Ba đôi giày mình đang sử dụng: Nike Zoom Fly, Nike Free Flyknit và Nike Flyknit Lunar 2
Ba đôi giày mình đang sử dụng: Nike Zoom Fly, Nike Free Flyknit Nike Flyknit Lunar 2

Bạn đang có bao nhiêu đôi giày chạy bộ: 1 đôi, 2 đôi… hay hơn 10 đôi? Mình đoán đa số trả lời sẽ là 1 đôi giày. Nhiều người sẽ nghĩ tại sao phải mua 2 đôi giày 1 lúc dùng chung cho một mục đích? Tốn kém quá! Tuy nhiên, theo tìm hiểu của mình thì những dân chạy lâu năm đều sở hữu ít nhất hai đôi giày chạy bộ. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Nếu bạn mới bắt đầu, chỉ cần sắm 1 đôi, nhưng nếu bạn chạy nhiều và thường xuyên hơn, bạn nên cân nhắc đầu tư thêm 1 đôi nữa để thay đổi luân phiên. Bản thân mình cũng từng chỉ có 1 đôi duy nhất, nhưng bây giờ cũng đã sắm đến 3 đôi, một phần do khoái giày đẹp nên không thể kềm lòng, một phần do những lý do dưới đây.

Quảng Cáo

Cùng tìm hiểu những ưu điểm khi luân phiên ít nhất hai đôi giày chạy bộ khi tập luyện:

1. Kéo dài tuổi thọ của giày

Theo như bài viết Khi nào cần mua giày chạy bộ mới trước đây của mình, bạn nên thay giày chạy bộ sau khoảng 6-9 tháng tuỳ vào cân nặng, cự ly và cách chạy của bạn. Đó là cách ước lượng nếu bạn chỉ dùng duy nhất 1 đôi giày. Nếu bạn luân phiên nhiều đôi giày khác nhau, tuổi thọ của từng đôi sẽ được kéo dài hơn, do tần suất sử dụng giảm xuống giúp giày có thời gian phục hồi sau mỗi buổi tập. Tham khảo ưu điểm 2 dưới đây để hiểu rõ hơn nha.

2. Tối ưu khả năng đàn hồi bảo vệ của giày

Chạy liên tục trong một đôi giày duy nhất sẽ khiến phần đế giữa của giày không kịp đàn hồi về trạng thái tốt nhất để hỗ trợ bạn khi chạy. Trong các buổi chạy, mỗi bước chân của bạn đặt một lực tác động gấp 3 lần trọng lượng cơ thể lên giày. Sau mỗi buổi chạy, đế giữa cần 1-2 ngày để phục hồi về trạng thái ban đầu trước khi sẵn sàng cho lần tập kế tiếp.

Xem thêm: Cấu tạo giày thể thao

Sử dụng hai đôi giày chạy bộ khác nhau sẽ giúp bạn duy trì lịch tập trong khi vẫn bảo đảm thời gian cần thiết cho giày phục hồi. Nếu bạn thuộc nhóm những người thích chạy 2 lần trong ngày: sáng và tối thì càng phải có nhiều hơn hai đôi giày để thay đổi. Chạy liên tục trong một đôi giày sẽ khiến giày mau hư hơn.

3. Chi phí không đổi (thậm chí còn tiết kiệm hơn)

Bạn nghĩ mua 2 đôi giày chạy một lúc quá tốn kém và lãng phí? Không hề, thật ra thì chi phí cũng vậy thôi. Chẳng qua chỉ là vấn đề thời gian mua trước hay mua sau thôi. Mình có thể hiểu việc bỏ ra một lúc 4-5 triệu mua 2 đôi giày nghe rất là tốn kém. Nhưng nếu việc có hai đôi giày cùng lúc có thể giúp bạn chạy bộ an toàn hơn và kéo dài tuổi thọ của giày hơn, thì rõ ràng đó là cách đầu tư hiệu quả và tiết kiệm hơn là việc mua lần lượt từng đôi.

Nếu bạn chỉ mới bắt đầu chạy, chỉ cần mua 1 đôi để tập trước. Sau 3-4 tháng khi đã quen với cường độ chạy cao hơn, hãy sắm đôi thứ hai để bắt đầu các kế hoạch tập luyện nghiêm túc. Khi đôi đầu tiên đến tuổi về hưu, sắm đôi thứ ba, khi đôi thưs hai hư, sắm tiếp đôi thứ 4 và cứ thế. Tại sao bạn nên mua giày theo cách này:

  • Tránh tình trạng đầu tư hoành tráng rồi bỏ cuộc nửa đường, giày để cho chó gặm.
  • Tránh việc bỏ ra một lúc quá nhiều tiền để mua 2 đôi giày cùng lúc. Mua xen kẽ như thế vẫn bảo đảm bạn có hai đôi giày để luân phiên khi chạy.
  • Giúp bạn có thêm nhiều cơ hội sắm các kiểu giày mới, màu mới để khoe hàng liên tục.

4. Hạn chế thay đổi giày yêu thích

Còn gì ức chế hơn việc bạn đang chạy quen trong một loại giày nào đó, đến lúc nó hư cần mua lại thì hãng giày đã thay bằng một mẫu mới, mang không sướng bằng đôi cũ. Chắc là không ít người đã đang và sẽ gặp phải tình trạng tương tự. Các hãng giày hằng năm luôn cho ra đời các mẫu giày mới. Tuy nhiên, không phải giày nào chung một dòng cũng giống nhau. Chỉ một thay đổi nhỏ phần thân trên (upper) hay phần đế giày (bottom) sẽ làm thay đổi tính chất của giày, và rất có thể sẽ ảnh hưởng đến bạn.

Ví dụ: Nike Free 3.0 Flyknit (2014) là bản nâng cấp mới nhất của dòng giày chạy bộ Nike Free 3.0. Tuy nhiên phiên bản 2013 và 2014 gần như không có điểm tương đồng khi phần thân trên và phần đế đều được thay mới. Phần thân trên được thay bằng công nghệ Flyknit tương tự Nike Free Flyknit 5.0, phần đế cũng có những thay đổi đáng kể khi các đường cắt chuyển từ ngang dọc thành hình lục giác. Chắc chắn cảm giác khi mang hai đôi này là hoàn toàn khác nhau.

Nike Free 3.0 v5
Nike Free 3.0 v5 (2013)
Nike Free 3.0 Flyknit (2014)
Nike Free 3.0 Flyknit (2014)
Đế giày Nike Free 3.0 v5 (2013)
Đế giày Nike Free 3.0 v5 (2013)
Đế giày Nike Free 3.0 Flyknit (2014)
Đế giày Nike Free 3.0 Flyknit (2014)

Nếu bạn yêu thích đôi giày chạy bộ hiện tại của mình và muốn tiếp tục sử dụng trong một thời gian dài sắp tới, hãy tranh thủ sắm thêm 1 đôi trước khi nó bị dừng sản xuất và chuyển sang một mẫu nâng cấp mới. Điều này cực kỳ quan trọng nếu bạn đang tập luyện cho một mục tiêu dài hơi như chinh phục marathon, half-marathon. Rất có thể bạn sẽ cần phải thay giày trong quá trình tập luyện và nếu đôi giày bạn đang quen thuộc bị thay bằng một mẫu mới hoàn toàn khác thì bạn sẽ gặp vấn đề lớn.

Lời kết

Hi vọng bài viết giúp bạn hiểu được lý do vì sao dân chạy bộ lại có nhiều giày đến thế. Nếu bạn mới có 1 đôi, mình bảo đảm sớm hay muộn bạn cũng sẽ thêm vài đôi khác vô bộ sưu tập. Hãy cho mình biết số lượng giày chạy bộ bạn đang có bằng cách vote dưới đây nha.


Quảng Cáo

Similar Posts

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments