“Runner’s high” (tạm dịch: “phê chạy”) là trạng thái khoái cảm mà hầu hết dân chạy đều được trải nghiệm sau một thời gian tập luyện. Sẽ rất khó giải thích “phê chạy” là gì nếu bạn chưa từng chạy bao giờ.
Khi chạy, hệ thần kinh giải phóng các chất kích thích tạo cảm thấy thoả mãn và lâng lâng. Nó giống như cảm giác khi chơi tàu lượn siêu tốc, ban đầu thì hơi lắng hồi hộp không biết có vượt qua nổi không, nhưng sau khi kết thúc thì hưng phấn tột độ khiến bạn luôn muốn chơi thêm vài lần nữa. Đó là cảm giác tự hào với những thành tích đạt được sau những nỗ lực gắng tập luyện trong suốt một thời gian dài, nó sẽ tiếp thêm động lực giúp bạn thêm hăng say chinh phục các cột mốc cao hơn.
Nhưng để đạt đến cảnh giới này không phải chuyện đơn giản. Bản thân mình ít nhất cũng đã ba lần bỏ cuộc trước khi được “phê” cách đây gần một năm và gắn bó chạy bộ đến giờ. Theo các chuyên gia, có ý chí thôi là chưa đủ để giúp bạn theo đuổi chạy bộ.
“Dù cho bạn có tự hứa với bản thân rằng mình sẽ vượt lên, sẽ theo đến cùng bao nhiêu lần đi nữa, sớm hay muộn bạn cũng sẽ bỏ cuộc vì ý chí nào cũng có giới hạn của nó” theo lời của Heidi Grant Haverson, viện trưởng Trung Tâm Khoa học Động Lực ở đại học Columbia, Mỹ. Khi tinh thần bị ảnh hưởng, như khi bạn mệt mỏi, căng thẳng và bị vướng vận bộn bề cuộc sống, ý chí của bạn sẽ càng nhanh chóng lụi tàn.
Mình xin chia sẻ vài kinh nghiệm để giúp bạn tạo thói quen chạy bộ dựa theo lời khuyên của Charles Duhigg, tác giả sách “The Power of Habit”. Mình đã làm theo các kinh nghiệm này khi bắt đầu chạy khoảng tháng 4 năm 2013. Nhờ đó đã không bỏ cuộc giữa chừng và tiếp tục chạy đến thời điểm hiện tại.
Khi chạy đã trở thành một thói quen, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều vì bạn không cần bận tâm gì nhiều với thói quen.
1. Lên kế hoạch
Thói quen được cấu thành từ những yếu tố cơ bản như thông số (chạy ở đâu, lúc nào, chạy với ai, nghe nhạc gì khi chạy…), phần thưởng (socola, mátxa, đi chơi, mua sắm…) và cuối cùng là hoạt động (chạy bộ). Hãy chọn cho mình một vài thông số phù hợp như thời gian chạy phù hợp, chạy ở đâu và nghĩ xem bạn thích gì để tự thưởng cho bản thân sau mỗi buổi tập.
Nếu thấy cần thiết, bạn hãy in kế hoạch của mình ra giấy và dán trong phòng để hàng ngày tự nhắc nhở mình làm theo. Hãy thử trong 1 tuần, nếu thấy không phù hợp, hãy thử đổi các thông số và phần thưởng khác.
Ví dụ như bản thân mình lúc mới bắt đầu, mình chọn chạy lúc sáng sớm 5h trong khu chung cư gần nhà, mang theo iPhone để nghe nhạc và đo đường chạy, phần thưởng sau mỗi buổi chạy là tự sướng khoe thành tích trên facebook cho bà con lác mắt chơi :))
2. Chuyên cần tập luyện
Hãy cố gắng tìm mọi cách để nhắc nhở bản thân phải chạy đúng như kế hoạch đề ra. Luôn chạy cùng một thời điểm trong ngày là cách tạo thói quen tốt nhất nếu bạn mới bắt đầu. Ngoài ra bạn có thể chuẩn bị trang phục chạy gần giường, tải các bài nhạc chạy bộ yêu thích, lựa chọn cung đường quen thuộc trước mỗi cuộc chạy.
Để biến chạy bộ thành một thói quen, phải có thật nhiều tín hiệu nhắc nhở và chúng phải nhất quán với nhau. Bằng không, sớm muộn bạn cũng sẽ bị cái giường lôi kéo sau một thời gian ngắn.
3. Tự thưởng cho bản thân
Phần thưởng ở đây không cần những thứ xa xỉ cầu kì mà đơn giản chỉ là những việc bạn thích làm, những gì khiến cho bạn thấy vui. Ví dụ như với mình phần thưởng là post chiến tích khoe lên facebook chẳng hạn.
Ngay sau khi kết thúc buổi chạy, hãy thưởng nóng gì đó ngay cho mình, việc này sẽ giúp hệ thần kinh quen dần mối liên kết có chạy – có thưởng.
4. Sáng tạo theo cách riêng của bạn
Hãy tìm cách sáng tạo thêm các phương pháp hỗ trợ khác giúp bạn có thêm động lực chạy. Bạn có thể rủ thêm bạn bè, gia đình tham gia cùng, hoặc có thể tham gia một câu lạc bộ chạy như SRC chẳng hạn.
Bạn cũng có thể áp dụng công nghệ cao như dùng Smartphone, GPS, máy đo nhịp tim vào chạy bộ để tạo thêm hứng khởi tập luyện. Tùy vào điều kiện và sở thích, hãy cố gắng động viên bản thân kiên trì tập luyện, rồi bạn sẽ sớm được trải nghiệm “phê chạy” nó sướng đến thế nào 😉