Bài viết Tìm hiểu cấu tạo giày thể thao [Phần 1] trước đây đã giới thiệu đến các bạn tổng quan về các thành phần và chất liệu chính trên giày thể thao. Tuy nhiên kiến thức vẫn còn khá chung chung, chưa có hình ảnh và ví dụ cụ thể để giúp mọi người hiểu rõ hơn về các bộ phận chi tiết trên giày.

Phần 2 này mình sẽ đi sâu hơn vào cấu trúc chi tiết bên trong của giày, cấu tạo mặt cắt của đế. Toàn bộ các chi tiết giày trước giờ bị khuất bên trong sẽ được phơi bày trực quan thông qua phương pháp … cắt ngang thân. (nhiều bạn đang xót!Cấu tạo giày thể thao - [Phần 2] - Mổ xẻ khám phá nội thất giày UA Curry One - 1F61D)

Quảng Cáo

Giày mẫu được “làm thí nghiệm” trong bài viết này là đôi giày bóng rổ mang tên Curry One của hãng Under Armour.

UA Curry One
UA Curry One

Tại sao lại là giày bóng rổ?

Trong các loại giày thể thao, giày bóng rổ thuộc loại phức tạp nhất. Giày phải linh hoạt để phát huy tối đa tốc độ và sự nhạy bén của vận động viện. Bên cạnh đó, cấu tạo và thiết kế của giày bóng rổ phải bảo đảm bàn chân và cổ chân được bảo vệ tốt nhất trong các chuyển động đa năng của các vận động viên: chạy nước rút, chạy ngang, dậm nhảy, tiếp đất.

Đó là lý do mình chọn giày bóng rổ để minh hoạ cho bài viết Cấu tạo giày thể thao – Phần 2 này.

Trước khi mổ xẻ vô trong, hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin và nghía qua hình dáng bên ngoài của đôi Curry One này ở trang kế tiếp nha mọi người.

1. Giới thiệu về Curry One

Curry One là đôi giày bóng rổ signature* của hãng Under Armour (UA), thiết kế cho Stephen Curry – ngôi sao của đội Golden State Warriors. Curry One được UA kì vọng giúp hãng thể thao non trẻ này giành được thị phần từ chiếc bánh béo bở của thị trường bóng rổ ở khu vực Bắc Mỹ, nơi mà Nike đang là vua một cõi.

*Giày signature: giày được thiết kế và mang thương hiệu riêng của các vận động viên.

Canh bạc của UA đã thành công lớn trong mùa giải 2014-2015 vừa qua khi Stephen Curry dành được danh hiệu MVP (Cầu thủ xuất sắc nhất) đồng thời đội bóng của anh dành chức vô địch NBA. Đôi giày Curry One của UA đã tạo được tiếng nói riêng, sánh vai với các đôi giày đình đám khác đến từ Nike: Kobe X, KD 7, Lebron 12,…

2. Hình dáng bên ngoài

Đôi giày bị mổ xẻ trong bài viết này bản Low Cut (cổ thấp). Ngoại trừ phần cổ giày khác nhau, các chi tiết còn lại của phiên bản Low Cut gần như tương tự so với phiên bản chính thức.

Giày còn nguyên tag Parkson
Giày còn nguyên tag Parkson

Phần thân giày được làm bằng vật liệu synthetic và mesh được UA gọi tên là Anafoam. Phần đế giữa (midsole) sử dụng công nghệ CHARGED. Cả hai công nghệ này đều có logo riêng và được gắn lên trên giày.

Má ngoài giày với logo UA nổi bật
Má ngoài giày với logo UA và logo CHARGED.
Má trong giày
Má trong giày với logo anafoam

Phần mũi và gót giày được gia cố bằng các lớp vật liệu TPU cứng để tối ưu khả năng bảo vệ bàn chân.

Mũi giày được gia cố cứng chắc bởi lớp liệu màu đen
Mũi giày được gia cố cứng chắc
Gót giày được dập nổi logo SC (Stephen Curry)
Gót giày được dập nổi logo SC (Stephen Curry)

Phần đế cao su được thiết kế nhiều sọc ngang dọc liên tục để tăng độ bám khi thi đấu trên sàn gỗ của môn bóng rổ. Logo UA được đặt ở vị trí gót giày.

Cau tao UA Curry One - 09

 

Cảm nhận đầu tiên khi cầm giày trên tay là sự cứng cáp, chắc chắn tạo ra sự yên tâm ngay cả trước khi mang vô chân. Khi mang Curry One trên chân, ấn tượng của mình là sự thoải mái tuyệt vời, không hề có cảm giác chật chội hay bị bó ở bất kỳ chỗ nào.

Cau tao UA Curry One - 19

Cảm giác dưới bàn chân mới độc đáo. Trước giờ mình chỉ quen với các công nghệ của Nike như Nike Air, Lunarlon hay Nike Free. Thử qua giày của hãng khác đúng là có sự khác biệt rõ rệt.

Chẳng cần Air (Nike), chẳng cần Gel (Asics), chẳng cần Boost (Adidas), UA đã có Charged. Đế giày mềm mại và thoải mái, đặc biệt là phần đệm dưới gót chân, mềm và đàn hồi hơn hẳn so với các khu vực khác.

Nhờ đâu? Tham khảo tiếp  phần mổ xể giày bên dưới để tìm hiểu sâu thêm nha các bạn

3. Bắt đầu mổ xẻ

Đã tới giờ cho Curry One lên dĩa. Xẻ đôi chiếc giày bên trái ra xem nào

Xẻ đôi
Xẻ đôi

Tem giày được ép vào phần hông bên trong. Có thể thấy rõ đôi này được sản xuất ở Trung Quốc (Made in China), trên tem còn ghi chi tiết các loại vật liệu chính của giày: Synthetic, Textile, Rubber

Made in China
Made in China

 

Thân giày liền mạch (Seamless Upper)

Xu hướng hiện nay của giày thể thao là hạn chế tối đa các đường may, tạo sự liền mạch cho thân giày từ trong ra ngoài. Có thể kể ra ba ưu điểm của sự đổi mới này:

  1. Giảm khối lượng giày: giảm thiểu đường may –> giảm chỉ –> giảm khối lượng.
  2. Tăng tính thẩm mỹ cho giày: rõ ràng giữa một đôi đường may chằng chịt như cách đây 10 năm và 1 đôi nhìn “suôn mượt”, chắc chắn ai cũng thích chọn đôi giày suôn mượt rồi.
  3. Hạn chế các lỗi kỹ thuật : các đường may kém bên trong thân giày sẽ dễ gây ra vấn đề lớn, nhất là khi nó tiếp xúc trực tiếp với bàn chân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự thoải mái và khả năng tập luyện thi đấu của người mang.

Với đôi Curry One này, các đường may được hạn chế tối đa. Chỉ có đường may nối giữa phần mũi và phần gốt và đường may nối thân giày với lưỡi gà. Còn lại toàn bộ phần mũi giày và gót được tạo thành từ hai miếng nguyên khối.

Thân giày liền mạch, hạn chế tối đa đường may
Thân giày liền mạch, hạn chế tối đa đường may
Cau tao UA Curry One - 15
Cận cảnh mũi giày

Gót giày (Heel Counter)

Gót giày Curry One được thiết kế với lớp Foam dày bên trong kết hợp với miếng bảo vệ TPU cứng bên ngoài tạo nên lá chắn bảo vệ an toàn cho gót chân.

Miếng TPU cứng phía sau gót
Miếng TPU cứng phía sau gót
Gót giày
Miếng Foam dày đệm gót

Lưỡi gà (Tongue)

Tương tự, lưỡi gà cũng được đệm bằng lớp Foam mềm để bảo vệ mu bàn chân khỏi lực tác động của dây giày khi mang.

Lưỡi gà
Lưỡi gà

UA sử dụng thiết kế lỗ xỏ dây truyền thống thường thấy trên giày thể thao.

Lỗ thắt dây
Lỗ thắt dây

Miếng lót giày (Sockliner)

Do đặc thù của bóng rổ với các động tác bật nhảy cao liên tục, tác động giữa bàn chân và mặt sân ở cường độ cao hơn nhiều so với chạy bộ nên miếng lót giày đóng vai trò rất quan trọng trong cả hệ thống cushioning (đàn hồi) của giày.

Tiêu biểu là đôi Curry One này: miếng lót giày dày cộp, dày hơn hẳn so với các miếng lót giày được sử dụng trên giày chạy bộ.

Miếng lót giày dày hơn hẳng so với các đôi giày chạy bộ
Miếng lót giày dày hơn hẳng so với các đôi giày chạy bộ

Xem tiếp chi tiết phần đế giày ở trang kế tiếp nha

Dual Density Foam

Có thể nhìn thấy rất rõ cấu tạo đế giữa của được tạo nên từ 2 phần riêng biệt: xanh dương và đen. Phần xanh dương chạy dài từ mũi giày đến gót, bao bọc phần đế đen bên trong. Phần đế đen được đặt gọn bên trong, nằm ngay dưới phần gót chân.

Cau tao UA Curry One - 07
Má ngoài

Mình bóp thử thì thấy phần đen mềm hơn nhiều so với phần màu xanh. Đó chính là lý do khi mang trên chân cảm giác ở phần gót mềm mại và đàn hồi hơn nhiều so với các khu vực khác.

Dual Density
Dual Density

Cấu trúc này “ngoài cứng trong mềm” này trong tiếng Anh gọi là Dual Density Foam, được sử dụng rất phổ biến trên giày thể thao. Chỉ khác là mỗi hãng sử dụng các công thức khác nhau và marketing dưới các cái tên khác nhau. Ví dụ: Nike có công nghệ Dual Fusion và Dynamic Support, Asics có Duo Truss và Dynamic DuoMax

Shank

Một điểm đặc biệt trên giày bóng rổ so với giày chạy bộ là nó có thêm một bộ phận với tên gọi Shank (không biết tiếng Việt là gì nữa). Shank là một bộ phận bổ trợ được gắn thêm vào đế giữa của giày với vị trí ngay dưới phần lòng bàn chân. Các miếng Shank này rất cứng

Nhiệm vụ của nó là để bảo vệ phần giữa của đế giày không bị xoắn và gập lại khi vận động. Toàn bộ chuyển động cơ học của giày khi tiến về phía trước được dồn về phần mũi giày. Nhờ đó phần hõm dưới lòng bàn chân (arch) được hỗ trợ tốt hơn, không bị mỏi khi vận động ở cường độ cao.

Phần Shank màu đen nằm ngay dưới
Hai miếng Shank màu đen trên đế giày

Đôi Curry One này sử dụng đến hai miếng Shank khác nhau: một miếng dài được lắp ngay phía trên phần đế giữa, tiếp xúc với tấm lót (strobel sock), miếng còn lại nhỏ hơn nằm sát phía dưới tiếp xúc với đế cao su.

Cảm giác mang trên chân rất lạ: toàn bộ phần bàn chân từ khoảng giữa đến gót cảm giác như bị khoá cứng lại. Chỉ có duy nhất phần mũi chân là có thể vận động thoải mái. Thiệt lòng là thấy không thích tí nào. Chắc do mình quen mang giày chạy kiểu Nike Free, bẻ gập thoải mái rồi mang đôi Curry One này giống như là bị đeo gông vô chân.

4. Lời kết

Hy vọng bài viết mang lại thêm chút ít kiến thức bổ ích cho các bạn, nhất là các bạn ghiền giày giống mình. Cảm giác ngắm giày bên ngoài đã sướng, cảm giác xẻ giày ra ngắm bên trong còn sướng hơn gấp mấy lần (vì giày không phải của mình)

Mình đã nói ở trên rồi nhé: giày này không phải của mình. Các bạn xem xong đừng rủa “Ông nội này xài sang quá, mua giày xịn về chỉ để mổ xẻ viết bài cho vui” nha, tội mình lắm! 

Biết đâu lần sau có hứng mình sẽ xẻ một đôi giày chạy bộ cũ nào đó để làm thí nghiệm tiếp. Không biết có bạn nào quan tâm không nhỉ?

Quảng Cáo

Các bài viết cùng từ khoá Under Armour

Similar Posts

Subscribe
Notify of
guest
6 Comments
mới nhất
cũ nhất nhiều vote nhất
Inline Feedbacks
View all comments
Cùn

dạ cho e hỏi là lớp lót, viền cổ trong và xốp là những vật liệu gì ạ

Maria

Shank: Theo mình đc biết, nó còn gọi là sắt lót nhé bạn

Tung

Em cũng tính mua 1 đôi giày chạy bộ của hãng này
Đôi em tính mua là charged-bandit
Đôi này cũng được đánh giá là trong những đôi giày chạy tốt của năm 2015
http://www.runnersworld.com/running-shoes/the-best-running-shoes-of-2015/under-armour-charged-bandit
Ngoài ra em muốn hỏi tầm 3tr có đôi giày chạy nào tốt nữa không ạ
Em cảm ơn nhiều ạ

Tung

Em hỏi ngu tí có nên dùng giày chạy bô đi tập gym không ạ