Trường mẫu giáo thì có liên quan gì đến chạy bộ mà mình lại đăng bài trên blog Yêu Chạy Bộ này?

Đúng là trường mẫu giáo chẳng có liên quan gì đến Yêu Chạy Bộ cả (ít nhất là cho đến khi bé Silk nhà mình đến tuổi đi học) nhưng cái trường mẫu giáo mà mình sắp chia sẻ dưới đây quả thật rất ấn tượng, không thể không giới thiệu cùng mọi người. Thật ra là có liên quan tí chút đó, xem chi tiết xuống dưới sẽ hiểu nha.

Quảng Cáo

Trường mẫu giáo này tên Fuji Kindergarten ở Tokyođược xây dựng năm 2007. Kiến trúc sư Takaharu Tezuka đã áp dụng triết lý giáo dục tân tiến của người Nhật để tạo nên một ngôi trường hoàn toàn khoác biệt.

Fuji Kindergarten

Toàn bộ trường có thiết kế hình oval hai tầng, với không gian mở hoàn toàn. Trẻ em không bị gò bó trong 4 bức tường, không bị ràng buộc trong khuôn khổ luật lệ. Ngược lại chúng có thể vui chơi chạy nhảy suốt giờ học, được tự do làm điều mình thích. Bên cạnh đó, thiết kế sáng tạo của tòa nhà còn lồng ghép nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống cho trẻ.

Đối với trẻ em, không cần phải kiểm soát chúng, cũng đừng bao bọc quá nhiều, đôi lúc chúng cần phải vấp ngã. Chúng cần chút ít trầy xước. Như thế chúng mới biết được cách tồn tại trong thế giới này. Takaharu Tezuka

Điểm mình thích nhất ở ngôi trường này là thiết kế phần mái tạo thành một sân chơi khổng lồ cho trẻ. Những cậu bé hiếu động có thể chạy đến 6.000 mét (6K đó nha!) trong ngày. Thống kê cho thấy trung bình mỗi trẻ em ở trường chạy giỡn trung bình 4K mỗi ngày. Quá ấn tượng! 

Fuji Kindergarten running map
Biểu đồ ghi lại đường chạy của một cậu bé trong vòng 20 phút

Nếu cậu bé ngồi cuối lớp không thích ở trong lớp nữa, thế thì cứ để cậu ta đi. Trước sau gì cu cậu cũng về, bởi lớp học là một vòng tròn mà.

Fuji Kindergarten kid running

Tham khảo chi tiết chia sẻ của kiến trúc sư Takaharu Tezuka về ngôi trường mẫu giáo tuyệt nhất thế giới này trong video TED show bên dưới

Các bạn có thể xem phụ đề tiếng Việt trực tiếp trên trang TED, chọn Subtitles, sau đó chọn Vietnamese (Tiếng Việt). Hoặc có thể xem toàn bộ bản dịch bài thuyết trình của kiến trúc sư Takaharu dưới đây:

0:17    Đây là trường mẫu giáo chúng tôi xây vào năm 2007. Trường được xây theo vòng tròn. Mái nhà được thiết kế theo kiểu vòng tròn mở. Nếu bạn có con, hẳn bạn biết là chúng thích tạo ra các vòng tròn lắm. Đây là thiết kế của phần mái.

0:38   Và tại sao chúng tôi thiết kế như vậy? Thầy hiệu trưởng có nói là, “Tôi không muốn xây lan can đâu.” Tôi mới nói, “Như thế thì không được.” Nhưng thầy nhấn mạnh: “Vậy theo anh việc căng tấm lưới từ rìa mái nhà để đỡ bọn trẻ khi chúng bị ngã có ổn không?” (Tiếng cười) Tôi lại nói, “Không được đâu”.

1:00    Và dĩ nhiên, chính quyền cũng yêu cầu, “Dĩ nhiên là các anh phải xây lan can chứ.” Nhưng chúng tôi đã thể hiện ý tưởng đó xung quanh những cái cây. Có ba cái cây chìa cành ra. Và thế là chúng tôi biến sợi dây này thành lan can. Nhưng dĩ nhiên là dây dợ chẳng để làm gì. Bọn trẻ đều ngã vào lưới. Và ngày càng nhiều, nhiều hơn, và nhiều hơn thế. (Tiếng cười) Thường thì có 40 em chơi xung quanh cái cây. Bé trai đang đu cành, thích cái cây tới mức ăn luôn nó. (Tiếng cười)

1:49    Mỗi khi có việc gì đấy, các em lại ngồi ở rìa. Nhìn từ dưới lên rất đẹp. Y hệt bầy khỉ trong sở thú. (Tiếng cười) Đến giờ ăn rồi. (Tiếng cười) (Vỗ tay)

2:11    Chúng tôi xây phần mái thấp nhất có thể, vì chúng tôi muốn thấy bọn trẻ khi chúng ở trên mái, chứ không chỉ khi ở dưới mái. Và nếu mái quá cao, ta chỉ thấy mỗi trần nhà.

2:26    Còn chỗ rửa chân – thì có nhiều kiểu vòi nước. Với ống nước mềm dẻo kiểu này, bọn trẻ tha hồ xịt nước vào các bạn của chúng, tắm táp, và kiểu như cậu bé đứng trước là rất bình thường. Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy chú nhóc không rửa đôi ủng đâu, mà là đổ nước vào đấy luôn. (Tiếng cười)

2:52    Nhà trường duy trì không gian mở gần như cả năm. Không có ranh giới giữa bên trong và bên ngoài. Nó có nghĩa ngôi trường cơ bản là một chiếc mái. Và cũng không có vách ngăn giữa các lớp với nhau. Vì vậy cũng chẳng có vách cản âm. Khi bọn trẻ phải ở trong một căn phòng yên lặng, sẽ có vài em cảm thấy lo lắng. Nhưng ở trường chúng tôi, chẳng có lý do gì để lo lắng cả. Bởi vì không hề có ranh giới.

3:32    Và như lời thầy hiệu trưởng, nếu cậu bé ngồi cuối lớp không thích ở trong lớp nữa, thế thì cứ để cậu ta đi. Trước sau gì cu cậu cũng về, bởi lớp học là một vòng tròn mà. (Tiếng cười)

3:47    Vấn đề ở đây là, trẻ con hay tìm cách trốn ở một nơi nào đó. Nhưng ở trường tôi, các em đi, rồi lại quay về. Đó là một điều rất tự nhiên.

3:59    Thứ hai, chúng tôi rất cân nhắc đến tiếng ồn. Bạn biết đấy, ồn ào một chút giúp trẻ ngủ ngon hơn. Bọn trẻ đâu có ngủ ở nơi yên tĩnh tuyệt đối. Và ở trường chúng tôi, các em rất tập trung trong giờ học. Loài người đã từng sinh trưởng trong rừng, nơi có nhiều tiếng ồn. Vì thế trẻ em cần tiếng ồn. Chúng ta vẫn có thể nói chuyện ở một quán rượu ồn ào. Bạn không nên im lặng.

4:42    Bạn biết đấy, ngày nay, chúng ta luôn cố kiểm soát mọi thứ. Thế giới quanh ta luôn rộng mở. Và bạn biết rằng ta vẫn có thể trượt tuyết dù nhiệt độ mùa đông là -20 độ C. Mùa hè, ta vẫn đi bơi. Mặc cho cát nóng hầm hập 50 độ. Và cơ thể chúng ta có khả năng chống nước. Thế nên, bạn chẳng thể tan ra khi trời mưa. Trẻ con cũng thế, chúng cần được ở ngoài trời. Và chúng ta nên làm thế đối với chúng.

5:21    Đây là cách các em phân chia lớp học. Đáng lẽ phải giúp đỡ giáo viên chứ. Nhưng mà chúng không làm. (Tiếng cười) Tôi không bắt cậu nhóc vào đấy đâu. Đây là lớp học. Và đây là bồn rửa tay. Bọn trẻ đang nói chuyện ở cạnh cái giếng. Trong lớp lúc nào cũng có cây. Chú khỉ đứng dưới đang cho đồng bọn ở phía trên ăn. (Tiếng cười) Lại là khỉ nữa. (Tiếng cười) Mỗi lớp có ít nhất một giếng trời. Đây là nơi Ông già Nô en đi xuống mỗi mùa Giáng sinh.

6:18    Đây là tòa nhà phụ, ở ngay bên phải ngôi trường hình ô van. Tòa nhà chỉ cao 5 mét, với 7 tầng. Dĩ nhiên, chiều cao trần nhà là rất thấp. Vì thế, ta phải cẩn thận. Chúng tôi cho các con đến đây, một gái và một trai. Bọn trẻ đang cố chui vào. Cậu nhóc bị va đầu rồi. Nhưng không sao. Đầu chú nhóc chắc lắm. Đỡ đau ngay ấy mà. Vì đó là con trai tôi. (Tiếng cười) Và thằng bé đang xem liệu nhảy ra có được không. Tiếp theo là các cháu khác.

7:11    Bạn biết đó, ở Tokyo kẹt xe kinh khủng. (Tiếng cười) Cô tài xế đằng trước cần được học lái. Ngày nay, trẻ con cần một chút nguy hiểm. Trong trường hợp này, bọn trẻ học cách giúp đỡ nhau. Đây là xã hội. Ngày nay chúng ta đang dần thiếu đi cơ hội làm việc này.

7:47    Còn đây là tranh miêu tả chuyển động của một cậu bé từ 9:10 đến 9:30. Chu vi tòa nhà là 183 mét. Đúng là chẳng nhỏ tí nào. Một buổi sáng cậu bé này di chuyển được 6000 mét. Nhưng đó chưa phải là bất ngờ đâu. Các cháu ở trường này di chuyển trung bình 4000 mét. Và các cháu đạt được khả năng vận động cao nhất so với các cháu ở các trường khác. Thầy hiệu trưởng nói, “Tôi không dạy dỗ các em nhiều, cứ cho các em ở trên mái. Cứ để chúng như bầy cừu”. (Tiếng cười) Chúng cứ tha hồ chạy. (Tiếng cười)

8:57    Theo tôi, không cần phải kiểm soát chúng, cũng đừng bao bọc quá nhiều, đôi lúc chúng cần phải vấp ngã. Chúng cần chút ít trầy xước. Như thế chúng mới biết được cách tồn tại trong thế giới này. Theo tôi, kiến trúc có khả năng thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống chúng ta. Và, đây là một trong các nỗ lực để thay đổi cuộc sống con trẻ.

9:39    Xin chân thành cám ơn.


Không gì tuyệt vời hơn việc tạo điều kiện cho trẻ em làm quen với việc vận động từ nhỏ, sẽ tạo thói quen và đam mê thể thao từ sớm. Ở TP.HCM mà có ngôi trường nào tương tự chắc chắn mình sẽ cho bé Silk vô học liền. Bảo đảm học xong sẽ đủ khả năng đi chạy 10K – 21K cùng với papa 

Bạn nghĩ sao về trường mẫu giáo trên? Bạn có muốn con mình học trong ngôi trường tương tự không?

Quảng Cáo

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 Comments

  1. Em lớn to đầu rồi mà xem xong cũng muốn được học ở đây nữa là mấy đứa nhóc hiếu động. :laughing:
    Nếu mà có con thì tất nhiên phải cho nó học ở nơi như này chứ không phải lúc nào cũng “ru rú” ở trong “cái hộp” 4 bức tường chán ngắt. :sunglasses: