Một trong trong những bí quyết để đạt hiệu quả tốt nhất trong tập luyện không phải thời gian mà là cường độ bài tập, không quá nhẹ, không quá nặng. Sử dụng thiết bị đo nhịp tim là cách tối ưu giúp bạn tìm ra được cường độ tập luyện tối ưu cho mình, dựa vào số nhịp tim trên phút.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thiết bị đo nhịp tim và cách lựa chọn thiết bị đo nhịp tim phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn.
Lợi ích của thiết bị đo nhịp tim
Sử dụng thiết bị đo nhịp tim giúp bạn theo dõi hoạt động của hệ thống tim mạch trong mọi vận động hằng ngày, trong tập luyện, thi đấu. Đa số các thiết bị đo nhịp tim, trừ các dòng quá phổ thông, đều được thiết kế giúp người sử dụng xác định ngưỡng tập luyện tối ưu.
Cảnh báo: Bạn nên tư vấn ý kiến của chuyên gia trước khi bắt đầu tập tham gia tập luyện để tìm ra chương trình phù hợp với mục đích và tình trạng sức khoẻ.
Các ưu điểm của thiết bị đo nhịp tim:
- Đi bộ, tập thể dục: Không chỉ những vận động viên đỉnh cao mới cần thiết bị đo nhịp tim mà những người tập thể dục bình thường cũng có thể tận dụng để tăng hiệu quả tập luyện. Bằng cách duy trì khoảng nhịp tim tối ưu cho việc giảm mỡ, bạn có thể tối ưu thời gian tập luyện để đốt được nhiều calorie hơn.
- Chạy bộ: Thiết bị đo nhịp tim giúp bạn duy trì cường độ tập luyện ở mức cao nhất trong những ngày tập nặng hoặc giữ ở chế độ aerobic trong những ngày tập nhẹ hơn. Một số loại cao cấp còn có thêm chức năng cảnh báo tình trạng mất nước hoặc hạ đường huyết.
- Xe đạp: Với thiết bị đo nhịp tim, bạn có thể theo dõi được tình hình thể lực trong các loại chế độ tập khác nhau như đua đường trường, nước rút, trên các địa hình khác nhau như đường nhưa, địa hình, đường đèo. Các loại chuyên dụng còn cung cấp thêm nhiều thông số khác khi kết nối với cảm biến đo vòng tua chân, tốc độ.
- Leo núi, trượt tuyết, mạo hiểm: Đối với leo núi, sử dụng thiết bị đo nhịp tim giúp phân phôi sức hợp lý để có thể lên đến đỉnh. Đối với trượt tuyết, nó giúp kiểm tra độ hưng phấn và hồi hộp khi vượt qua những chướng ngại nguy hiểm
- Giảm cân: Thiết bị đo nhịp tim giúp cải thiện bài tập hàng ngày và lập chế độ ăn kiêng hợp lý. Đa số các thiết bị đều có chức năng hiển thị lương calorie giải phóng khi tập, đồng thời giúp xác định cường độ tập nặng nhẹ phù hợp để đạt hiệu quả giảm cân tốt nhất.
- Phục hồi sau chấn thương: Với khả năng hiển thị thông tin ngay lập tức, máy đo nhịp tim rất hữu ích cho các bác sĩ giúp bênh nhân hồi phục sau chấn thương hoặc bệnh tật, nhất là các trường hợp liên quan đến tim mạch. Nhờ đó có thể bảo đảm sự bình phục sức khoẻ một cách an toàn và ổn định nhất.
Các loại thiết bị đo nhịp tim
Dây đeo ngực và cảm biến quang học là hai loại thiết bị đo nhịp tim phổ biến nhất được sử dụng trên các đồng hồ thể thao hiện nay. Cả hai có nguyên lý hoạt động và thiết kế hoàn toàn khác biệt ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của thiết bị.
Cảm biến quang học (optical sensor)
Với sự bùng nổ của các thiết bị đeo thông minh (smart watch, fitness tracker), cảm biến quang học nhanh chóng trở thành phương pháp đo nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Hãng nào cũng cố gắng trang bị thêm cảm biến đèn xanh xanh ở mặt sau thiết bị để củng cố cho các chiến dịch marketing bán hàng.
Cảm biến quang học thu thập thông số nhịp tin bằng phương pháp quang học photoplethysmography (PPG), sử dụng ánh sáng để đo lưu thông máu dưới cổ tay. Đèn LED xanh của cảm biến phát ra ánh sáng chiếu trực tiếp lên da, tương tác với dòng máu. Ánh sáng khúc xạ được cảm biến xử lý, kết hợp với thông tin chuyển động từ gia tốc kế (accelerometer) để tính toán ra nhịp tim tương ứng.
Dây đeo ngực (chest strap)
Dây đeo ngực đo nhịp tim có thiết kế chung gồm có 1 sợi dây thun co giãn để đeo quanh ngực. Mặt trong dây được trang bị điện cực (eletrode pad) tiếp xúc trực tiếp với da. Mặt ngoài được gắn với thiết bị truyền tín hiệu (transmitter), thường có thể tháo rời để dễ thay pin.
Thông số nhịp tim được đo dựa trên tín hiệu điện tim (electrocardiography), được truyền từ da qua điện cực trên dây đeo. Tín hiệu sau đó được xử lý trên thiết bị và được gửi đến đầu nhận (điện thoại, máy tính, đồng hồ) qua kết nối Bluetooth / Radio / ANT+ tùy loại.
Loại nào chính xác hơn?
Thật khó để nhận xét loại thiết bị đo nhịp tim nào chính xác hơn nếu chúng takhông có một thiết bị chuẩn đã được cân chỉnh để đối chiếu. Chính xác nhất là các máy điện tim ECG sử dụng trong y tế khi có đến 12 điện cực gắn trên cơ thể để thu tín hiệu nhịp tim. Dây đeo ngực là phiên bản rút gọn của hệ thống điện tim, được tối ưu dành cho thể thao.
Với dây đeo ngực, các điện cực nhận tín hiệu nằm gần tim hơn so với loại cảm biến quang học nên luôn cho kết quả đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, dây đeo ngực luôn nằm cố định trên ngực, không bị lỏng lẻo khi vận động, giúp cho kết quả luôn ổn định và đồng nhất.
Ngược lại, độ chính xác của cảm biến quang học rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài: bị xê dịch khi vận động, đeo không sát da, tay bị ướt. Do hoạt động dựa trên khúc xạ ánh sáng nên nếu cảm biến không đặt sát da hoặc bị xê dịch, bị dính nước sẽ khiến kết quả không còn đáng tin cậy.
Nên chọn loại nào?
Lựa chọn thiết bị đo nhịp tim sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng và ngân sách của bạn. Giá của thiết bị có thể dao động từ khoảng vài trăm đến vài triệu đồng tuỳ vào thương hiệu và tính năng của nó.
Nếu bạn cần tập luyện theo vùng nhịp tim (heart rate zone), hãy chọn loại dây đeo ngực. Bạn có thể kết nối với điện thoại qua Bluetooth 4.0 hoặc với đồng hồ qua ANT+/Bluetooth tùy loại. Dây đeo ngực luôn cho kết quả ổn định và đáng tin cậy nhất, bất kể bạn đang tập gym hoặc chạy biến tốc cường độ cao.
Hãy đầu tư cho một sợi dây đeo ngực đo nhịp tim nếu bạn đang muốn tập luyện nghiêm túc cho các mục tiêu marathon, ba môn phối hợp, chạy ultra trail. Các hãng sản xuất dây đeo nhịp tim: Magene, Polar, Wahoo, Garmin. Giá dao động từ 700.000 đến 3.000.000 tùy hãng và các tính năng phụ trợ thêm.
Nếu bạn chỉ cần biết thông tin về nhịp tim của mình qua quá trình hoạt động trong ngày hoặc chưa có nhu cầu tập luyện thật sự nghiêm túc, hãy chọn các loại đồng hồ tích hợp cảm biến quang học đọ nhịp tim. Đồng hồ thường sẽ được đeo cả ngày, ghi lại nhịp tim của bạn lúc vận động và ngay cả trong khi ngủ. Nhờ đó, bạn sẽ nắm được tình trạng sức khỏe của mình một cách tổng quát hơn.
Các loại đồng hồ được trang bị cảm biến đo nhịp tim phổ biến: Garmin Forerunner 245, Garmin Forerunner 45, Garmin Forerunner 945,…
Nếu bạn thật sự nghiêm túc với chế độ tập luyện và mong muốn đạt kết quả tối ưu, thiết bị đo nhịp tim chắc chắn sẽ là huấn luyện viên cá nhân tốt nhất của bạn.
Tham khảo: Arstechnica, REI
Các bài viết cùng từ khoá nhịp tim
- [Thử nghiệm] So sánh kết quả đo nhịp tim của Fenix 3HR vs. Dây đeo ngực Magene Mover
- 5 Dấu hiệu báo động bạn đang bị quá tải
- Lợi ích của việc theo dõi nhịp tim khi chơi thể thao
- Thiết bị đo nhịp tim – Nâng tầm tập luyện