giảm cân, rèn luyện sức khỏe mà còn là một phong cách, triết lý sống. Chạy bộ là một nét văn hóa, là một nghệ thuật mà chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu hết được nét đẹp của nó. Steve Prefontaine đã từng chia sẻ về niềm đam mê chạy bộ mãnh liệt đã đưa tên tuổi của anh trở thành huyền thoại bằng câu nói bất hủ dưới dây:
Some people create with words, or with music, or with a brush and paints. I like to make something beautiful when I run. I like to make people stop and say, ‘I’ve never seen anyone run like that before!’ It’s more then just a race, it’s a style. It’s doing something better then anyone else. It’s being creative.
Steve Prefontaine
Pre đã nâng tầm chạy bộ từ một môn thể thao nhàm chán vốn chỉ dành cho các vận động viên chuyên nghiệp trở thành một trào lưu, một phong cách sống mới trong xã hội Mỹ trong thập niên 70. Tuy cuộc đời bạc mệnh nhưng Pre đã để lại di sản vô cùng to lớn. Đó chính là nguồn cảm hứng vô tận truyền mãi cho tất cả các thể hệ chạy bộ sau này.
Bản thân mình đã từng có dịp đặt chân đến thánh địa điền kinh của Mỹ – Eugene và viếng thăm Pre Rock cách đây 2 năm. Chuyến đi đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của mình về chạy bộ. Niềm đam mê chính thức bắt đầu từ đó, (may mắn) duy trì đến ngày nay và (hi vọng) sẽ còn kéo dài càng lâu càng tốt.
Hãy chạy theo cách của bạn
Nếu chạy bộ là một nghệ thuật thì mỗi vận động viên chính là một nghệ sĩ. Đã là nghệ sĩ thì ai cũng có bản sắc và cá tính riêng của mình. Nếu không, bạn sẽ chẳng khác gì một con robot vô hồn, chỉ biết bắt chước những hành động được lập trình sẵn. Ví dụ trong hội họa, bạn muốn được gọi là họa sĩ hay là người chép tranh?
Hãy sáng tạo và chạy theo cách của bạn! Đừng cố gắng đi tìm một hình mẫu lý tưởng để bắt chước. Mỗi cá nhân là một món quà đặc trưng của tạo hóa với những cấu tạo và đặc điểm cơ thể riêng biệt. Chỉ có bạn là người hiểu rõ bản thân mình nhất. Hãy chạy theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất và nhớ lắng nghe phản hồi của cơ thể để có những điều chỉnh phù hợp.
Khi đến với chạy bộ, hãy tận hưởng sự thư thái, tự do trong từng bước chạy. Đừng tính toán, đừng so đo, chạy bộ là của riêng bạn. Bạn đang chạy cho chính mình chứ không chạy để ganh đua với người khác.
Đừng để chạy bộ trở thành gánh nặng, một trách nhiệm mà bạn phải cắn răng chịu đựng mỗi ngày. Khi đó bạn đã làm mất đi ý nghĩa của chạy bộ. Một khi ý nghĩa không còn, đam mê sẽ không bao giờ đến.
Dưới đây là một số kinh nghiệm của mình đúc kết được trong hai năm chạy bộ hướng tới mục tiêu “Chạy theo cách của chính tui”
- Đừng đi tìm cái tốt nhất: Hãy ngưng tìm kiếm khái niệm “tốt nhất” trong chạy bộ. Khái niệm “Tốt nhất” chỉ mang ý nghĩa tương đối. Cái tốt nhất với người khác, chưa chắc sẽ là tốt nhất với bạn, đôi khi nó còn là thứ tệ nhất.
- Đừng sao chép: Cần phải phân biệt rõ giữa học hỏi và sao chép. Bạn có thể học hỏi kỹ thuật từ sách báo, bạn bè nhưng đừng áp dụng bừa bãi. Nếu cảm thấy khó chịu khi thay đổi, hãy quay lại với phong cách cũ của bạn và tìm hướng phát triển khác tốt hơn.
- Đừng chạy đua thành tích: Mỗi người có một mục tiêu khác nhau trong chạy bộ. Hãy xác định rõ mục tiêu của bạn là gì và hướng đến chinh phục nó. Đừng chạy theo phong trào, đừng chạy theo đồng bọn. Hãy chạy cho chính bạn!
- Đừng lệ thuộc vào công nghệ: Công nghệ là một phần không thể thiếu với các dân chạy ngày nay. Nhưng đừng để nó xâm chiếm cuộc vui của bạn và chạy bộ. Công nghệ chỉ để hỗ trợ, không phải để dẫn đường.
Chúc bạn tìm được đam mê với chạy bộ. Các bạn nào đã tìm được rồi thì cố gắng duy trì đam mê càng lâu càng tốt nhé!
Bài viết rất hay