Sau khi đã quyết định đầu tư mua máy chạy bộ, mình phải đối mặt với công đoạn khó khăn: “Nên mua máy chạy bộ nào? Chọn lựa ra sao cho hợp lý giữa giá thành và tính năng?”
Tương tự như khi tìm hiểu mua xe đạp trước đây, mình phải dành chút thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về máy chạy bộ trước khi mua. Tránh mua nhầm, mua hớ máy kém chất lượng. Mục tiêu là mua được máy chạy tốt nhất trong tầm giá.
Kiến thức về máy chạy bộ của mình gần như là con số 0. Khi nhắc đến máy chạy bộ, mình chỉ biết đến TechnoGym, vì đi tập ở đâu cũng thấy máy này:
- CFYC (phòng tập California)
- Phòng gym trong công ty cũ
- Phòng gym trong khách sạn khi đi công tác nước ngoài.
Hí hửng tìm mua máy TechnoGym thì vỡ mộng ngay lập tức: giá toàn từ 100 triệu trở lên, vượt quá xa khả năng cho phép. Loại ngay ra khỏi tầm ngắm!
Công cuộc nghiên cứu tìm mua máy chạy bộ bắt đầu…
I. Tiêu chí chọn máy chạy bộ
Để chọn mua máy chạy bộ phù hợp, bạn cần quan tâm đến 4 tiêu chí chính dưới đây:
1. Kích thước
Đa số các dòng máy chạy bộ đều có kích thước tương tự nhau, trung bình dài 1m90 và rộng 88cm. Một số dòng máy mini sẽ có kích thước nhỏ hơn đôi chút. Còn các dòng máy chuyên nghiệp sẽ to hơn để mang lại sự thoải mái tốt nhất khi chạy.
Ngoài ra, bạn cần phải chuẩn bị thêm không gian trống xung quanh máy chạy để dễ bước lên xuống, bảo đảm an toàn sử dụng.
2. Sự thoải mái
Bạn cần chú ý đến kích thước của bằng chuyền xem nó có đủ dài phù hợp với sải chân của bạn khi chạy không. Thảm chạy có đủ rộng để tự tin sải bước không?
Bề ngang tiêu chuẩn của thảm chạy là 50cm. Các máy cao cấp sẽ có bề mặt thảm rộng hơn: 55cm – 60cm.
Các dòng máy có chiều dài thảm chạy ngắn hơn 130cm chỉ phù hợp dể đi bộ. Chiều dài thảm chạy phải lớn hơn 140cm để bảo dảm sải bước an toàn.
3. Độ linh hoạt
Thông số quan trọng bạn cần chú ý khi mua máy là tốc độ tối đa và độ dốc tối đa cho phép của máy chạy. Đa số các máy chạy sẽ có tốc độ tối đa đến 18 – 20km/h và độ dốc 10%. Các máy cao cấp hơn có thể đạt 25km/h và độ dốc 20%.
Tuy nhiên cũng có một số dòng máy chạy bộ chỉ đạt tốc độ tối đa 12km/h (Pace 5:00), hay các dòng máy rẻ tiền chuyên cho đi bộ chỉ đạt 8km/h. Bạn cần chú ý thông số để không mua nhầm máy rùa.
4. Công nghệ tích hợp
Đa số các máy chạy bộ đang có trên thị trương hiện nay đều được trang bị các công nghệ tiêu chuẩn: màn hình LCD, dây đo nhịp tim, cổng USB, loa nghe nhạc.
Các dòng máy cao cấp hơn có thể được trang bị thêm màn hình cảm ứng, kết nối Wifi, cổng kết nối anten xem TV giúp bạn tối ưu trải nghiệm giải trí trong khi chạy.
5. Kết nối với ứng dụng tập luyện (Zwift / Kinomap)
Các máy chạy bộ với tính năng kết nối với ứng dụng tập luyện bên ngoài được gọi là Smart Treamill (tương tự như Smart Trainer). Đây chính là tương lai của các máy chạy bộ trong nhà.
Nhờ được trang bị Bluetooth / ANT+, smart treadmill có thể kết nối với ứng dụng điện thoại như Zwift / Kinomap mang lại trải nghiệm hứng khởi và hấp dẫn hơn khi chạy. Thông số tốc độ, độ dốc sẽ được đồng bộ 2 chiều giữa máy chạy và ứng dụng mang đến trải nghiệm tập luyện trong nhà hoàn toàn khác biệt.
Đáng tiếc là hiện tại chưa thấy dòng máy chạy bộ nào hỗ trợ trực tiếp Zwift được bán ở Việt Nam (xem danh sách máy chạy tương thích với Zwift). Giá của các loại máy này rất cao, vì toàn dòng cao cấp.
Còn ứng dụng Kinomap thì được hỗ trợ bởi nhiều máy hơn, trong đó có các dòng máy của Decathlon T900C, Intense Run, giá chỉ từ 15 triệu.
Không nhất thiết phải sắm smart treadmill mới chơi được Zwift Running, bạn có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ khác như Apple Watch, Garmin Forerunner 245/945, Footpad, NPE RUNN sensor,… Chi tiết mình sẽ có một bài chia sẻ về Zwift Running sau.
6. Các yếu tố khác
Ngoài ra, bạn cần quan tâm thêm một số yếu tố sau:
- GIAO HÀNG & LẮP ĐẶT: Máy chạy rất nặng, từ 100kg trở lên. Bạn cần kiểm tra với cửa hàng giá bán đã bao gồm chi phi giao hàng và lắp đặt chưa. Ví dụ: Decathlon chỉ hỗ trợ giao hàng miễn phí, bạn phải tự lắp ráp máy tại nhà.
- CHẾ ĐỘ BẢO HÀNH: tùy vào thương hiệu mà chế độ bảo hành sẽ khác nhau. Thông thường các bộ phận sẽ được bảo hành ít nhất 2 năm, còn khung máy bảo hành 10 năm.
- TẢI TRỌNG TỐI ĐA: Máy chạy bộ thường hỗ trợ tải trọng 110kg – 180kg tùy vào dòng máy và giá thành. Tải trọng hỗ trợ càng cao sẽ càng giúp giảm tải cho động cơ khi vận hành, bảo đảm tuổi thọ lâu hơn.
Tương tự như mọi sản phẩm khác, máy chạy bộ cũng theo nguyên tắc “tiền nào của đó”. Tính năng thường đi đôi với giá thành: máy càng lớn, càng nặng, càng nhiều tính năng sẽ càng đắt tiền.
Tuy nhiên, có nhiều tính năng được trang bị cho máy chỉ nhằm mục đích tiếp thị, tăng giá thành sản phẩm có thể sẽ không cần thiết với bạn. Do đó, khi chọn mua máy, bạn nên chú ý không nên chọn mua các loại máy đa năng nếu không có như cầu sử dụng. Vừa tiết kiệm chi phí vừa tránh hỏng hóc vặt (càng nhiều tính năng càng mau hư).
Ví dụ: các dòng máy chạy của các hãng Tàu gắn mác Việt thường được quảng cáo “ĐA NĂNG” nhờ trang bị thêm khung sắt hỗ trợ tập cơ lưng, cơ bụng, hay có thêm vòng dây đánh mỡ bụng. Những tính năng này là thừa thải đối với những người chỉ mua máy về để chạy giống mình.
II. Chọn mua máy chạy bộ
Đầu tiên, bạn cần xác định rõ lý do tại sao bạn mua máy chạy bộ và mục tiêu tập luyện của bạn là gì. Nhờ đó bạn mới xác định được mẫu máy phù hợp. Nhiều loại máy được thiết kế tốc độ tối đa chỉ 8km/h (pace 7:30) dành cho đi bộ tập thể dục dưỡng sinh. Nó sẽ không phù hợp cho những bạn mê tốc độ toàn chạy Pace dưới 6:00.
Tiếp theo, cân nhắc ngân sách bạn dự tính đầu tư cho máy chạy bộ. Máy chạy bộ đắt tiền thường sẽ có cấu trúc chắn chắn hơn, thời gian bảo hành dài hơn, bề mặt băng chuyền để chạy lớn hơn, tốc độ tối đa cao hơn và độ dốc lớn hơn. Nếu bạn không cần những công nghệ mới nhất, hay tính năng vượt trội nhất, một cái máy chạy bộ tầm trung giá rẻ sẽ là sự lựa chọn phù hợp.
Thử trước khi mua
Nếu có điều kiện, hãy ra cửa hàng nơi bán máy chạy để trải nghiệm thử. Bạn cần chú ý các điểm sau:
- Bạn có cảm thấy thoải mái khi chạy trên băng chuyền không? Có cảm giác sộc sệch không?
- Băng chuyền có đủ rộng vài dài để sải bước không?
- Khi đi bộ hoặc chạy, chân có chạm vào phần vỏ bảo vệ động cơ nằm ở đầu băng chuyền không?
- Bạn có thể dễ dàng đứng thăng bằng ở hai bên lề của băng chuyền không?
- Màn hình hiển thị có sắc nét và dễ đọc khi đang chạy không?
- Bảng điều khiển có dễ sử dụng và thao tác không?
Bản thân mình khi mua máy hoàn toàn không có điều kiện để thử máy. Đang mua dịch bệnh, cửa hàng đóng cửa hết, sao mà thử được. Do đó mình chỉ tham khảo máy qua các đánh giá trên mạng và đặt mua thử vận may.
Chọn thương hiệu nào?
Google thử từ khóa “Máy chạy bộ”, bạn sẽ choáng ngợp trước số lượng quảng cáo đập ngay vào mắt với đủ mọi hãng: Kingsport, Elipsport, Tech Fitness,… Tất cả đều là thương hiệu Việt Nam, sản xuất ở trong nước hay bên nước bạn thì chưa rõ. Ngoài ra còn có anh Taikashi được khoe là “Thương Hiệu Số 1 Nhật Bản Trong Lĩnh Vực Nhập Khẩu & Phân Phối Thiết Bị Thể Thao & Chăm Sóc Sức Khỏe”, nhưng goolge mãi chẳng tìm ra được website nào bên Nhật!
Mình cảm thấy không tin tưởng lắm các hãng này do nhìn sơ qua tất cả dều có thiết kế na ná nhau, giống làm chung từ một nhà máy ở nước bạn, và gắn nhãn mác khác nhau để phân biệt. Website của anh nào cũng hét giá máy cao trên trời rồi sale off giảm giá thật sâu, ngỡ như là deal ngon lắm!
Mình chuyển qua tìm hiểu các thương hiệu nước ngoài. Bên cạnh TechnoGym (Ý) đã quá nổi tiếng, còn có 1 số thương hiệu phổ biến khác như: NordicTrack (Mỹ), BH Fitness (Tây Ban Nha), Impulse (Anh) đang được phân phối ở Việt Nam. Trong số này rẻ nhất là máy BH Fitness RC-04, giá 28 triệu.
Ngân sách mua máy chạy bộ của mình dự tính khoảng cỡ 20 triệu. Giờ cố gắng tăng ngân sách để sắm máy 28 triệu của TBN cho yên tâm hay chơi liều mua máy Việt Nam đây…
III. Vì sao mình chọn mua Domyos T900C?
Trong lúc đang ngập lặn giữa đại dương máy chạy bộ, chưa biết chọn mua cái nào thì mình may mắn được một người bạn khai sáng: “Hey bro, buy a treadmill. Decathlon is cheap! I just bought a T520B”
Ku này người Indonesia, làm chung Nike với mình và vẫn hiện vẫn còn làm việc ở Việt Nam. Thay vì nghe mình dụ dỗ mua smart trainer về đạp Zwift, nó dụ ngược lại mình đi mua treadmill về chạy bộ.
Mình chưa từng nghĩ đến việc tìm máy chạy bộ của Decathlon, vì nhắc đến Decathlon chỉ nghĩ đến quần áo, ba lô. Ai ngờ máy chạy cũng có luôn!
Website của Decathlon Vietnam có 3 dòng máy chạy bộ mang thương hiệu Domyos: T520B (giá 9.990.000), T900C (giá 14.990.000) và Intense Run (giá 19.990.000). Mình ngay lập tức bị cuốn hút bởi giá thành quá tốt, lại được đảm bảo bởi chính sách chăm sóc khách hàng tốt của Decathlon.
So sánh nhanh thông số 3 dòng máy của Decathlon
Thông số | T520B | T900C | Intense Run |
---|---|---|---|
Kích thước | D163 x R73 x C138 cm | D185 x R88 x C147 cm | D178 x R89 x C 166 cm |
Khối lượng máy | 66 kg | 89 kg | 101 kg |
Tốc độ tối đa | 13km/h | 18km/h | 22km/h |
Độ dốc tối đa | 10% | 10% | 15% |
Bluetooth 4.0 | không có | Có. Tương thích E-Connected và Kinomap | Có. Tương thích E-Connected và Kinomap |
Giá | 9.990.000 | 14.990.00 | 19.900.000 |
Trong số này, Domyos T900C có vẻ là cái tên phổ biến nhất, được giới thiệu trên cả tạp chí Runner’s World: The best treadmills for runners, starting at £100.
Bên cạnh lợi thế về giá thành (máy dưới 20 triệu, đúng ngân sách của mình), hay dòng máy T900C và Intense Run của Domyos còn có tính năng đánh bật tất cả các đối thủ cùng phân khúc: trang bị Bluetooth 4.0 có thể kết nối với ứng dụng thứ ba (E-Connected và Kinomap). Đây là tính năng mình không nghĩ rằng sẽ có trên các dòng máy chạy bình dân.
Tại sao kết nối với ứng dụng bên ngoài có ý nghĩa?
Máy chạy được kết nối với ứng dụng bên ngoài đồng nghĩa với việc độ dốc và tốc độ của máy có thể được đồng bộ trực tiếp hai chiều với ứng dụng. Việc tập luyện sẽ trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn nhiều. Ngoài ra, sau khi chạy xong, ứng dụng còn có thể tự động đồng bộ thành tích lên Strava, quá tiện lợi!
Cân nhắc giữa T900C và Intense Run, mình chọn T900C bởi thông số tốc độ tối đa 18km/h (Pace 3:20), độ dốc tối đa 10% phù hợp với nhu cầu sử dụng, và giá rẻ hơn. Intense Run nhỉnh hơn ở thông số tốc độ tối đa 22km/h và độ dốc 15%, và giá cao hơn 5 triệu, mình thấy không cần thiết. Số tiền chênh lệch mình đầu tư mua thêm cảm biến để chơi Zwift Running là đẹp.
Hạn chế của máy chạy Decathlon Domyos là bạn phải tự lắp ráp. Bên hãng chỉ hỗ trợ giao hàng tận nhà một hộp sắt nặng 100kg, còn lại là việc của bạn để biến đống sắt đó thành máy chạy bộ. Mình vật vã trong 90 phút mới hoàn thành được công việc.
Tham khảo đánh giá máy chạy bộ Decathlon Domyos T900C ở đây nha các bạn:
Tính năng kết nối với Kinomap của T900C thực sự rất tuyệt vời, chạy bộ tại nhà mà có thể ngắm cảnh Paris, Central Park New York,… Đôi chân đã tìm được niềm vui trở lại!
Đáng tiếc là hiện tại các máy chạy bộ của Decathlon đều hết hàng, chưa biết bao giờ có lại. Bạn nào có kinh nghiệm sử dụng các dòng máy khác nhớ chia sẻ thêm ở phần bình luận bên dưới để mọi người tham khảo nhé.
Chúc bạn tìm được máy chạy bộ phù hợp!
#playinside #playfortheworld
Tham khảo: ConsumerReports
Các bài viết cùng từ khoá Decathlon Domyos T900C
- [Zwift Running] Đánh giá NPE Runn… Smart Treadmill Sensor – Giải pháp hoàn hảo cho chạy bộ trên Zwift
- [Zwift Running] RunCline – Ứng dụng kết nối máy chạy bộ Decathlon Domyos với Zwift (không cần thêm cảm biến, phụ kiện ngoài)
- Chia sẻ kinh nghiệm chọn mua máy chạy bộ sử dụng tại gia
- Đánh giá máy chạy bộ Decathlon Domyos T900C – Ngon quá xá ngon!
- Đánh giá máy chạy bộ Decathon Domyos T900C sau 1 năm sử dụng – Đáng đồng tiền bát gạo
Các bài viết cùng từ khoá chạy trên máy
- [25/01/2015] Luyện công 90 phút trên máy chạy sáng chủ nhật
- [Zwift Running] Đánh giá NPE Runn… Smart Treadmill Sensor – Giải pháp hoàn hảo cho chạy bộ trên Zwift
- [Zwift Running] Lựa chọn thiết bị chơi chạy bộ trên Zwift
- Bi kịch trên máy chạy bộ treadmill – Đừng chủ quan kẻo ân hận
- Các nguyên tắc an toàn khi chạy trên máy trong phòng tập
Các bài viết cùng từ khoá chọn mua máy chạy bộ
Các bài viết cùng từ khoá máy chạy bộ
- [Zwift Running] Đánh giá NPE Runn… Smart Treadmill Sensor – Giải pháp hoàn hảo cho chạy bộ trên Zwift
- [Zwift Running] RunCline – Ứng dụng kết nối máy chạy bộ Decathlon Domyos với Zwift (không cần thêm cảm biến, phụ kiện ngoài)
- Chia sẻ kinh nghiệm chọn mua máy chạy bộ sử dụng tại gia
- Đánh giá máy chạy bộ Decathlon Domyos T900C – Ngon quá xá ngon!
- Đừng quên bảo dưỡng định kỳ máy chạy bộ Decathlon Domyos của bạn!
Các bài viết cùng từ khoá treadmill
- [Zwift Running] Đánh giá NPE Runn… Smart Treadmill Sensor – Giải pháp hoàn hảo cho chạy bộ trên Zwift
- [Zwift Running] Lựa chọn thiết bị chơi chạy bộ trên Zwift
- Chia sẻ kinh nghiệm chọn mua máy chạy bộ sử dụng tại gia
- Đánh giá máy chạy bộ Decathlon Domyos T900C – Ngon quá xá ngon!
- Đánh giá máy chạy bộ Decathon Domyos T900C sau 1 năm sử dụng – Đáng đồng tiền bát gạo
Mình đang băn khoăn chọn mua chạy bộ trên 6 triệu loại Máy chạy bộ CALIFIT tại OKACHI không biết ai biết chất lượng máy chạy bộ califit rồi cho mình đánh giá nhé
Bạn ơi theo bạn ngân sách khoảng 10 triệu thì chọn máy nào ổn? Mình ko yêu cầu kết nối, chỉ chạy đơn thuần, tốc độ tầm từ 15- 18km/h là được vì mình chủ yếu tập đế nâng cao thể lực.tks!
Mình chỉ biết con T900C đang xài là ổn. Các con khác không dùng nên không biết bạn nhé. Tầm 12tr là mua được 1 con Decathlon rồi: https://www.decathlon.vn/vi/p/8484591_may-chay-bo-run-100.html
Máy chạy bộ T540C và máy Run100 có con nào kết nối dc với tivi như con t900c không bạn? Nhìn bạn kết nối với tivi rất thích!
T540C có chức năng Bluetooth như T900C nhé. Kết nối vô điện thoại / máy tính, rồi xuất hình ra TV. Chứ không phải kết nối với Tivi bạn nhé.
Sau khi được bác review, máy giờ tăng lên gần 20tr lun r ạ!