Nhân tiện có một em hỏi thăm về chuyện giặt giày thế nào trên Facebook nên mình tổng hợp thông tin trong bài viết này chia sẻ cùng mọi người về cách vệ sinh và bảo quản giày chạy bộ. Thông tin dựa trên kinh nghiệm bản thân kết hợp tham khảo trên mạng.

Ai cũng biết giày là một phụ kiện tất yếu của chạy bộ. Tương tự như quần áo, giày chạy bộ cũng cần được vệ sinh thường xuyên để duy trì trạng thái sử dụng tốt nhất, đồng thời bảo đảm sự sạch sẽ an toàn cho người mang.

Quảng Cáo

Bạn có hứng thú chạy khi phải xỏ chân vô một đôi giày đen thui hôi thúi không? Chắc chắn là không rồi nhỉ. Ngược lại, một đôi giày mới coóng, thơm tho sẽ giúp bạn thêm hứng khởi mỗi khi bước chân ra đường. Tham khảo các lời khuyên dưới đây để biết cách giữ đôi giày yêu thích của bạn luôn trắng sạch như mới nhé.

Bao lâu cần vệ sinh giày chạy bộ một lần?

Chắc chắn đây là câu hỏi thường gặp nhất khi nhắc đến chuyện vệ sinh giày dép. Cần phân biệt giữa: lau chùi làm sạch giày và giặt giày.

Đối với giặt giày, thường sẽ có hai trường phái: ghiền giặt (giặt thường xuyên) và ngán giặt (rất ít khi giặt). Vậy tần suất giặt sao mới đúng?

Rất tiếc, mình không có câu trả lời chính xác. Kinh nghiệm của mình là giặt giày mỗi tháng một lần, và chỉ giặt tay. Chưa thấy đôi giày nào bị vấn đề cả, vẫn ngon lành và phục vụ mình ngon lành. Bình thường mình chạy trong phòng gym nên giày ít khi nào dơ, do dó không cần giặt thường xuyên. Nhưng nếu bạn nào hay chạy đường trail hay đường mưa bùn sình, phải giặt thường xuyên hơn để tránh giày bị lên mốc, gây ghẻ lở.

Phần mũi giày rộng rãi thoái mái nhưng hơi thô kệch

Ngoài ra, bạn có thể vệ sinh làm sạch giày mỗi ngày nếu thích. Bạn có thể sử dụng bàn chải lông mềm và chải nhẹ trên bề mặt giày để tống khứ bụi đất bám trên giày sau mỗi buổi chạy. Cách này sẽ bảo đảm giày luôn sạch bong như mới mà không lo chuyện bị bung keo, mục giày khi đem đi giặt.

Cách vệ sinh giày chạy bộ

Khi vệ sinh giày, điều quan trọng nhất làm làm sao không làm ảnh hưởng đến chất lượng giày. Một số mẹo giặt giày của mình:

  • Đừng giặt giày liên tục sau mỗi buổi chạy. Giày sẽ rất mau hư nếu bạn nhúng nước nó quá thường xuyên: bị hở keo đế, hoặc phần vật liệu thân giày bị mục.
  • Đừng giặt giày bằng máy giặt. Nếu bạn lười biếng và muốn dùng máy giặt, chỉ nên làm thế vài tháng một lần.
  • KHÔNG BAO GIỜ BỎ VÔ MÁY SẤY. Nhiệt độ của hơi sấy sẽ làm hỏng vật liệu thân giày, làm giày mất form, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng keo dán giày.
  • Đừng ngâm giày trong nước quá lâu. Giày khác với quần áo vì nó có keo dán giữa thân giày và đế giày. Phần keo dán này không thích bị ngâm nước đâu. Mình thường dùng vòi nước xịt thẳng vào bề mặt giày để tống khứ vết bẩn, nhanh gọn lẹ.
  • Hạn chế dùng xà bông. Trừ khi giày quá dơ dùng nước không sạch, bạn mới nên sử dụng xà bông pha loãng.
  • Dùng giấy báo nhét vô giày sau khi giặt xong. Bạn có để ý mỗi lần mua giày về đều thấy có giấy nhét trong giày không? Mục đích của nó là để giữ form giày. Vì thế, mỗi lần giặt xong, bạn nên kiếm giấy báo nhét vô giày rồi mới đem phơi.

Nếu giày chạy bộ của bạn có kèm theo hướng dẫn vệ sinh, nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.


Cách bảo quản giày chạy bộ

Nếu bạn có nhiều hơn một đôi giày chạy bộ (giống mình), việc bảo quản giày chạy bộ cũng là một vấn đề cần chú ý. Dưới đây là một số kinh nghiệm bảo quản giày của mình

Chỉ mang giày chạy bộ khi đi chạy

Nếu bạn có thói quen chạy bộ buổi sáng trước khi đi làm, luôn mang theo 2 đôi giày: một đôi dành cho chạy bộ và một đôi đi làm. Ngay sau khi chạy xong, bạn cần cho đôi giày của mình có thời gian nghỉ ngơi, đừng hành hạ nó suốt cả ngày. Mình thường lấy mấy đôi giày chạy bộ cũ làm giày đi làm, lần nào đi chạy ở Dinh Thống Nhất cũng mang theo hai đôi: một cũ, một mới.

Đừng để giày ở những nơi quá nóng hay quá lạnh

Giày không thích nhiệt độ quá cao hay quá thấp đâu. Ở xứ nóng, không để giày dưới ánh nắng trực tiếp còn ở xứ lạnh, đừng vứt giày trong nhà kho lạnh lẽo. Bạn nên sắm một cái tủ riêng để bảo quản giày, vừa an toàn vừa gọn gàng.

Nike Zoom Fly bên cạnh anh em nhà Flyknit
Tủ giày của mình 🙂

Mang giày và tháo giày đúng cách

Nhiều bạn có thói quen xỏ giày và tháo giày mà không hề chỉnh dây. Thói quen này sẽ làm biến dạng phần gót của giày, đồng thời ảnh hưởng đến độ ôm của giày. Nhớ tháo chỉnh dây mỗi lần mang giày và xỏ giày nha các bạn.

 

Quảng Cáo

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *